ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Tìm hiểu bệnh HƯ KHỚP HÁNG


HƯ KHỚP HÁNG - THOÁI HÓA KHỚP HÁNG

PHÁT HIỆN VÀ PHÒNG BỆNH

Hư khớp háng thường xuất hiện trước 40 tuổi, nguyên phát hay gặp sau 60 tuổi.
Ở người châu Á, ít gặp hơn người châu Âu, châu Phi.
Ở VN hư khớp háng ít gặp hơn so với hư cột sống và khớp gối.


H: Hư khớp háng (Nguồn : Internet)


1.Nguyên nhân:

-Khoảng 50% bệnh nhân hư khớp háng là thứ phát.
-Nguyên nhân là do các cấu tạo bất thường của khớp háng và chi dưới.
-Chứng sai khớp bẩm sinh là nguyên nhân hay gặp nhất ở các nước châu Âu ( chiếm 1- 3% dân số, nữ chiếm 60%).
-Chứng chỏm khớp dẹt là hậu quả của loạn sản sụn xương đầu xương đùi (Bệnh Legg – Perthes – Calvé ).
-Chứng ổ cối lồi vào sâu, chứng chân thấp cao, chân quẹo.

-Các bệnh của khớp bao gồm:
-Viêm khớp do thấp (Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp …).
-Viêm khớp nhiễm khuẩn (lao, mủ).
-Bệnh khớp do chuyển hóa như đái tháo đường, Goutte …, bệnh khớp do bệnh ưa chảy máu, bệnh huyết sắc tố …, bệnh khớp do nội tiết như tuyến cận giáp ..., bệnh họai tử chỏm xương đùi vô khuẩn, di chứng chấn thương, nghề nghiệp …

2.Triệu chứng lâm sàng:

-Đau thường xuất hiện từ từ, tăng dần, đau ở vùng bẹn lan xuống mặt trước đùi, có đau đau ở vùng trên mông, lan xuống mặt sau đùi. Một số trường hợp chỉ đau ở mặt trước đùi và khớp gối mà không đau ở vùng háng.
-Đau tăng khi đi lại nhiều, đứng đau, thay đổi tư thế, giảm khi nghỉ ngơi.
-Có thể có dấu hiệu “ phá gỉ khớp ” vào buổi sáng.
-Thay đổi thời tiết có thể gây tăng đau, hạn chế vận động.
-Giai đoạn đầu bệnh nhân khó làm một số động tác: như ngồi xổm, lên xe đạp (nam), trèo lên ghế, ngồi kiểu cưỡi ngựa…
-Giai đoạn sau mức độ tăng dần, đi khập khiểng, phải chống gậy…

3. Khám:

-Bề ngoài ít thay đổi, có thể thấy chân ở tư thế bất thường (Hơi co gấp).
-Cơ đùi và mông teo (nếu bệnh kéo dài)
-Khám các động tác vận động thấy hạn chế (nhất là động tác duỗi và quay)
-Khi tổn thương nhiều các động tác đều hạn chế và chân không duỗi thẳng được lúc nằm ngửa.
-Tìm điểm đau: ấn vào vùng bẹn ( tam giác Scarpa) , hoặc phần mềm trên mông thấy đau nhiều.
-Đo chiều dài hai chân, bên tổn thương có thể ngắn hơn.

4. Cận lâm sàng:

X quang khớp háng:
-Hẹp khe khớp.
-Đặc xương dưới sụn: thấy cả trên chỏm xương đùi và trên ổ cối xương chậu, trong phần xương đặc thấy một số hốc nhỏ tròn hoặc hình trứng đường kính 2 – 3 mm, có thể to hơn và thông vào ổ khớp.
-Mọc gai xương: gai mọc ở giới hạn ngoài của sụn khớp, thường thấy ở các vị trí như phần mái của ổ cối , quanh lổ dây chằng tròn, phần giữa ổ cối.
-Biến dạng khớp: thương tổn thoái hóa nặng có thể biến dạng chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu, nhưng không bao giờ có hình ảnh dính khớp hoàn toàn.
Chụp X quang khớp háng giúp tìm nguyên nhân hư khớp háng thứ phát.

5.Phòng bệnh:

-Người thừa cân, béo phì cần có chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để giảm cân, giúp sự quá tải cho hệ xương khớp, nhất là khớp gối và cột sống. Các nghiên cứu cho thấy khi cơ thể tăng thêm 1kg thì cột sống phải gánh thêm 4kg.
-Hạn chế uống bia, rượu vì uống nhiều bia, rượu có thể gây hoại tử chỏm xương đùi.
-Không lạm dụng corticoide.
-Tránh các chấn thương gãy cổ xương đùi, trật khớp háng.
-Cần hạn chế các động tác, tư thế làm việc có hại cho khớp như xách nặng, khuân vác nặng, ngồi, đứng, làm việc không đúng tư thế quá lâu.
-Tập đều đặn vào buổi sáng các bài khởi động khớp hay chơi thể dục thể thao ở mức độ vừa phải sẽ có tác dụng tốt cho khớp và cho cả nhiều cơ quan khác như tim mạch, hô hấp.

PGS.TS.LƯU THỊ HIỆP - Trưởng khoa Đông y BV Đa khoa Hồng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang