Hạt quất giảm ho, chống viêm
Quả quất được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín. Về thành phần hóa học, dịch quả quất chứa pectin 10%, vitamin C 0,13-0,24mg%, Fe 5,1mg%. Cu 0,8mg%, đường, acid hữu cơ và chất fortunelin. Vỏ quả quất chứa tinh dầu gồm 25 thành phần, trong đó có a-pinen 0,4%, b -pinen 2,7%, sabinen 2,8%, limonen 8,4%, b-ocimen 0,3%, linalol 1,55.
Dược liệu có vị chua, hơi ngọt, the, mùi thơm, tính ấm, không độc, có tác dụng điều khí, kiện tỳ, chỉ khát, giảm ho, tiêu phù, được dùng trong những trường hợp sau:
1.Chữa ho (nhất là ho ở trẻ em): Quả quất chín (loại bỏ những quả đã ủng nhũn) 10g, rửa sạch, cho vào chén cùng với ít đường phèn hoặc mật ong, đem hấp chín trong 15-20 phút. Nghiền nát, để nguội, cho trẻ uống làm 3 lần trong ngày. Dùng 3-4 ngày. Có thể phối hợp với hoa hồng bạch 10g và hạt chanh 10g. Cách làm và dùng như trên.
2.Chữa hậu sản, phù nề, vàng da: Quả quất non 50g, nghệ vàng 100g, nghệ đen 100g, hương phụ 100g, cặn nước tiểu 5g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên.
3.Nước giải khát có tác dụng bổ, dễ tiêu: Quả quất chín 1kg rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim sạch châm sâu vào quả 5-6 lỗ, rồi cho vào lọ rộng miệng cùng với đường kính 2kg; cứ một lớp quất lại một lớp đường. Đậy kín, để trong 7 ngày, được dịch quất đường (sirô quất) màu vàng, mùi thơm. Khi dùng, lấy 1-2 thìa to sirô này pha với 150ml nước đun sôi để nguội, khuấy đều mà uống.
Theo tài liệu nước ngoài, vỏ quả quất tươi 9g, phối hợp với gừng tươi nướng vàng 9g, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày, chữa nôn mửa. Để chữa nghẹn nấc ở người cao tuổi, lấy vỏ quả quất 20g, phơi hoặc sấy khô, tán bột rồi uống với nước ấm.
Hạt quất là thuốc cầm máu, giảm ho, chống nôn:
-Chữa ho lâu ngày không khỏi: Hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, hạt chanh 10g, mật gà đen 1 cái. Tất cả để tươi, giã nát, thêm đường, hấp cơm, uống làm 2-3 lần trong ngày.
-Chữa nôn ra máu: Hạt quất 1 chén nhỏ, bóc bỏ vỏ, lấy nhân, sao vàng, giã nhỏ, sắc uống làm 2 lần trong ngày.
Chú ý: Tránh nhầm hạt quất với hạt quýt (y học cổ truyền gọi là quất hạch).
Theo SK&ĐS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét