ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Thời Hùng Vương

Tự hào Dân tộc
Sắp tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 Âm lịch, đọc lại bài viết sau đây đăng trên Tienphong online năm 2008 để thấy rằng:
“Như Nước Đại Việt ta thuở trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.
           Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi

Thầy, trò thời Hùng Vương dạy học bằng chữ gì

TP- Trước Tết Mậu Tý, thầy giáo đã nghỉ hưu Đỗ Văn Xuyền bước đầu công bố công trình “giải mã chữ Việt cổ” tại Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam, gây được sự chú ý của giới khoa học.


                                           Thầy giáo Đỗ Văn Xuyền nói về các ký tự cổ
Từ câu chuyện về Thiên Cổ miếu...
Gần ba mươi năm dạy học, thầy giáo Xuyền luôn gắn bó với vùng đất thiêng được bồi đắp bởi phù sa của cả ba con sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Nhưng ông không phải người gốc ở đây, chỉ là chàng rể của cố đô xưa nhất nước Việt.
Đầu đường vào làng Hương Lan có ngôi miếu nhỏ. Trước cửa miếu sừng sững hai cây táu đại thụ hơn ngàn tuổi, gốc năm sáu vòng tay người ôm không xuể. Thầy giáo Xuyền nghe ông từ kể: “Miếu đây có tên Thiên Cổ, thờ hai vợ chồng thầy giáo thời Hùng Vương, dạy học ở làng này”.
Ngọc phả của miếu ghi rõ: Thiên Cổ miếu thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, ông quê Hải Dương, bà quê Bắc Ninh, đến kinh đô Văn Lang mở trường dạy học thời Hùng Vương thứ 18.
Thầy giáo Lang tài đức vẹn toàn, đông người làng và quanh vùng theo học, danh tiếng vang xa. Vua Hùng nghe tin, gửi hai con gái đến thụ giáo, đấy là công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa.
Về sau cả ông và bà cùng mất một ngày, ngôi miếu nhỏ chính là nơi song táng hai vợ chồng thầy giáo của làng...
Câu chuyện về thầy giáo Vũ Thê Lang thời Hùng Vương, chứng tích còn đó những ngôi miếu và phong tục thờ cúng, đã có sức cuốn hút đặc biệt với thầy giáo Xuyền.
Phải chăng trước khi chìm đắm vào đêm dài Bắc thuộc, nước Văn Lang đã có một nền văn hiến rực rỡ?
Không chỉ để lại cho hôm nay những chiếc trống đồng Đông Sơn tuyệt hảo, cha ông ta còn để lại (đâu đó, trong những di tích như Thiên Cổ miếu) bằng chứng về một nền giáo dục, một thể chế kén chọn người tài phát triển ngay từ thời dựng nước?
Nhiều năm ròng rã, thầy Xuyền dày công sưu tầm trong các thư viện Hán - Nôm, trong ngọc phả đình miếu, và các câu chuyện dân gian, về sự học sự thi thời kỳ trước khi chữ Hán thâm nhập vào nước ta - gọi tắt là thời trước Hán.
Công sức bỏ ra dần cho kết quả hết sức đáng tự hào: Hầu khắp các tỉnh lưu vực sông Đà, sông Lô, sông Hồng, xa hơn nữa mạn Thanh Hóa, Nghệ An, đều có các bằng chứng về các thầy giáo danh tiếng và các học trò giỏi thời Hai Bà Trưng, An Dương Vương, Hùng Vương!
Thầy Xuyền bước đầu sưu tầm được 18 thầy giáo, và một con số nhiều hơn các học trò giỏi, còn ghi danh qua truyền thuyết và ngọc phả các đền miếu ngàn đời nay vẫn được nhân dân hương khói thờ phụng.
Những sưu tầm còn cho thấy từ thời Hùng Vương, việc kén tìm người giúp nước trị dân thường được tuyển chọn trong những học trò giỏi, hoặc qua việc thi cử mà khẳng định, hoặc lập được chiến công chống ngoại xâm.
Qua những kết quả trên, một câu hỏi logic lại thôi thúc thầy giáo Xuyền phải tìm câu trả lời: Thầy, trò thời Hùng Vương dạy và học bằng thứ chữ gì? Cha ông ta đã có chữ viết của riêng mình, từ thời trước Hán?
Thế là thầy giáo Xuyền lại tiếp tục dấn thân vào một đề tài mà nhiều nhà nghiên cứu đi trước đã tốn bao công sức, song kết quả chưa được như mong muốn...
Đến huyền thoại hay sự thật?
Sách Tân Lĩnh Nam Chích quái của Vũ Quỳnh (đời Lê, thế kỷ 15) viết đại ý: Thời Lạc Long Quân có người hái củi, bắt được con rùa, lưng rộng khoảng ba thước, trên mai có khắc chữ như con nòng nọc gọi là chữ Khoa Đẩu. Hùng Quốc vương đã cử phái đoàn đem rùa thần đó cống cho vua Nghiêu.
Về việc này, sách Thông Giám Cương Mục do Chu Hy đời Tống viết: “Năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ IV (2352 trước Công nguyên) có Nam Di Việt Thường thị đến chầu, hiến con rùa lớn”.
Sách Thông Chí của Trịnh Tiểu cũng đời Tống nói rõ hơn: “Đời Đào Đường, Nam Di Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được ngàn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ Khoa Đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Lịch”.
Chữ Khoa Đẩu được nói tới trong các tài liệu trên là thứ chữ như thế nào? Vì sao đến nay không còn dấu tích gì về nó nữa?
Vương Duy Trinh - Hiệp biện Đại học sỹ, Tổng đốc Thanh Hóa - trong cuốn Thanh Hóa quan phong viết năm 1903, đã giới thiệu một số chữ lạ mà ông sưu tập được, khẳng định đó là chữ Việt cổ từ thời Hùng Vương, và đưa ra nhận xét: “Vì Thập Châu là nơi biên viễn nên dân ta còn lưu giữ thứ chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp bắt bỏ hết để học chữ Trung Quốc”.
Giáo sư Hà Văn Tấn đã công bố công trình nghiên cứu “Về một nền văn tự trước Hán và khác Hán”, Giáo sư Lê Trọng Khánh thì khẳng định “Nhiều dân tộc trong Bách Việt đã dùng chữ Khoa Đẩu thời tiền sử để ghi tiếng dân tộc mình”.
Giải mã bộ “chữ Thái (thổ tự)”
Hướng đi đầu tiên của thầy Xuyền là tìm kiếm dấu tích của chữ Việt cổ.
Năm này qua năm khác, nghe đâu có ký tự lạ lưu giữ qua các cổ vật, hang động, vách đá, thầy Xuyền bất chấp đường xa, không ngại tốn kém, lập tức tìm đến. Nhưng tất cả chỉ là những ký hiệu chưa giải mã được
Mươi năm gần đây, thầy Xuyền chuyển hướng đi mới - nghiên cứu những ký hiệu đã mang hình hài của ký tự, được phát hiện rải rác từ Hà Giang, qua Bắc Ninh, Hòa Bình, vào tới Thanh Nghệ Tĩnh...
Tập trung lên hướng Tây Bắc - vùng ổn định nhất của người Lạc Việt suốt nhiều nghìn năm - thầy Xuyền đã phát hiện ra suốt một vùng dọc theo triền sông Đà, nhân dân ta còn lưu giữ được nhiều văn bản mang trên mình loại ký tự mà mọi người vẫn nhầm là chữ Thái.
Trong những tài liệu ấy, thầy Xuyền đặc biệt chú ý đến tài liệu do Thượng thư Phạm Thận Duật, một nhà trí thức uyên bác (Tri châu Điện Biên những năm 1855-1856) công bố.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu về phong tục, tập quán, Phạm Thận Duật đã có một số trang ghi lại một loại ký tự mà ông cho là “chữ Thái (thổ tự)” (CTTT - chữ Thái chỉ của một vùng người Thái). Những trang ghi chép này không được chú ý vì nội dung của nó mang nhiều điều vô lý.
Sau một thời gian dài đi sâu vào sự “vô lý” ấy, thầy Xuyền đã phá bỏ lớp vỏ ngụy trang, dần dần giải mã được bộ ký tự này. Thầy Xuyền cũng khu biệt được bộ chữ mới được giải mã, từ đó rút ra kết luận: Bộ chữ này cũng không phải của hai dân tộc anh em Mường và Thái.
Do nhiều lý do, các dân tộc anh em đã sử dụng chung bộ ký tự này (có chỉnh sửa đi chút ít), đúng như nhận định của Vương Duy Trinh “Thập Châu là nơi biên viễn nên dân ta còn lưu giữ thứ chữ ấy”!
Tiền thân của chữ Quốc Ngữ?!
Chữ Quốc ngữ xuất hiện ở nước ta từ năm 1651. Nhiều cuốn sách cổ được in từ buổi đầu chữ Quốc ngữ xuất hiện, đến nay hầu như không ai đọc được.
Khi đem bộ chữ Việt cổ đã được giải mã thử đọc một số cuốn sách cổ, như cuốn “Từ điển Việt Bồ La” của Alexandre de Rodes, hay cuốn “Sách sổ sang” của Philip Bỉnh (Giám mục người Việt, ở Thủ đô Bồ Đào Nha những năm 1790 - 1820), thầy giáo Xuyền đã rất thú vị khi dễ dàng đọc được những từ khó mà lâu nay nhiều người không đọc cũng không giải thích được.
Chính từ việc này, thầy Xuyền đã đưa ra một giả thuyết: Chữ Quốc ngữ có lẽ không phải là một công trình hoàn toàn mới của Alexandre de Rodes.
Nhà truyền giáo người Bồ đã tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt, và có công La tinh hóa nó, để ra được chữ Quốc ngữ?!
Giả thuyết của thầy Xuyền không phải không có căn cứ. Bởi chữ Quốc ngữ và chữ Việt cổ do thầy Xuyền giải mã có cùng cấu trúc ghép vần tương tự nhau, chỉ khác nhau về hình dạng mà thôi!
Chính trong cuốn “Từ điển Việt Bồ La”, Alexandre de Rodes đã viết: “Đối với tôi, người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng 3 tuần, nó đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”. Theo thầy Xuyền thì “cách đọc các từ” đó nhiều khả năng là thứ chữ Việt cổ!
Đinh Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang