Kỳ 5. Chữa bệnh bằng máy sấy tóc
BS Huỳnh Hải
BS Huỳnh Hải
"Thoạt nhìn tưởng củi mục
Cháy lên mới thấy thơm
Kiếp trước trầm đích thực
Anh hùng và thi nhân."
Vịnh Cây Trầm(Phùng Quán- Chòi ngắm sóng)
Kỳ 5
MỘT TÌ NỮ GÓP PHẦN XUẤT SẮC TRONG VIỆC “ TIỀN NHỮNG VỊ KHÁCH KHÔNG MỜI ”
Tôi xin giới thiệu một biện pháp nhỏ, tiết kiệm và không kém phần hiệu quả trong việc làm biến mất những nốt mụn trứng cá. Các bạn mua một tube pomade Tetracycline 1% ( loại pomade bôi mắt ). Sau khi rửa mặt sạch, thấm khô bằng khăn mềm, các bạn bôi pomade lên những nốt mụn rồi dùng lòng của ngón tay xoa nhẹ cho pomade thấm sâu vào da ( hai phút đến năm phút tùy vào diện tích của những thương tổn mụn ). Để yên như vậy khoảng hai giờ rồi rửa sạch bằng nước lả. Mỗi ngày các bạn có thể thực hiện khoảng hai lần. Thường sau ba ngày các bạn sẽ thấy các vết mụn giảm sưng tấy rõ rệt. Những vị khách không mời đã rút lui.
CHÚ TỶ BÁN BÁNH TIÊU
Hồi còn nhỏ tôi và các bạn thường hay mua bánh tiêu, bánh bò của một người Hoa bán ở đầu hẻm. Hình ảnh của chú Tỷ lúc nào cũng đứng, khi thì nhồi, cán bột, lúc thì dùng hai chiếc đủa thật to để trở những chiếc bánh tiêu tròn đang nổi trên chảo dầu lớn. Chú Tỷ rất hiền và có điểm đặc biệt là ở sau cẳng chân có những cọng gân màu đen tím, cứng, nổi lên ngoằn ngoèo như những con rắn. Ăn bánh tiêu của chú Tỷ bán thì ngon mà nhìn những con rắn ở chân chú lại sợ. Lúc đó không đứa nào biết đó là gì, vì sao mà chú Tỷ bị như vậy. Bây giờ mới biết đó là những tĩnh mạch nông ở chân ( mạch máu trở về tim ) bị giãn ra do tư thế đứng lâu ngày của chú. Bệnh giãn tĩnh mạch ( suy tĩnh mạch chi dưới ) có thể giãn tĩnh mạch ở cẳng chân, nhượng chân, đùi hoặc giãn các mao mạch như hình mạng nhện ở bàn chân. Bệnh này không phải chỉ xảy ra ở người chiên bánh tiêu mà còn gặp ở những người có nghề nghiệp thường xuyên đứng một chỗ như thợ dệt, thợ tiện, giáo viên, người nấu bếp.. Khi đứng hệ tĩnh mạch dưới chân ví như một cái bong bóng đầy nước được cầm một đầu ở phía trên, nước sẽ dồn xuống và áp lực bên trong bong bóng hoặc trong tĩnh mạch sẽ bị căng phồng. Đối với mạch máu tình trạng giãn, phồng ra lâu ngày sẽ khó trở lại kích thước bình thường và các van bên trong sẽ không kín dẩn đến tình trạng các van không hoạt động hiệu quả ( bên trong tĩnh mạch chân thường có những van nhỏ, các van này mở ra để máu chảy về tim và đóng lại để máu không chảy ngược xuống chân ). Bên ngoài là các cơ bắp, trong khi vận động các cơ bắp sẽ co bóp thúc đẩy các van hoạt động tốt hơn lúc đứng yên một chỗ. Người bị bệnh giãn tĩnh mạch có cảm giác hai chân: nặng nề, rần rần như kiến bò, phù nhẹ ở vùng mắt cá chân..Thỉnh thoảng người bị giãn tĩnh mạch phải cúi người xuống để xoa bóp lên hai chân mình cho bớt những cảm giác khó chịu trên. Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới có thể được điều trị nội khoa ( thuốc bền thành mạch, thuốc co mạch..) hoặc điều trị ngọai khoa ( cắt bỏ những tĩnh mạch nông ở chân bị giãn ). Các bạn có thể phòng và hạn chế bệnh giãn tĩnh mạch bằng cách không nên đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian lâu để tránh ứ đọng và tăng áp lực ở chân, nên ăn nhiều rau lá xanh để có rutin và vitamin C giúp bền thành tĩnh mạch, khi nằm nên gác chân lên gối để máu về tim dễ dàng, có thể mang vớ thun để giảm tình trạng giãn tĩnh mạch nông ở chân. Hai lời khuyên tiếp theo là các bạn nên thực hiện động tác gát chân lên tường và mỗi ngày nên đi bộ khoảng hai mươi phút để các cơ chân co bóp thường xuyên giúp các van tĩnh mạch ở chân hoạt động tốt hơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét