ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Tự đánh giá lực tu của chính mình qua từ " GHÉT"

Bạn tu rất tinh tấn, Bạn còn ghét ai không ? Hãy tự nhìn lại chính bản thân mình mà đánh giá chúng ta đã đạt được những gi khi hành trì, người đời lý luận, vọng ngôn thì nhiều nhưng chắc Phản quan tự kỷ chúng ta sẽ nhận ra chính mình. Bài viết " Nếu Tâm Còn Ghét Người Sẽ Không Vãng Sanh " cũng là một phép phản quang tự kỷ nhìn lại chính mình.

Hòa thượng Tịnh Không nói, niệm Phật mà còn ghét một người nào thì mình không được vãng sanh. Nghe lời pháp của Ngài ta phải ứng dụng liền, ta phải thực hiện ngay cái phương pháp này liền. Một tháng trước ta sơ ý chuyện này? Chấp nhận! Tại vì lúc đó ta còn mê muội. Nhưng hôm nay có người nhắc nhở, chúng ta phải giật mình tỉnh ngộ. Đây là lời nói của ngài Tịnh Không, và lời nói của ai nữa? Chư Phật đều nói như vậy. Tại vì muốn cảm ứng được với A-Di-Đà Phật, muốn hội nhập hay gọi là câu hội với chư Thượng Thiện Nhân trên cõi Tây Phương thì…

Nhất định cái tâm này phải là Tâm Thiện.

Nhất định phải là Tâm Tịnh.

Ngài Tịnh Không nói là “THUẦN THIỆN THUẦN TỊNH”. Cho nên khi nhắc lại mình mới thấy rõ rệt là mình nghe lời pháp của Ngài mà mình không thực hiện được lời pháp của Ngài.

Thuần Tịnh là sao? Là nhất định cái tâm này không có chao đảo, tâm này không có loạn động.

Thuần Thiện là sao? Nhất định một niệm ác cũng không xảy ra. Ráng cố gắng làm như vậy.

Nếu nó xảy ra thì sao? Ngay lập tức phải bỏ liền, ngay lập tức lúc đó phải sám hối liền.

Bằng cách gì? Niệm câu A-Di-Đà Phật ngay lúc đó. Nếu mà làm được như vậy thì tất cả chúng ta ở đây ai cũng có thể vãng sanh.

Nếu làm không được như vậy thì sao? Lỡ có xảy ra một chuyện gì sơ ý phải sám hối ngay lập tức. Không thể nói rằng, ta không sợ gì hết! Chắc chắn với thế giới tự do này, không ai có quyền xâm phạm tới đời riêng, đời tư của chúng ta. Nhưng mà oan gia trái chủ có quyền xâm phạm! Nghiệp chướng mình nó sẽ làm cho mình mê man bất tỉnh!

Cho nên xin chư vị đừng bao giờ sơ ý. Nhất định học cho đúng “Pháp”, hành cho đúng “Lý” thì tự nhiên mình được vãng sanh về Tây Phương cực lạc. Chứ không phải mỗi sáng, mỗi khi tu tinh tấn, cứ đọc: “Nguyện khi lâm chung con không còn chướng ngại”, là mình không còn chướng ngại! Không phải! Bảo đảm chắc chắn không phải! Tại vì sao? Tại vì mình làm không đúng pháp! Miệng mình thì nguyện nhưng mà tâm mình không nguyện! Chịu thua! Biết liền.

Xin chư vị, vì để cho vững vàng đi về Tây Phương Cực Lạc, chúng ta phải nhắc nhở lẫn nhau, nhắc cho đến khi nào mà mình ngộ ra con đường vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Tại sao ở Việt Nam người ta vãng sanh dễ dàng? Là tại vì người ta thành khẩn. Tại sao bên Đức người ta hộ niệm vãng sanh? Rõ ràng là tại vì người ta nghe từng chút từng chút, người ta thực hiện đúng như vậy. Sắp sửa đây tôi sẽ hỏi người ta đưa một cuốn sách, quý vị coi cuốn sách đó mà thấy giật mình. Tại sao người ta được vãng sanh? Cuốn sách đó là chính một cái người ở bên Đức người ta viết. Quý vị coi cuốn sách đó mới thấy ngỡ ngàng! Tại sao được như vậy? Người ta thành khẩn đến nỗi từng chút, từng chút, người ta theo dõi từng chút từng chút… Nhờ như vậy mà hộ niệm người ta được vãng sanh.

Còn ở đây thì mình quá gần ngài Tịnh Không. Mình tưởng là gần Ngài thì mình được vãng sanh chăng? Không phải đâu! Mình tưởng là đứng trong cái Niệm Phật Đường này là mình được vãng sanh à?… Không phải đâu!

Tại vì mình đã khởi ra một cái niệm cống cao ngã mạn khi tưởng là mình tu lâu hơn người ta! Cách đây hai ngày chúng ta hộ niệm cho một người. Người đó khi còn sống, một vị Sư Cô tới khuyên niệm Phật, người đó nói: “Tôi biết rồi Cô ơi! Tôi không cần nữa. Tất cả đạo lý tôi hiểu hết rồi!”… Vì quá hiểu cho nên thành ra cống cao ngã mạn! Một niệm cống cao ngã mạn xảy ra đã phá tan hết cả công đức để sau cùng bị mê man bất tỉnh, đến nỗi mình hộ niệm muốn khan cổ mà sau cùng vẫn đi con đường xấu! Như vậy không phải mình niệm Phật là được vãng Sanh. Niệm Phật phải thực hành cho đúng… Nhất định đừng để sai. Cho nên nghe pháp của Ngài phải ứng dụng liền.

Ngài nói sao?

Quý vị mà còn có cái tâm đố kỵ… Nhất định quý vị mất phần vãng sanh.

Quý vị mà còn ghét một người nào… Nhất định không được vãng sanh.

Quý vị mà còn đem cái chuyện của thiên hạ để vào trong tâm mình… Nhất định quý vị không được vãng sanh.

Có phải Ngài nói như vậy không? Ta áp dụng được không? Trên bảng này Phật nói sao?

Gìn giữ cái miệng, đừng nói lỗi người.

Nếu như người nào ưa nói lỗi người, phải giật mình ngay đi. Nếu không giật mình nhất định không được vãng sanh. Tại vì mình đã phạm phải cái lỗi này rồi “Nhược chơn tu đạo nhơn. Bất kiến thế gian quá”. Mình thấy cái lỗi người ta nhưng mình đừng nói. Đừng để trong tâm thì tự nhiên cái tâm mình thanh tịnh. Thanh tịnh trong tâm đâu có phải là mình cứ công phu này công phu nọ hay nói cho hay ho. Thực ra là:

Tập buông đi.

Tập tha thứ đi.

Tập lặng lờ đi.

Tất cả những cái ở bên ngoài chỉ là để thử thách cái tâm mình bên trong.

Cái tâm mình mà còn động, nhất định tâm mình không tịnh!

Tâm mình mà còn thấy khó chịu, nhất định cái tâm mình không tịnh!

Cái tâm mình mà muốn, gọi là, theo ngài Tịnh Không nói, muốn chi phối thiên hạ, nhất định không thể nào thanh tịnh!

Ngài đưa ra những câu khẩu hiệu: “Với sự, không được chi phối. Với người, không được chi phối”. Nếu mình được cái tâm này, thì rõ ràng cái đạo tràng này nhất định sẽ là đạo tràng thanh tịnh.

Xin thưa với chư vị, chúng ta còn mang cái thân này là còn sợ. Sợ gì? Sợ bị chướng ngại trong lúc lâm chung. Nhất định. Chướng ngại nó nằm ở đâu? Ngay trong tâm mình nó hiển hiện ra chứ không phải ở ngoài hiển hiện vô. Ví dụ như đến một cái đạo tràng, mình thấy cái đạo tràng này có những cái chuyện sai suất làm mình tự nhiên thấy khó chịu vô cùng! Nhất định cái tâm này là tâm loạn, không phải là tâm tịnh. Còn nếu thấy như vậy, nhưng… À thôi! Đây là chuyện của thế gian. Mình vô trong Niệm Phật Đường, đóng cửa lại tu hành, thì tự nhiên cái tâm mình nó tịnh lại. Đối với một câu chuyện ở xã hội, mình thấy khó chịu vô cùng. Mình khó chịu vô cùng đó chính là cái phiền não của mình nổi lên. Còn một người nào khác thấy chuyện đó nhưng không có phiền não, chính vì người ta ở trong định.

Định ở đâu? Ngay trong câu A-Di-Đà Phật, gọi là “Tâm trú niệm Phật trung. Vô phi bất vô quá” là như vậy. Nếu người nào thật sự tâm đã định trong câu A Di Đà Phật rồi, không bao giờ thấy cái gì là “Thị“, không có gì gọi là “Phi“, không cái gì là sai, không có gì là đúng nữa hết trơn. Tâm đó thực sự là tâm tịnh. Mình làm được không? Xin thưa chư vị, rất là khó! Phải tập. Tập làm sao mà khi cái tâm mình nó khởi lên thì:

Đè xuống liền lập tức.

Bỏ đi liền lập tức.

Sám hối liền lập tức.

Một câu A-Di-Đà Phật niệm liền thì tự nhiên chúng ta đi trên con đường thẳng băng về Tây Phương. Nếu mà chúng ta còn để cái tâm khó chịu cái này, khó chịu cái khác, tôi đảm bảo bây giờ quý vị niệm, theo như ngài Tịnh Không nói, một ngày niệm mười vạn tiếng cũng như không, mà còn bị cái nạn của ngài Quán Đảnh Đại Sư la rầy chúng ta nữa. Ngài nói, coi chừng niệm Phật mà không buông xả cái này sẽ bị đọa địa ngục!

Chính vì thế, khi chúng ta biết được phương pháp hộ niệm là biết cái phương pháp buông xả. Tập buông xả. Tập buông xả. Phải buông xả mới được vãng sanh. Không buông xả không thể nào mà được vãng sanh! Cố gắng lên! Một lòng: Sáng niệm Phật, trưa niệm Phật, chiều niệm Phật… thành tâm đem công đức hồi hướng cho chư vị oán thân trái chủ đi.

Xin thưa với chư vị, oán thân trái chủ của chúng ta nhiều vô cùng nhiều. Các vị đó đang chờ… Chờ cái gì? Chờ:

Cái tâm mình thực sự là có thuần thiện hay không?

Tâm mình thực sự có muốn tu hành hay không?

Tâm mình thực sự là có biết tha thứ lỗi lầm của người khác hay không?

Hễ mình tha thứ cho cái lỗi của người làm sai với mình, thì họ sẽ tha thứ cho cái lỗi mình ăn họ, mình nuốt họ, mình bắn họ, mình giết họ, mình làm những cái điều sai trái đối với họ. Tại vì nhớ là cái nợ sinh mạng không thể nào dễ dàng được! Như vậy thì sao? Ta phải biết cách gọi là giải trừ cái nghiệp cho ta. Bằng gì? Ta phóng sanh, rồi ta tha thứ. Tha thứ cho người khác tự nhiên cảm động tới chư vị oan gia trái chủ. Và ta niệm: Nam mô A-Di-Đà Phật cầu Phật cho con được hết chướng ngại, chứ thực ra, nói là A-Di-Đà Phật, chứ suy cho cùng ra, chính là cái chân tâm tự tánh của mình chứ không có gì khác. Cái chân tâm tự tánh của mình hiển lộ ra thì tự nhiên mình được giải nạn. Mà chân tâm tự tánh mình mà cứ bị đè trong những phiền não chập chùng, thì nhất định A Di Đà Phật cũng không cách nào mà chen vào cái “NHÂN QUẢ” của chính mình được.

Nguyện mong chư vị hiểu được những cái đạo lý này, giật mình tỉnh ngộ liền thì tự nhiên đường vãng sanh nằm ngay trước mắt. Còn nếu chúng ta không chịu giác ngộ chuyện này, thì ngồi trước bàn Phật niệm Phật, nhưng đường vãng sanh vẫn còn xa vời vợi!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Cây ngải tím trị vết thương cực kỳ hiệu quả
Từ kinh nghiệm chính bản thân mình cộng với hàng chục năm ứng dụng thực tế, lương y Nguyễn Văn Hướng (69 tuổi, ngụ đường Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) khẳng định cây thuốc nam ngải tím có công dụng trị thương rất hiệu nghiệm, đặc biệt là chức năng “hoá nùng sinh cơ”, tức tạo da non thay thế phần da thịt bị hoại tử.

Hàn gắn vết thương
Ngải tím còn có tên là Nga truật, theo sách y học cổ, loài cây này có tính vị cay, nóng, ấm. Về công năng, ngải tím được biết đến là vị thuốc phá huyết hành khí cực kì hiệu quả. Lương y Hướng cho biết các thầy thuốc đông y từ xưa thường dùng ngải tím để chữa trị nhiều chứng bệnh như: Khí huyết ngưng trệ; đau bụng đầy trướng; bệnh máu đông thành hòn, cục (Trong đông y gọi chung là nhóm bệnh do “trần hà tích tụ”).
Công năng “tuyệt diệu” của ngải tím còn là tác dụng trị thương, sinh da non. Cách thức áp dụng để chữa bệnh như sau: Dùng củ ngải tím còn tươi, đem mài nhỏ hoặc giã mịn rồi đắp kín vào vết thương. Thậm chí khi vết thương đã nhiễm trùng nặng vẫn có thể dùng bài thuốc này để chữa trị. “Đắp thuốc xong nhớ dùng vải thưa buộc vừa chặt, đắp thuốc từ sáng đến chiều lại thay mới. Khi đắp thuốc vào sẽ gây cảm giác đau nhức như gà mổ, khí nóng toả ra từ vết thương nhưng đó chính là dấu hiệu khả quan”, vị lương y thuộc nằm lòng cách bào chế thuốc.
Trình bày tiếp về công năng của cây, thầy thuốc Hướng cho biết những tinh chất trong củ ngải sẽ hút toàn bộ mủ, máu độc và phần thịt đã hoại tử ra khỏi cơ thể người bệnh. Đồng thời củ ngải tím có tác dụng kích thích quá trình sinh cơ tạo da non: “Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của vết thương mà quá trình đắp thuốc dài hoặc ngắn. Tuy nhiên chỉ sau vài lần đắp thuốc, bệnh nhân sẽ thấy bớt đau nhức, da không còn thâm tím và tiêu mủ rõ rệt”.
Điều cần lưu ý là củ ngải tím phải sử dụng ở dạng tươi và tuyệt đối không áp dụng trị thương cho phụ nữ mang thai bởi công năng phá huyết của cây cực mạnh. Trong quá trình dùng thuốc trị liệu, người bệnh cần kiêng tránh những thức ăn sinh mủ. Nét ưu việt nữa trong chữa bệnh của cây ngải tím như lời lương y Hướng là tuyệt đối không để lại thẹo (sẹo) sau khi vết thương lành.

Cổ nhân ngày trước vẫn ứng dụng củ ngải để chữa trị chứng cảm cúm sơ phát bằng cách ăn tươi. Ông Hương chia sẻ kinh nghiệm: “Trong thời gian lên vùng đồng bào thiểu số tìm hiểu cây thuốc, tôi biết được phụ nữ vùng cao sau khi sinh thường ăn củ ngải tím phòng bệnh. Những người lặn lội vào chốn rừng thiêng nước độc tìm trầm, đãi vàng không bao giờ quên ngậm củ ngải nhằm phòng trừ khí độc, bởi thế dân gian mới có câu “ngậm ngải tìm trầm””.
Bên cạnh cách dùng tươi, người bệnh có thể tự bào chế bài thuốc từ củ ngải tím và dấm dùng chữa trị nhóm bệnh “trần hà tích tụ” (Các bệnh máu vón thành cục, sán khí, bệnh chảy máu dạ con ở phụ nữ sau khi sinh nở - PV). Theo đó, thái mỏng củ ngải tím đem phơi hoặc sao khô, sau đó tẩm bằng dấm vừa đủ ướt: “Mỗi lần dùng 12g thuốc sắc uống, chú ý uống thuốc tốt nhất lúc lưng chừng bụng, tức là không đói cũng không no, để có hiệu quả tốt nhất”. Giải thích tại sao kết hợp vị dấm, lương y Hướng cho hay phần lớn các bệnh do “trần hà tích tụ” đều xuất phát từ gan. Mặt khác dấm có vị chua sẽ làm “nhiệm vụ” đưa thuốc vào gan, từ đó bệnh mới lành dứt điểm.
Đặc biệt đối với chứng bệnh chảy máu dạ con, ông Hướng chia sẻ có thể dùng củ ngải tím đã phơi khô đem sao chung với ruột gà chữa trị rất hiệu nghiệm. Ông hướng dẫn: “Ruột gà phải còn tươi mới, để nguyên vẹn rồi thái nhỏ cho vào chảo sao cùng củ ngải. Sao đến lúc nào ruột gà hoàn toàn khô thì bỏ đi, chỉ lấy phần củ ngải đem sắc uống, với liều lượng khoảng 15 - 20g mỗi ngày”. Riêng về bài thuốc này, ông Hướng cho hay được người xưa truyền dạy lại, bản thân mình áp dụng rất nhiều lần nhưng không thể lí giải tại sao lại kết hợp ruột gà với củ ngải tím.
Chứng minh công dụng thuốc bằng ngón tay cụt
Khi được hỏi về dẫn chứng tính hiệu nghiệm của những bài thuốc bào chế từ cây ngải tím, ông Hưởng xòe ngay bàn tay mình có một ngón cụt nửa lóng để minh chứng: “Chính nó là bằng chứng rõ ràng nhất”. Năm 1977 ông Hưởng khi đó đang sinh sống ở Quảng Ngãi, một lần đi chặt nứa thì bị cây nứa cắt vào tay. Do chủ quan nên vết thương ngày càng nặng, ngón tay bị nhiễm trùng đến mức phải tháo khớp. Thế nhưng vẫn chưa thoát nạn, lần cuối cùng chẩn trị, bác sĩ bảo phải tháo bỏ cả bàn tay mới an toàn tính mạng. Dễ hiểu cảm giác thất vọng của chàng trai trẻ lúc đó ra sao.

Ông bộc bạch bản thân mình rơi vào tâm trạng bế tắc, chán chường suốt mấy tháng liền cho đến ngày trở lại quê hương ăn giỗ ở xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). “Trong đám giỗ có ông thầy lang nổi tiếng ở quê đến dự, nhìn thấy bàn tay tôi ông ngắm nghía rồi bảo đừng buồn nữa, sáng mai sang nhà ông để ông chữa trị. Nghe vậy thôi chứ thâm tâm tôi nghĩ rằng y học hiện đại còn bó tay thì mấy ông lang vườn làm sao chữa khỏi”, ông Hướng mỉm cười nhớ lại.
Thế nhưng “có bệnh thì vái tứ phương”, dù hoài nghi nhưng ngày hôm sau chàng trai vẫn mò sang “thử nghiệm”. Qủa thực như lời cam kết, chưa đầy 3 tuần lễ đắp thuốc từ củ ngải tím, vết thương trên tay khỏi hẳn. Đó cũng là lí do khiến chàng trai trở nên đam mê, quyết định “toàn tâm toàn ý” đi theo nghề thuốc. Vốn là con nhà nòi có truyền thống nghề y, lại chịu khó học hỏi nên chẳng mấy chóc ông Hướng ra nghề và sống bằng nghề thuốc.
Vị lương y trải lòng nguyên cớ sâu xa nhất khiến ông theo nghề thuốc chính là trả ơn cho đời. Ông nói: “Nếu không nhờ ông thầy lang năm xưa, nay tôi đã trở thành người cụt què rồi. Tôi tin rằng ở hiện tại cũng vậy, ở đâu đó vẫn có những người đang bi luỵ vì bệnh tật, bởi vậy tôi muốn đem chút ít khả năng bản thân để cứu người giúp đời như một cách trả ơn”.
Loài cây dân dã, dễ tìm này nhưng lại có công hiệu cực kỳ và dễ chế biến thành bài thuốc. Thế nên mới có chuyện trong đời làm nghề Đông y của ông Hướng, có những cuộc “chữa bệnh” ngay trên đường phố. Ông Hướng có nhiều ký niệm vui, ví dụ có lúc đang đi ăn sáng thì bất ngờ nhìn thấy cảnh một ông lão làm nghề chài lưới bị dính vết thương ở chân gây sưng tấy, lê lết đi vào quán. Ông Hướng đến bắt chuyện và chỉ cho mẹo chữa trị, chưa đầy tuần lễ sau vết thương của ông lão đã hết đau đớn, rồi dần lành hẳn. Lần khác khi đi chơi, nghe tin một cụ bà bị mưng mủ ở bụng, vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng nặng nhưng cụ kiên quyết không đi viện do ngại tốn kém, ông Hướng liền ghé thăm và sử dụng “bí kíp” củ ngải tím chữa giúp. “Mọi người cứ yên tâm sử dụng cây ngải tím trị thương, ai có thắc mắc gì hãy gọi điện thoại cho tôi hướng dẫn tỉ mỉ hơn”, lương y Hướng nhiệt tình mở lời trước lúc tiễn khách.
Ngải tím, hay còn gọi Nga truật, là một loại cỏ cao chừng 1 - 1,5m, có thân rễ hình nón, có khía chạy dọc. Củ ngải toả ra theo hình chân vịt, cây mẫm và chắc. Vỏ củ ngải có màu vàng nhạt, lá dài khoảng 30 - 60cm, rộng chừng 7cm, dọc theo gân chính giữa của lá có những đốm màu đỏ. Cây ngải tím thường mọc hoang.
Tác giả bài viết: Theo Hải Lăng
Nguồn:Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Học người xưa cách đối diện với thị phi trong cuộc sống

Thật khó để tìm ra cách ứng xử khi phải đối mặt với những thị phi trong cuộc sống. Nhưng trong mọi trường hợp, im lặng luôn là giải pháp tối ưu, bởi cuộc sống còn nhiều thứ để quan tâm hơn là mang trong mình sự ấm ức và bực bội chỉ vì người khác không hiểu đúng về mình.
Dưới đây là 2 câu chuyện nói về cách mà người thời xưa đối diện với những thị phi.

Câu chuyện thứ nhất:
Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
– Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.
Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

Câu chuyện thứ hai:

Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Trong kinh Phật viết rằng, khi người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Thế nên từ nay về sau nếu có nghe thấy ai đó nói lời không tốt về mình, chớ có thọ nhận thì sẽ được an vui.

Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành nhưng vết thương gây ra bởi lời nói thì chẳng biết ngày nào mới lành lại được.
Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ bởi: “Every saint has a past, every sinner has a future”, nghĩa là “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.
Nguồn: KCYĐ

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014



Kỷ niệm Đồ Sơn, Khí Công Y Đạo Hà Nội- Hải Phòng, tháng 10 năm 2014

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014


                      Lớp Khí Công Y Đạo khóa 8 đi tham quan Phú Thọ nhân kết thúc khóa học

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Trứng: Chống lại bệnh tim và ung thư
 “Ăn trứng có thể bảo vệ bạn chống lại nguy cơ đau tim, ung thư và các vấn đề về mắt”, dường như đi ngược lại với ý kiến, vốn đã được thừa nhận, là ăn trứng không tốt do có hàm lượng cholesterol cao.

Bruce Griffin, giáo sư thuộc trường Đại học Surrey đã phân tích 30 cuộc nghiên cứu về trứng và nhận thấy rằng, những người ăn một hoặc hơn 1 quả trứng 1 ngày sẽ ít có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hơn những người không ăn trứng, báo cáo được đăng trên trang tin online Daily Mail.
Nồng độ trứng có chứa cholesterol, nhưng giờ đây các nhà dinh dưỡng nhận ra rằng chính các chất béo bão hoà trong thức ăn, chứ không phải lượng cholestorol thực chế, làm tăng lượng cholesterol trong máu, một nhân tố gây nguy cơ có bệnh tim.
Khi mô tả trứng là một loại thực phẩm cao cấp, GS. Griffin cho biết: “Nếu chỉ nhìn trứng dưới góc độ về hàm lượng cholesterol thực chế là đã bỏ qua các lợi ích của trứng đối với một số bệnh, bao gồm bệnh béo phì và bệnh tiểu đường.”
Một quả trứng cung cấp đủ 13 loại chất dinh dưỡng, tập trung trong lòng đỏ. Nó có chứa các chất dinh dưỡng: Lutein và Zeaxanthin, 2 loại dinh dưỡng giúp ngăn ngừa, thậm chí chống lại bệnh thoái hoá cơ mắt (MD) - một vấn đề về mắt hay gặp ở tuổi già.
Các nhà nghiên cứu cho biết, lòng trắng của trứng chứa chất alumen, một nguồn protein quan trọng, và không chứa chất béo.
Trứng là nguồn Vitamin B tuyệt vời, rất cần thiết cho các chức năng sáng của cơ thể và cũng cung cấp đủ lượng Vitamin A cần thiết cho quá trình trưởng thành và phát triển bình thường.
Hàm lượng Vitamin E của một quả trứng chống lại các bệnh về tim và một số bệnh khác, giúp tăng cường khả năng hấp thụ chất khoáng và làm xương khoẻ hơn.
Trứng chứa hàm lượng Iodine tốt, giúp tạo hormones tuyến giáp và chất phosphorus cần thiết cho xương và răng.
Các chất dinh dưỡng có trong trứng như axit amine, các loại vitamin và chất khoáng giúp phòng chống nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.
Trứng cũng chứa ít calo – 1 quả trứng to chỉ chứa khoảng 75 calo và 5 gam chất béo, trong một nghiên cứu khác trứng còn được công nhận là có thể giúp con người giảm cân.
Các chuyên gia sức khoẻ trước đây khuyên mọi người chỉ ăn tối đa 3 quả trứng 1 tuần nhằm tránh hàm lượng cholesterol trong máu gia tăng.
Nhưng từ khi những bằng chứng của nghiên cứu này được đưa ra và cho biết chính sự hấp thụ chất béo bão hoà mới có ảnh hưởng đến lượng cholesterol, những lời khuyên này đã có sự thay đổi.
Phạm Hà Phương
Theo News Yahoo
Nguồn:Tienphong

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

 Cây tía tô làm thuốc
Tía tô còn có các tên é tía. Tên Hán tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Tía tô tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, không độc.

 Chữa cảm mạo:
Xông: Lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu lá được rửa sạch kỹ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Xông xong lau khô mồ hôi cả người đắp chăn nằm nghỉ. Nhớ nước sôi mới cho lá xông vào nồi - đậy vung kín và khi xông mở vung.
Cháo tía tô: Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng. Có thể thêm hành. Xông xong nằm nghỉ một lúc dậy ăn bát cháo giải cảm này là phương pháp giải cảm lạnh dân gian rất có hiệu nghiệm.
Uống nước tía tô: Có 2 cách. Tía tô tươi 15 - 20g giã nát, chế nước sôi gạn nước trong để uống. Hoặc lá tía tô khô hãm nước sôi uống. Uống xong đi nằm đắp chăn. Hai cách này dùng cho trẻ em người già yếu.
Ngâm chân: Dùng lượng lớn lá tía tô bỏ vào nồi nước đang sôi để sôi lại, đổ ra chậu đậy bằng một cái rổ thưa, đặt 2 bàn chân lên xông. Khi nước nguội cho 2 chân vào ngâm rửa...
Bài thuốc
 Hương tô tán: Chữa cảm mạo phong hàn, sốt, gai rét, đau đầu, tức ngực. Lá tía tô 8g, hương phụ 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Gừng 2 lát, sắc nước uống. Có thể kết hợp "nồi xông".
Có thai bị cảm mạo: Tía tô, kinh giới, mỗi thứ 1 nắm lá cho 2 bát nước sắc còn 1 bát uống ấm. Tiếp đó cho ăn cháo nóng, có đập vào bát 1 quả trứng gà tươi (có trứng gà đen càng tốt).

Cảm mạo: Lá tía tô 1 nắm, vỏ quýt khô lâu năm 1 cái, gừng 3 lát. Đun nước sôi rồi cho 3 thứ vào, đun lại cho sôi, uống nóng. Nếu khó uống cho ít đường phèn. Bài này thích hợp khi bệnh nhân có nôn mửa, đau bụng.
Chữa ho, hen, đàm suyễn tức ngực, khó thở
Cho người già yếu: Tía tô bổ hư, giáng khí dùng cho trường hợp khó thở ở trẻ em, người già, người có thai vừa hiệu quả, vừa an toàn.
Do ngoại cảm phong hàn: Có viêm đường hô hấp dùng bài Tam tử dưỡng thân thang. Tô tử (hạt tía tô) 6-12g, la bạc tử (hạt cải củ) 8-12g, bạch giới tử 6-8g (hạt cải bẹ trắng).
Thương hàn ho suyễn: 1 nắm lá tía tô nấu nước uống dần (Thiên kim phương).
Người lớn tuổi hay thở suyễn, đuối hơi: Hạt tía tô 1 lạng, sao qua tán bột, đổ 2 bát nước vào quấy đều, lọc bỏ bã. Nấu cháo ăn lúc đói. "Rất hay" (Nam dược thần hiệu).
Trẻ em ho nhiều thở gấp, mặt tím tái - Hạt tía tô 20g tán thành bột, hoà với nước đun sôi để còn âm ấm, lọc bỏ bã cho uống. Cẩn thận hơn thì cho bột vào túi vải hãm vào nước sôi. Hoặc lấy bột này hoà vào cháo, hãm vào nước sôi hoặc hoà vào nước cơm cho trẻ uống.
Ho tuổi già (lão khái) ho nhiều đờm đặc, khó thở (viêm phế quản mạn tính). Nếu không phải do phong hàn và bệnh khác thì dùng thang "Tam tử phụng mẫu" gồm có tô tử, lai phục tử, xuyên bối mẫu mỗi vị 8gam và bạch giới tử 2g. Sắc uống nóng.
Ho suyễn do phế hư hoặc đàm trắng đục dính, nặng ngực: Dùng phương "Tử tô tử tửu" (Y tiện) hạt tía tô 90g, rượu 1 lít. Hạt tía tô sao thơm tán bột ngâm rượu gạo ngon trong 10 hôm chắt lấy nước trong bỏ bã. Uống mỗi lần 15-30ml. Ngày 3 lần sáng trưa tối (Nếu ho đàm vàng, cổ khô, miệng khát, môi đỏ không dùng).
Chữa ngộ độc, mẩn ngứa
Ngộ độc thức ăn: Đau bụng đi ngoài, nôn mửa do ăn các loại thức ăn như cua cá.
Lá tía tô đủ dùng giã lấy nước cốt để uống: Nếu có ngứa nổi mẩn (dị ứng) thì lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xoa xát.
Tử tô giải độc thang: Lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, sinh cam thảo 2g. Nước 600ml sắc còn 200ml chia 2-3 lần trong ngày - uống nóng.
Táo bón người già suy nhược: Hạt tía tô, hạt me lượng bằng nhau giã nhuyễn cho nước lắng lấy nước nấu chín.
Hạt tía tô, hạt vừng đều 10g, giã nhuyễn cho nước lấy nước nấu cháo, bài này được dùng cả khi táo bón do ung thư ruột.
Da mẩn ngứa, mụn cóc: Dùng lá tía tô xoa xát trực tiếp hoặc nghiền nhuyễn cho vào túi vải mà xoa xát.
Ngoài ra, tía tô còn dùng để chữa một số bệnh sau:
Viêm họng, răng, miệng: Dùng lá tía tô sắc nước súc miệng, ngậm và uống.

Nấc liên tục và tiếng to: Dùng hạt tía tô khoảng 30g - 40g sao vàng sắc nước uống liên tục. Hoặc lấy hạt tía tô đã sao, tán nhỏ nước rồi để lắng lấy phần nước trong (bỏ bã) để nấu cháo ăn thường xuyên.
Hóa đàm giáng khí, chữa nấc liên tục: Dùng cháo tô tử: tô tử hạt 20g xay nhuyễn như hồ cho nước vào rồi ép lấy nước để nấu cháo gạo tẻ 100g. Cháo được quấy với đường phèn để ăn. Không dùng cho người có tiêu chảy.

Tiểu tiện không thông thoát (mãn tính): Uống nước cốt lá tía tô tươi hoặc sắc nước lá tía tô khô. Sao nóng lá tía tô tươi hoặc khô với muối hạt xoa đắp vùng bụng dưới (vùng bàng quang). Hoặc nấu nước lá tía tô đổ vào chậu úp rổ ngồi lên xông.
Thổ huyết: Dùng lá tía tô nấu kỹ lọc lấy nước cốt cô thành cao. Đậu đỏ sao chín, tán nhỏ, luyện với cao ích mẫu thành viên nhỏ. Mỗi lần uống 30-50g với ít rượu.

Phó Đức Thuần

Theo suckhoedoisong.vn

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Linh Hồn Và Cõi Âm 
 Bác sĩ Bùi Duy Tâm.

BS Bùi duy Tâm là một người rất quen thuộc với giới trí thức , sinh viên của Huế . Trước năm 1975, ông có một thời gian làm khoa trưởng Đại Học Y khoa Huế. Đó là một người rất đặc biêt và khác thường, thể hiện bằng một số việc làm khác người ở trương ĐH Y khoa Huế như :

- Thay hình tượng ông Tổ ngành Tây Y Hippocrate bằng Ông Tổ ngành Y Việt nam Hải Thượng Lãn Ông
- Lễ tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa Huế : thay vì sinh viên ra trường mặc toge truyền thống, lại thay bằng áo dài xanh, khăn đóng
- Khuyến khích làm luận án Tiến sĩ Y khoa bằng đề taì Y học Đông phương ( như Hà thúc Như Hỉ - em GS Hà như Chi - với luận án về hệ thống huyệt đạo trên cơ thể con người ....
- Và một số vụ việc trong nội bộ khác ...
Sau một thời gian ngắn , chức khoa trưởng ĐH Y Khoa Huế được trao cho BS Lê bá Vận cho đến năm 1975 )

---------------

Linh Hồn Và Cõi Âm
Bùi Duy Tâm
Người ta đã sinh ra thì tất sẽ chết. Nên mọi người đều rất quan tâm và đa số sợ chết. Do đó sinh ra các triết nhân và triết thuyết về cái chết, các thánh nhân và tôn giáo về thiên đàng, địa ngục, các mê tín dị đoan về ma quỷ.
Chúng tôi cũng như mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về Cõi đời sau khi chết nhưng hơi nhiều hơn mọi người.
Tôi, Bùi Duy Tâm, sinh ra trong một gia đình ba đời theo Đạo Thiên Chúa, đã đọc Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân Ước) ba lần, đi nhà thờ rất đều mỗi sáng chủ nhật cho đến năm 30 tuổi. Sau này làm bạn tâm giao với cố Linh mục Bửu Dưỡng và Hoà thượng Thích Mãn Giác, nên tôi có điều kiện đàm luận về Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Tôi đã được hiểu cái tinh tuý của Lý Dịch và Đạo Nho với cố Bác sĩ Nguyễn Văn Ba. Tôi đã đọc rất kỹ các cuốn Tử Thư của Ai Cập và Tây Tạng cũng như nhiều sách khác cùng loại. Tôi đã sang Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng… để tìm hiểu thêm về Huyền Bí Học và Siêu Hình Học. Nhưng tất cả đều mù mờ về “Linh hồn” và “Cõi đời sau khi chết”. Không có đủ chứng cứ cụ thể có thể thuyết phục tôi. Tôi không chấp nhận các giáo điều của chính trị và tôn giáo. Tôi không yên tâm với tín ngưỡng và chán ngấy các loại sách viết huyên thuyên xích đế chẳng có gì cụ thể.

Tôi trở thành một người theo phái bất khả tri: “Con người nhận biết thế giới và vũ trụ với khả năng rất giới hạn nên không thể biết được sự tuyệt đối về Thượng Đế, Linh hồn và Cõi đời sau khi chết”. Và như vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu sự hiện hữu của Linh hồn và Cõi Âm của tôi chưa đi đến đâu cả, chưa thấy một sự kiện gì đủ thực tế để bấu víu.

Đầu thế kỷ 21, tình cờ cầm tờ Y Tế Nguyệt San số 5, tháng 5, 2001 của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ và đọc bài viết “Thế giới vô hình và việc tìm kiếm mồ mả ở Việt Nam” của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên (nguyên Phó thủ tướng đặc trách Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Xã hội thời Việt Nam Cộng Hoà). Trong bài báo, Bác sĩ Viên tả lại việc tìm mộ gia đình của Kỹ sư Trần Lưu Cung (nguyên Tổng giám đốc Giáo dục kỹ thuật và Thứ trưởng Đại học thời Việt Nam Cộng Hoà) do hướng dẫn của các nhà ngoại cảm (ông Ngà, cậu Liên, cậu Nguyện…). Các nhà ngoại cảm tìm mộ đều nói chính vong linh của người quá cố đã chỉ cho họ những chi tiết để hướng dẫn gia đình tìm mộ. Đặc biệt trong bài báo, Bác sĩ Viên còn đề cập đến bài tự thuật “Tôi đi gặp người thân đã mất (vong) tại nhà cô Phương ở Bắc cầu Hàm Rồng tỉnh Thanh Hoá."

Ông Nguyễn Hùng Phong. Ông Phong đã tường thuật lại việc ngày 16-12-1999 đến nhờ cô Phương giúp cho được gặp lại vong linh của vợ là bà Vũ Thị Hạnh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đã mất đột ngột tại nơi làm việc tháng 3 năm 1999 do bệnh tim...

Sau khi đọc xong bài báo, tôi mừng quá, liền gọi điện thoại ngay cho ông Trần Lưu Cung. Ông Cung xác nhận sự kỳ diệu của việc tìm mộ và còn gửi cho tôi xấp tài liệu riêng của gia đình kèm theo rất nhiều hình ảnh.
Như vậy là đề tài “Linh hồn và Cõi âm” đã có cơ hội hé mở sau bao thất vọng. Còn đợi gì nữa mà không về Việt Nam, đến cầu Hàm Rồng để tìm gặp cô Phương cho ra nhẽ?

Tháng 10 năm 2003 tôi về Hà Nội để làm lễ Cửu Tuần Đại Thọ cho mẹ tôi. Tới Hà Nội đêm hôm trước, thì sáng sớm hôm sau tôi lên đường đi Thanh Hoá để gặp cô Phương. Tôi mời mẹ tôi đi cùng, lấy cớ đưa mẹ đi Sầm Sơn để ôn lại các kỷ niệm xưa. Trước khi rời Hà Nội, mẹ con tôi ghé lại tiệm may áo dài. Tôi mang từ Mỹ về xấp vải nhung đỏ để may cho mẹ một áo dài mặc trong lễ Cửu Tuần Đại Thọ sắp tới.
Trên đường đi Thanh Hoá, tôi ghé vào em Bùi Duy Tuấn nhằm cầu xin cha tôi (mất năm 1990 tại Sài Gòn) về điện cô Phương, cầu Hàm Rồng, để các con và mẹ được gặp cha. Chúng tôi không dám nói với mẹ mục đích của chuyến đi vì mẹ tôi sùng Đạo Chúa (Tin Lành), không chấp nhận những chuyện “ma quỷ” như vậy.

Khi đến nơi, hai anh em tôi thấy quang cảnh đúng như trong bài báo của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên: Khoảng 30-40 người ngồi im lặng, nghiêm chỉnh, có vẻ lo âu chờ đợi trước một cánh cửa đóng kín. Một người đàn bà (sau này tôi biết là chị chồng cô Phương) dáng mập ngồi chắn trước cửa, thỉnh thoảng hô lên “Nhà ai có vong tên… thì vào”. Thế là vài ba người hay dăm bảy người mừng rỡ hấp tấp đi vào…
Chúng tôi mời mẹ vào ăn sáng tại một nhà nghỉ khá lớn ở ngay trước điện cô Phương (nhà nghỉ này của nhà chồng cô Phương tiếp các khách ở xa đến phải chờ đợi vong nhà mình có khi tới ba ngày, cả tuần lễ hay đôi khi thiếu may mắn không gặp được vong, đành phải ra về tay không). Hai anh em tôi lén đi thắp nhang trước điện để cầu khẩn cha tôi về theo thủ tục như mọi người. Thỉnh thoảng cửa hé mở để dăm ba người đi ra. Người thì tỏ ra hớn hở. Người thì nước mắt sụt sùi.

Tôi sốt ruột đi hỏi xem có phải đăng ký hay làm thủ tục gì nữa không, thì mọi người đều xác nhận không phải làm gì cả, mà cứ kiên nhẫn ngồi chờ. Khi vong nhà mình về thì người ta gọi vào.

Tôi thắc mắc là tôi chưa khai tên của cha tôi thì ai biết mà gọi. Mọi người cười, chế nhạo tôi là hỏi thật ngớ ngẩn!
Chúng tôi chờ từ 10 giờ sáng đến ba giờ chiều thì người đàn bà ngồi trước cửa đứng lên nói to: “Cô Phương nghỉ làm. Xin mời quý vị ngày mai trở lại”. Thế là anh em tôi ngao ngán cùng với vài ba chục người đứng dậy ra về.

Chúng tôi đưa mẹ ra Sầm Sơn nghỉ ngơi và thăm lại cảnh xưa chốn cũ. Thật cảm động khi trở về nơi mà tôi đã sống những ngày thơ ấu cách đây hơn nửa thế kỷ (gần 60 năm).
Sáng hôm sau chúng tôi trở lại điện cô Phương. Lần này chúng tôi phải thú thật với mẹ chuyện hai anh em đang làm. Mẹ tôi dẫy nảy lên: “Đến chỗ ma quỷ! Tao không vào đâu!”. Chúng tôi lại phải đành mời mẹ ngồi ăn sáng ở nhà nghỉ như ngày hôm trước.

Lần này tôi sốt ruột lắm rồi. Tôi đi ra đi vào, hỏi chuyện người này người nọ. Tôi gặp bố mẹ chồng cô Phương. Ông Nghinh (bố chồng) mời tôi uống nước, đang kể chuyện cô Phương thì bỗng nghe có tiếng gọi: “Bà Tỉnh đâu, người nhà ông Tỉnh đâu?” (cha tôi tên là Bùi Văn Tĩnh, nhưng vì nói giọng Thanh Hoá nên nghe gọi tên là Tỉnh). Phải gọi đến vài ba lần thì anh em tôi mới biết là gọi mình. Tôi chạy tới cánh cửa. Em Tuấn chạy ra hối hả gọi mẹ: “Mợ ơi, Cậu về gọi mợ đấy!”. Mẹ tôi hốt hoảng đứng bật dậy chạy theo em tôi, quên mất lập trường chống ma quỷ của mình.

Qua cánh cửa, chúng tôi bước vào một căn phòng khá rộng rãi, trống rỗng. Ngoài cái bệ trên tường để trái cây và các phong bì (chắc là tiền thưởng), thì không có bàn thờ hay trang trí gì khác của một cái am, cái điện. Cô Phương ăn mặc diêm dúa như các cô gái Hà Nội, mặt hoa da phấn, đang ngồi tỉnh táo trên chiếu cùng với một gia đình đông trên chục người. Cô cất tiếng: “Gọi mãi mà các bác không vào, nên vong nhà khác tranh vào trước. Thôi, các bác vui lòng ngồi chờ nhé!”

Thế cũng tốt, chúng tôi có dịp được quan sát thêm. Cô Phương gọi tên hết người này đến người nọ trong gia đình ngồi chung quanh cô. Khi gọi trúng tên ai thì giơ tay thưa: “Dạ, con đây (hay em đây, cháu đây…)”. Và người đó nói chuyện với vong (qua miệng cô Phương). Tôi nghe thấy đa số trả lời: “Dạ, đúng vậy…” có vẻ cung kính lắm.
Có một chuyện cười ra nước mắt. Vong gọi: “Thằng Thanh đâu?”. Một thanh niên chừng 25 tuổi đứng bật dậy: “Dạ, con đây!”. Vong nói: “Mày không biết thương vợ con. Mày tằng tịu với con Mai ở cùng cơ quan”. Chàng thanh niên sợ hãi líu ríu nhận tội. Người phụ nữ ngồi cạnh (chắc là vợ) oà lên khóc nức nở. Sau gần một giờ, gia đình đó mới kéo nhau ra.

Bỗng cô Phương nhìn chằm chằm vào mẹ tôi rồi kêu to lên: “Mợ ơi! Con của Mợ đây! Thắng đây! (Thắng là đứa em út của chúng tôi, mất lúc chưa đầy một tuổi).

Mẹ tôi vừa xúc động vừa ngạc nhiên: “Trời ơi! Con tôi… Nhưng con mất từ hồi mới… tám tháng…”

Vong nói qua miệng cô Phương: “Bây giờ con lớn rồi. Hôm qua con biết Mợ và hai anh đến, nhưng con phải đi mời Cậu. Cậu không chịu về. Con phải nói: Mợ già yếu, còn anh Tâm ở xa về nên Cậu mới chịu. Cậu và Ông Nội cũng về đây với con”

Rồi quay sang phía hai anh em tôi, cô Phương nói: “Hai anh chẳng nhớ gì đến em. Hai anh chỉ khấn Cậu thôi!”.
Đúng vậy! Chúng tôi đâu có nghĩ đến thằng em út đã mất từ lúc tám tháng. Thật bất ngờ cho chúng tôi.

Quay trở lại mẹ tôi, cô Phương nói: “Con thích tên là Bùi Duy Thắng như các anh con là Bùi Duy Tâm, Bùi Duy Tuấn. Sao Mợ lại đặt tên con là Bùi Tất Thắng?”.
Mẹ tôi luống cuống: “Tại bố con đấy! ”. (Hồi đó cả nhà trách bố tôi vì đặt tên thằng út là Tất Thắng. Tất còn có nghĩa là hết, tức là chết. Nên nó mới mất sớm. Nhân tiện tôi nói thêm là việc đặt tên rất quan trọng, còn quan trọng như thế nào thì tôi không biết. Nhưng tôi có biết ông Đỗ Trí ở Sơn Tây có tài chỉ cần đọc tên là ông biết con người ấy như thế nào, như xem chỉ tay hay số tử vi vậy.)

Vong em tôi nói tiếp qua cô Phương: “Thôi, Mợ đã khắc tên con trên bia mộ rồi!”


Đúng thế. Tên em tôi đã được khắc trên bia mộ, nằm cạnh ông bà ngoại tôi trong nghĩa trang Bất Bạt.

Đến lượt bố tôi vào. Vong bố tôi qua thân xác cô Phương nắm tay mẹ tôi, rồi nói: “Hơn mười năm rồi mới gặp lại bà. Tôi nhớ bà lắm…”. Mẹ tôi khóc nức nở. Chúng tôi cũng khóc. Bố tôi bỗng trách đùa mẹ tôi: “Bà diện lắm! Mới đi may áo đỏ…”

Trời ơi! Sao bố tôi biết nhanh thế? Trong gia đình tôi đã có ai biết chuyện may áo đỏ của mẹ tôi đâu! Tôi mới về Hà Nội tối hôm trước thì sáng hôm sau trên đường đi Thanh Hoá ghé qua tiệm may, bỏ xấp vải nhung đỏ để may áo cho mẹ kịp mặc vào Lễ Đại Thọ. Mẹ tôi đương líu ríu chống chế thì bố tôi bồi thêm một câu đùa yêu tiếp: “Bà còn muốn tô son đánh phấn nữa!”

Mẹ tôi rên rỉ: “Cái gì ông cũng biết! Đúng rồi! Tôi vừa xin con cháu Trinh Hương, con gái anh Minh, một chút son phấn để hôm Lễ Đại Thọ thoa một chút. Mặt mũi răn reo quá, sợ thằng con trai cả của ông nó ngượng với bạn bè”. (Chuyện này mẹ tôi giấu kín mọi người, trong khi anh em tôi không hay biết gì, thế mà bố tôi cũng biết!)”
Rồi cô Phương quay sang tôi: “Tâm ơi! Cậu buồn quá vì chuyện con Hà nhà con. Nó lôi thôi với chồng nó thì chỉ khổ cho ba đứa con thôi”. (Hà là con gái tôi. Chuyện của nó mới xảy ra trước khi tôi về Hà Nội. Vợ chồng tôi nghe phong phanh, nhưng chưa có dịp trao đổi với nhau. Thế mà mọi chuyện người Âm đều biết, không giấu giếm được!)
Một lúc sau thì ông nội tôi về. Qua miệng cô Phương: “Tao là Bùi Văn Khanh, ông nội đây. Cả bà nội Nguyễn Thị Ngọt cũng về đây!”
Tôi vội thưa: “Thưa Ông, con nghe anh Đại con cô Hai nói tên Ông là Khánh, nhưng lâu ngày trên giấy khai sinh của Bố con mất dần dấu sắc, nên đọc là Khanh” (cô Hai là chị ruột bố tôi.)
Ông nội tôi gắt lên: “Tên tao là Khanh, chứ không phải là Khánh”. Rồi quay sang mắng mẹ tôi: “Chị về làm dâu nhà tôi mà không đoái hoài mồ mả tổ tiên nhà chồng. Từ ngày cưới chị, chị chỉ về quê nội có một lần!”.
Mẹ tôi sợ hãi chống chế: “Gia đình con ở Hà Nội, Hải Phòng. Quê nội ở mãi Bái Đô, Lam Kinh – Thanh Hoá, nên đi lại khó khăn. Và con sinh con đẻ cái đều đều ba năm hai đứa nên không về thăm quê được. Con xin nhận tội với ông bà”.
Cứ như thế trong 90 phút vui buồn, khóc lóc...

Hai anh em tôi và mẹ hớn hở ra về. Có lẽ vì cao hứng nên chúng tôi ghé thăm nhà thơ Hữu Loan, người bạn cũ ở Thanh Hoá. Đáng nhẽ về thẳng Hà Nội, nhưng chắc còn luyến tiếc những giờ phút quý báu xúc động buổi sáng đó nên chúng tôi quay trở ngược lại cầu Hàm Rồng để chụp ảnh với cô Phương. Kỳ này mẹ tôi không phản đối nữa mà còn hăm hở muốn gặp cô Phương.

Cô Phương vui vẻ cho biết thêm: “Cụ ông lại vừa về cho biết đã đăng ký chỗ dạy học cho bà rồi”

Lại thêm một ngạc nhiên: Mẹ tôi vốn là một giáo viên hồi hưu. Ngày xưa, mẹ tôi là người đàn bà Tây học. Khi lấy chồng, sinh con thì ở nhà. Khi các con khôn lớn thì bà mới đi dạy lại vì sự khuyến khích của bố tôi. Thôi, không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng là vong linh của bố tôi rồi! Lúc nào bố tôi cũng muốn mẹ tôi sử dụng cái tri thức của mình.

Ngày hôm đó là ngày trọng đại của đời tôi. Tôi thấy cụ thể sự hiện hữu của Linh hồn và cõi âm. Dù cho sau này cô Phương có nói bậy gì đi nữa, các cô gọi hồn khác, các nhà ngoại cảm khác đôi khi có nói bậy vì mưu sinh thì kết quả của ngày hôm đó vẫn không thể chối cãi được, nếu không nói là được tuyệt đối chấp nhận.

Khác nào như ta cố gắng gọi điện thoại cho người thân, đường dây rất khó khăn, rất xấu, nhưng chỉ một lần thôi ta nghe rõ tiếng người thân trò chuyện với ta về những chuyện gia đình mà người ngoài không thể biết được, thì cũng khá đủ cho ta biết rằng người thân của ta vẫn tồn tại. Tuy ta không nhìn thấy được vì giới hạn của ngũ quan, nhưng người thân quá cố của ta vẫn tồn tại với các ký ức, với các kỷ niệm dưới một dạng nào đó mà ta không biết, ta tạm gọi là “Linh hồn”, trong một thế giới nào đó mà ta cũng không biết, tạm gọi là “cõi âm” (để phân biệt với cõi Dương mà ta đang sống) hay theo kiểu Tây Phương gọi là “Cuộc đời sau khi chết” (“Life after death”)

Sau này mỗi lần về thăm quê hương, tôi đều đưa mẹ tới gặp cô Phương. Lần sau cùng mẹ tôi gặp cô ấy là cuối năm 2005. Khi đó mẹ tôi vẫn còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Trước khi ra về, cô Phương nói nhỏ với tôi: “Cụ ông nhớ bà lắm. Cụ ông sắp đưa bà về rồi. Một cách bình yên”. Ít lâu sau, mẹ tôi mất rất nhanh.

Sau này tôi có gặp nhiều nhà ngoại cảm khác ở Việt Nam, họ cũng có khả năng như cô Phương – cô Bằng, cô Thao, cô Mến trên đường từ Hà Nội qua Hải Dương đến Hải Phòng. Tôi cũng đã gặp các nhà ngoại cảm tìm mộ như Cậu Liên, anh Nguyễn Khắc Bảy, cô Phan Thị Bích Hằng…
Tôi cũng đã gặp các nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh như TS Nguyễn Chu Phác, GS Ngô Đạt Tam, GS Phi Phi, TS Ngô Kiều Oanh… làm việc ở các cơ quan khác nhau. Tôi đã được đọc câu kết luận của một tài liệu ở Việt Nam (không phổ biến công khai) như sau: “
Thế giới tâm linh là có thật. Đó là một thực tế khách quan cần được các nhà khoa học nghiên cứu nghiêm túc. Chúng ta hãy bình tĩnh, khách quan lắng nghe những lời nhắn nhủ từ thế giới tâm linh để có cuộc sống nhân ái hơn, lương thiện hơn”.

Bùi Duy Tâm
Nguồn: KCYĐ VN

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Lớp Khí Công Y Đạo khóa 1 của Hải Phòng

Lớp học bế giảng ngày 16/11/ 2014
Học viên chúc mừng các thầy nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam


Tổng số lượt xem trang