CÂY CỎ SỮA - THUỐC HAY CHỮA KIẾT LỊ
GS. TS ĐỖ TẤT LỢI
Thừa kế và sử dụng thật tốt những kinh nghiệm sử dụng và chế biến những vị thuốc trong y học cổ truyền từ lâu đời của ông cha chúng ta, là một mục tiêu hàng đầu của phương châm "Kết hợp y dược học cổ truyền và y dược học hiện đại của Nhà nước ta".
Phương châm này đã được đề ra từ lâu, nhưng ai cũng phải công nhận đến giờ phút này, sự kết hợp giữa hai nền y học vẫn còn lỏng lẻo. Cụ thể ai cho chúng ta thừa kế? Những bài thuốc có giá trị chữa những bệnh nan y, có thầy thuốc nào chịu giới thiệu và phổ biến? Những bài thuốc quý như vậy, hầu hết là cần câu cơm nuôi cả gia đình vị lương y có đơn thuốc quý ấy. Mặc dầu từ cuối năm 1984, theo báo Nhân Dân ra ngày 28/11/1984 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban bố quy định về chế độ thưởng tiền và hiện vật cho những người có môn thuốc gia truyền nổi tiếng, truyền lại cho cơ quan y tế để phục vụ nhân dân. Nhưng hơn 15 năm qua, có bao nhiêu người đã được nhận số tiền thưởng này?
Gần 60 năm qua, làm công việc tìm cách thừa kế này để giới thiệu cho những người tin dùng thuốc YDHCT tôi chưa hề được một lương y giới thiệu một bài thuốc hay nào có hiệu quả chữa bệnh nan y hay thường gặp. Chúng tôi phải tự tìm đọc các sách cổ. Hoặc may mắn gặp người dân bị bệnh hay thân nhân người bệnh cống hiến bài thuốc. Bài thuốc đầu tiên tôi học được là một bài thuốc chữa kiết lî dùng chữa cho trẻ em. Tình tiết như sau:
Năm 1939, Chiến tranh thế giới lần 2 bắt đầu. Nhật chiếm Đông Dương. Dân thành phố tìm gia đình ở nông thôn để tránh bom Mỹ. Tôi có một bà cô có con nhỏ 1-2 tuổi bị kiết lî, chữa thuốc tây, thuốc ta mãi không khỏi. Được một người quen chỉ cho dùng một cây thuốc sắc uống mà khỏi. Bà cô thấy tôi đang học dược kể lại và nói thêm có bệnh tây, tàu chữa không khỏi, nhưng chỉ một nắm lá là khỏi. Tôi nhờ cô chỉ dẫn cho biết cây cỏ sữa. Cô dắt tôi ra ngoài sân gạch có những chỗ nối với nhau bằng xi - măng. Cây cỏ sữa hay mọc ở kẽ sân gạch nơi chỗ nối ấy. Quê tôi lại gần đường xe lửa. Cô chỉ cho tôi dọc đường xe lửa có những cục đá vôi lát đường nơi ấy, cây cỏ sữa cũng mọc rất nhiều. Tên khoa học của cây cọ sữa là Euphorbia thymifoblia Burm, thuộc họ Euphobiaceae (họ Thầu dầu). Tôi đã chứng kiến hiệu quả của cây thuốc mới phát hiện (vì trước đó các sách y dược học tây hay đông đều không thấy nói đến), chỉ thấy giới thiệu cây cỏ sữa lớn lá (Euphobia piluliferalin). Còn cây cỏ sữa nhỏ lá không thấy nói đến tác dụng chữa kiết lî.
CÁCH DÙNG
Đối với trẻ em, liều dùng hàng ngày là 15-20g cây tươi (có thể dùng tới 50g tươi) dưới dạng thuốc sắc uống.
Người lớn có thể dùng tới 100-150g cây tươi, cũng dưới dạng thuốc sắc. Thời gian điều trị thường 3-5 ngày là khỏi. Với liều kể trên, không thấy triệu chứng của những tác dụng phụ.
Tôi học được bài thuốc chữa kiết lî bằng cây cỏ sữa nhỏ lá từ khi còn chưa tốt nghiệp dược sĩ (1943-1944). Sau khi tốt nghiệp tôi có nhiều dịp giới thiệu bài thuốc cho nhiều bệnh nhân lớn tuổi và trẻ em. Ngoài việc dùng cây tươi, tôi còn chế thuốc mà chữa lî bằng cây cỏ sữa dưới dạng thuốc sắc đóng ống hàn kín. Năm 1955, tôi giới thiệu bài thuốc này trên Báo Hà Nội Mới, thì năm 1961 tôi thấy bài thuốc tôi giới thiệu được Viện nghiên cứu Đông y giới thiệu trên Tạp chí Y học thực hành tháng 11 năm 1961 và từ năm 1962-1965, tôi giới thiệu bài thuốc này trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" in lần thứ nhất. Đến nay sách đã xuất bản 7 lần , và được nhiều người áp dụng, đều thu kết quả tốt.
---------------------------------------------------
Cỏ sữa lá nhỏ
Cây thảo sống nhiều năm, mọc bò, có lông và có nhựa mủ trắng. Thân và cành tỏa rộng trên mặt đất, hình sợi, màu đỏ tím, hơi có lông. Lá nhỏ mọc đối, hình bầu dục hay thuôn, tù đầu, hình tim không đều hay tù ở gốc, có răng ở mép, có lông ở mặt dưới, dài 7mm, rộng 4mm. Cụm hoa dạng xim co ít hoa ở nách lá. Quả nang, đường kính 1,5mm, có lông. Hạt nhẵn, có 4 góc lồi, dài 0,7mm.
Cây ra hoa vào mùa hè.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét