CÂU ĐỐI ĐỀN HÙNG VÀ TÂM THỨC VIỆT NAM
Nguyễn Khắc XươngCâu đối Đền Hùng là cảm nghĩ của nhân dân gửi Đền Hùng mộ Tổ, tấm lòng nhân dân khi được về mảnh đất cội nguồn, được thành kính thắp những nén hương thơm dâng lên tổ tiên xưa: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”.
Xét về văn tự, câu đối Đền Hùng có 3 loại, đó là các câu đối soạn bằng Hán tự, câu đối Nôm và câu đối chữ Quốc ngữ ra đời muộn hơn, vào hồi đầu thế kỷ.
Đề ở Đền Hùng phần nhiều là câu đôi Hán tự, còn đối Nôm và đối chữ Quốc ngữ là viết trên giấy lưu lại hay in trên báo chí hoặc cũng có khi là truyền khẩu mà nhớ.
Đến cổng đền Hùng, ngước nhìn lên thấy trang nghiêm như tỏa sáng hào quang 4 chữ “Cao sơn cảnh hành”. Đây là câu rút ra từ Kinh Thi: Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ, có nghĩa là: “Núi cao ta ngẩng trông, đường rộng lớn ta đi tới”. “Núi cao ta ngẩng trông” là hướng về cội nguồn như núi cao sừng sững bền vững muôn đời. Còn “đường lớn ta đi tới” là chỉ về tương lai rộng lớn của cả dân tộc. Khổng Tử khi biên tập các câu hát và thơ dân gian để làm thành bộ Kinh Thi có khen câu thơ trên: “Người làm thơ yêu thích cái đạo nhân hậu đến như thế”. Khen “nhân” là vì đã nghĩ đến cái gốc, khen “hậu” vì đã nghĩ đến những thế hệ mai sau.
Hai bên cổng đền là đôi câu đối:
Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn hà qui bản tịch.
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn.
(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối;
Lên cao nhìn khắp, chập chùng đồi núi cháu con đông).
Đôi câu đối vừa chỉnh vừa mang ý nghĩa sâu sắc, đề ở cổng nơi thờ Tổ chung cả nước thật thích hợp mà lại chiếu được vào 4 chữ đại tự nói trên.
Đền Hùng còn có nhiều hoành phi đều nói lên Hùng Vương là tổ nước, nêu cao công đức tổ tiên và tấm lòng uống nước nhớ nguồn như:
- Triệu cơ vương tích (Dấu tích vua trên nền móng đầu tiên).
- Nam Việt triệu tổ (Vị Tổ đầu tiên của nước Việt Nam).
- Hùng Vương linh tích (Dấu thiêng của các vua Hùng).
- Ẩm hà tư nguyên (Uống nước nhớ nguồn)
- Tử tôn bảo chi (Con cháu hãy giữ gìn lấy).
- Nam quốc sơn hà (Non sông nước Nam)
- Sơn thủy kim ngọc (Non sông vàng ngọc).
Các hoành phi trên nói lên tư tưởng và tấm lòng của nhân dân, câu đối Đền Hùng cũng mang những nội dung trên nhưng có đi sâu có phát triển, vì hoành phi là súc tích, chỉ nêu trong 4 chữ cả một vấn đề lớn có tính khái quát cao.
Về với Đền Hùng mộ Tổ trên ngọn núi Hùng hay Nghĩa Lĩnh, tại xã Hy Cương, huyện Phong Châu, Vĩnh Phú, mỗi khách hàng hành hương không thể không bồi hồi xúc động trước cảnh núi sông hùng vĩ và tươi đẹp. Trước mắt là thành phố Việt Trì, Kinh đô nước Văn Lang, Thủ đô của nước Việt Nam ta với ba con sông lớn nhất miền Bắc là Lô, Thao (tức sông Hồng) và Đà như 3 con rồng uốn khúc quện lấy nhau chầu về núi Hùng. Khu vực Nghĩa Lĩnh này là hậu cung và cũng là nơi lập đàn tế Trời Đất và thực hành những nghi lễ cầu mưa của các vua Hùng.
Câu đối nói lên tâm tưởng mỗi người trước cảnh tượng hùng tráng “non sông muôn thuở vững âu vàng”:
Vương đối tác bang, tối hảo trung gian sơn thủy;
Dân kim thụ tứ, cái tự thượng cổ thánh thần.
(Vua dựng nước đây, sông núi chốn này tươi đẹp quá;
Dân nay ơn chịu, thánh thần trao lại tự ngàn xưa).
Khải mã Nam giao, Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc;
Hiền vu Tây thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ
(Cõi mở Nam Giao, Hồng Lạc nghìn thu tôn nước tổ.
Đất tây rộng mở, Tản Lô một dải vững đền Vua).
Quá cố quốc, miến Lô, Thao, y nhiên bích lãng hồng đào, khâm đái song lưu hồi Bạch Hạc.
Đăng tư đình, bái lăng tẩm, do thị thần kinh xích huyện, sơn hà tự cổ khống Chu Diên.
(Qua nước cũ ngắm Lô Thao, vẫn hồng đào bích lãng như xưa, sông hai dải bao quanh chầu Bạch Hạc;
Lên đền này vái lăng tẩm, kìa xích huyện thần kinh còn đó, núi bốn bề quay lại giữ Chu Diên).
Các câu đối bắt nguồn từ cảm hứng núi sông đều mang ý Tổ quốc trường tồn, giang sơn vững mạnh, từ đó lại đưa tới nội dung ca tụng, khẳng định công đức các vua Hùng dựng nước.
Lịch Tam hoàng chí Tam vương, thần truyền thánh kế.
Đĩnh bách nam khai Bách Việt, tổ thiện tôn bồi.
(Trải qua ba đời đến ba đời vương, thánh thần truyền dõi.
Sinh trăm trai nở trăm giống Việt, tổ tiên xây đắp, con cháu vui bồi).
Thánh thần sự nghiệp Thiên Nam thủy;
Hoàng đế cơ đồ Cổ Tích sơn.
(Sự nghiệp bậc thánh thần khởi đầu ở cõi trời Nam;
Cơ đồ đấng hoàng đế gây dựng từ núi Cổ Tích).
Hồng Lạc cố cung tồn, diệp chướng tầng loan quần thủy hợp.
Đế vương linh khí tại, hào phong nộ vũ nhất phong cao.
(Cung cũ Hồng Lạc còn đây, trùng điệp núi đồng nhiều sông họp lại;
Khí thiêng đế vương vẫn đó, thét gào mưa gió một ngọn núi đứng cao).
Duật duật hoàng hoàng phối thiên kỳ trạch đế nhi tổ;
Thông thông uất uất, đắc địa chi linh sơn diệc hùng.
(Đẹp đẹp tươi tươi, sánh ơn lớn của trời, vua còn là tổ;
Xanh xanh tốt tốt, được khí thiêng của đất, núi cũng rất hùng).
Duy tổ quốc tinh thần, nhất thập bát truyền căn bản địa;
Khảo cổ dư đồ danh thắng, kỷ thiên cổ tải đế vương lăng.
(Vì tinh thần Tổ quốc, qua mười tám đời truyền, đất này là căn bản;
Khảo danh thắng nước nhà sau mấy nghìn năm lẻ, nơi đây còn lăng vua).
Các câu đối đã nói lên sự trường tồn thế nước, truyền mãi và vững mạnh muôn đời:
Thập bát thế truyền trường quốc tộ;
Ức niên hương hỏa điện kim âu
(Mười tám đời truyền dài thế nước;
Ngàn năm hương hỏa vững âu vàng).
Kiến quốc lịch thiên niên, phụ đạo tương thừa công đức hậu;
Hùng đồ thập bát thế, sơn hà tăng mị thái bình dân.
(Dựng nước trải ngàn năm, trị nước hưởng thừa công đức hậu;
Dòng Hùng mười tám đời, non sông thêm tươi đẹp, dân hưởng thái bình).
Tư tưởng non sông “riêng một cõi trời”, đứng vững một cõi trời Nam, tư tưởng “Nam quốc sơn hà” và “các đế nhất phương” là một tư tưởng hạt nhân của tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, giúp cho nhân dân ta giữ vững chủ quyền dân tộc, bảo vệ giang sơn bờ cõi chống lại bất kỳ mưu đồ thôn tính nào.
Tư tưởng “Nam quốc sơn hà” và “Các đế nhất phương” cũng là nội dung của nhiều câu đối Đền Hùng: Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ;
Ngô vương ngô thổ Bắc thần tôn.
(Đất này núi này là của nước Nam;
Vua ta đất ta làm phương Bắc cũng nể vì).
Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ;
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành túy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn.
(Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, Bách Việt non sông theo tổ trước;
Núi sáng khí thiêng, cố cung thành đền miếu, ba sông quanh quất hướng chầu vua).
Tây hanh vu sơn, Tản Đảo Lô Thao, hội tác nhất thiên vũ trụ;
Nam tố kỳ địa, Đinh, Lý, Trần, Lê trường lưu ức triệu dư đồ.
(Phía tây thông núi ấy, Tản Đảo, Lô, Thao hợp thành bầu vũ trụ;
Phương Nam mở đất này, Đinh, Lý, Trần, Lê ngàn thuở vững dư đồ).
Tư tưởng “uống nước nhớ nguồn”, về với cội nguồn là tư tưởng quán xuyến trong các câu đối, dù nói về công đức Vua Hùng dựng nước hay nói lên tư tưởng “các đế nhất phương”.
Tư tưởng “uống nước nhớ nguồn” cũng là một truyền thống trở thành sức mạnh, một nội lực của tâm thức Việt Nam:
Thái hòa tại vũ sổ thiên tải;
Công liệt ư dân thập bát truyền.
(Mấy nghìn năm trước xây nền vững;
Mười tám đời truyền dân đội ơn sâu).
Thông thông uất, trung hữu lăng yên tẩm yên, long phụ tiên mẫu chi tính linh, hựu ngã hậu nhân võng khuyết;
Cổ cổ kim kim, thử sơn dã thủy dã, thánh tổ thần tông chi sáng tạo, y hi tiền vương.
(Trong cây cỏ tốt xanh vẫn có miếu lăng, hồn thiêng cha mẹ rồng tiên phù hộ đời sau không thiếu sót; Suốt cổ kim dài dặc, thấy kìa sông kìa núi, công đức tổ tiên thần thánh, nhớ ơn vua trước chẳng hề quên).
Thần thánh khải viêm bang chí kim, địa bất cải tịch, dân bất cải tụ.
Huân lao phụng thánh miếu thị vi, mộc chi hữu bản, thủy chi hữu nguyên.
(Thần thánh mở cơ đồ đến nay, đất vẫn thế, dân vẫn thế;
Công huân thờ thánh miếu từ, cây có gốc nước có nguồn).
Cảm xúc câu đối Đền Hùng là cảm xúc trang nghiêm hướng về những điều thiêng liêng với mỗi người dân Việt; ý thức về cội nguồn, về sự trường tồn vững mạnh của đất nước và tư tưởng uống nước nhớ nguồn. Phải chăng câu đối Đền Hùng là biểu hiện của tâm thức Việt Nam ánh lên trên từng nét chữ?
Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương năm Bính Tí (1996)
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 2 – 1996.
Bài đăng trên blog nguyenxuandien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét