ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Mất mạng vì... thuốc bổ!
     Truyền “nước biển” để lọc máu, chích vitamin C liều cao cho đỡ mệt, tiêm vitamin B1 bớt đau nhức... - là những thuốc bổ mà công chúng hiện đại quen xài, nhưng dưới mắt các nhà chuyên môn: không chỉ “tiền mất, tật mang”, nhiều người còn mất mạng vì điều này.


Chỉ có giá trị tâm lý
TS-BS Lê Thị Thu Thảo, trưởng khoa cấp cứu người lớn bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, cho biết sử dụng dịch truyền (nước biển) phải đúng chỉ định, dùng sai không những “vô bổ” mà còn có thể nguy hại đến tính mạng.
Bằng chứng là cách đây vài năm, nhiều người lớn sốt xuất huyết thiệt mạng oan uổng do bác sĩ truyền dịch quá nhiều.
Phải mất nhiều nghiên cứu chứng minh và công sức tập huấn chuyên môn của bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, nay tình hình mới được cải thiện, tỷ lệ tử vong vì sốt xuất huyết ở người lớn giảm đáng kể.
Bình thường nhiều người mỗi khi thấy “mệt” hoặc “nóng trong người” thường đi bác sĩ xin truyền nước biển. Theo bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, hiệu quả của “nước biển” trong trường hợp này chủ yếu về mặt tâm lý, chứ thực chất thành phần dinh dưỡng của một chai “nước biển” thua xa giá trị của việc ăn uống thông thường.
Đơn cử, nếu truyền 500ml glucose 5% , cơ thể chỉ hấp thu được 50ml (số còn lại bài tiết theo nước tiểu!), tương đương… một muỗng đường. Ngược lại, nếu dùng nước cam, chanh, lượng đường glucose cơ thể hấp thu còn nhiều hơn. Chưa kể nước trái cây còn cung cấp nhiều vitamin và muối khoáng.
Nhưng đáng nói nhất là việc truyền dịch ẩn chứa nhiều nguy cơ sốc thuốc (sốc phản vệ), nếu không cấp cứu đúng mức và kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Trường hợp truyền dịch dẫn đến tử vong cho một bệnh nhân ở quận 8, TP.HCM mới đây là thí dụ điển hình.
Theo các nhà chuyên môn, dịch truyền càng có nhiều thành phần thì nguy cơ sốc thuốc càng cao. Ngay cả những trường hợp mất nước do tiêu chảy, sốt cao, cách tốt nhất vẫn là bổ sung nước qua đường uống.
Nếu buộc phải truyền dịch, bác sĩ phải tính toán liều lượng rất kỹ, không thể tuỳ nghi theo kiểu “thích thì truyền”.
Phù não, tổn thương gan vì vitamin
Theo ThS-BS Phan Hữu Phước, trưởng khoa lão bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, nhiều người vẫn nghĩ rằng vitamin liều cao là thuốc tăng lực, nhưng quên rằng vitamin cũng là thuốc, một chất hoá học, nghĩa là dùng quá liều cũng sẽ bị ngộ độc.
Chẳng hạn vitamin A, D là hai vitamin tan trong mỡ hay bị ngộ độc khi dùng liều cao kéo dài. Vitamin A được biết là có vai trò quan trọng với thị lực và da, màng tế bào, có thể dùng điều trị các bệnh như vẩy nến, mụn, trứng cá, chứng tóc khô, dễ gãy...
Thuốc dùng dễ dàng qua đường uống và người ta đã biết rằng ngộ độc vitamin A có thể gây ra phù não, tổn thương gan trầm trọng. Tương tự, pyridoxine (vitamin B6) thường dùng để điều trị chóng mặt và rối loạn tiền mãn kinh, nhưng khi dùng liều cao kéo dài có thể dẫn đến tổn hại... hệ thần kinh trung ương.
Một “trào lưu” phổ biến hiện nay là chích vitamin C liều cao (500 – 1.000mg) để làm đẹp da, mát người, khỏi mệt. Bác sĩ Phước cho biết nhu cầu cơ thể về vitamin C ở người lớn là 50 – 100mg, nghĩa là 1mg/kg thể trọng mỗi ngày, đối với trẻ con và phụ nữ có thai cần 100 – 200mg mỗi ngày.
Vitamin C quả thật tốt cho tim mạch, tăng sức đề kháng, chống lão hoá, nhưng nếu dùng liều cao thì cơ thể cũng đào thải ra ngoài, tốn kém tiền bạc.
Chưa kể nếu dùng liều quá cao, trên 2.000mg/ngày trong nhiều tháng có thể gây hại cho dạ dày vì bản thân vitamin C là acid (chất chua), làm tăng oxalate canxi trong nước tiểu, lâu dần dẫn đến… sạn thận.
Vì thế khi cần dùng liều cao, lâu dài cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Tương tự dịch truyền, vitamin C cũng có thể gây sốc thuốc khi sử dụng bằng đường tiêm chích. Giới chuyên môn, những ai từng chứng kiến một lần sốc thuốc vitamin C, đặc biệt vitamin B1, đều phải… xanh máu mặt.
Đáng tiếc là để chiều bệnh nhân hoặc vì lợi ích kinh tế mà hiện nay không ít bác sĩ biến mình thành “chuyên khoa truyền dịch” hoặc “chuyên khoa chích vitamin”, bất chấp những thiệt hại hoặc rủi ro cho bệnh nhân.
Theo Vân Hà
Sài gòn Tiếp thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang