ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Y án: Bệnh đảo kinh

Y án: Bệnh đảo kinh
Trích trong sách Tử Siêu Y Thoại Của LY Nguyễn Tử Siêu
NXB Khoa học Xã hội 1990

Lời người trích: Cụ Nguyễn Tử Siêu (1887- 1965) có bút danh là Nguyễn An Nhân, nguyên quán xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình Nho học, thân sinh đỗ cử nhân, bào huynh đỗ tú tài Hán học, bản thân đã qua Tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ, chuyển sang thi cử bằng quốc văn. LY Nguyễn Tử Siêu hoạt động trong lĩnh vực viết văn, dạy học và làm nghề Đông Y. Về Văn cụ có hơn 20 tác phẩm, chủ yếu nói về lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Về  Đông Y  Cụ viết và dịch hơn 20 cuốn sách, đó là những cuốn sách Y Dược học quí. Cuốn Tử Siêu Y Thoại là tác phẩm cuối cùng của Cụ. Sau đây xin trích đăng một Y án trong cuốn sách đó để chúng ta tham khảo khi chữa bệnh.

Trần Thị Đào, 42 tuổi, đến khám bệnh năm 1960. Người bệnh khai bị thổ huyết  từ năm 1947, các bác sĩ  đều cho là lao phổi, điều trị 2 -3 năm không khỏi, hiện nay, cứ một vài tháng lại thổ huyết một lần, có khi ra nhiều, có khi ra ít, không nhất định. Lúc nào ra ít thì ngày hôm trước thổ huyết, hôm sau thường hành  kinh, lúc nào  thổ huyết nhiều thì hôm sau không hành kinh hoặc cũng có nhưng huyết ra rất ít, màu da hơi xanh, ăn uống bình thường , đại tiện 2 –3 ngày  mới đi một lần, thường  xuyên táo, tiểu tiện thường ít và đỏ… mạch Trầm, Sắc lẫn Huyền.
     Sau khi chẩn xong, tôi nhận là bệnh đảo kinh. Muốn dùng các bài  thuốc  cổ để điều trị, thì vị có, vị không. Tôi liền chuyển hướng dùng thuốc Nam để trị. Nhận thấy chứng đảo kinh chủ yếu là do huyết nhiệt gây nên, tôi dùng vị Ích mẫu là thuốc có vị khổ (đắng), hàn ( lạnh ) để hoạt huyết, điều kinh, nhưng muốn cho huyết hành cần phải điều khí vì khí là ' soái ' của huyết. Khí hành thì huyết mới hành. Vì vậy tôi dùng Hương phụ, là khí dược ở trong huyết, dẫn hành được cả khí của 12 kinh, hợp với Ích mẫu thành  công dụng "khai uất, tán trệ, thông  kinh, hoạt huyết. Tôi chỉ dùng 2 vị  đó, liều lượng bằng nhau, đem tán bột, luyện với hồ, làm viên  bằng hạt đậu. Mỗi lần nuốt 50 viên (không nhai ), uống với  nước nóng , ngày 3 lần. Trước sau, uống hết chừng 2 cân (= 1.280g) thuốc, bệnh khỏi. Khi hết bệnh, chị Đào nói chuyện với vị lương y đã cắt cho  chị hơn 100 thang thuốc trước đây, ông ta lấy làm lạ, tìm đến nhà tôi hỏi về phương pháp chữa. Tôi nói : '' Có gì lạ đâu, tôi chỉ dùng phương pháp điều kinh đấy thôi ". Ông ta ngạc nhiên không tin nói : '' Bệnh thổ huyết  đã tới hơn 10 năm, cả Tây y khám nghiệm cũng  đã công nhận là phế lao ( lao phổi ), vậy mà Cụ lại chữa điều kinh  là nghĩa gì ? ". Tôi cắt nghĩa cho ông nghe về công dụng của 2 vị  Ích mẫu và Hương phụ (trong bài này tẩm Đồng tiện 3 ngày, 3 đêm), bấy giờ ông ta mới chịu là đúng. Khi ông ta đứng dậy về, tôi dặn thêm : 'Đây chỉ là một trường hợp, ông đừng cho rằng bệnh thổ huyết nào cũng đều là đảo kinh. Chủ yếu của Đông Y ta là biện chứng luận tri, tùy bệnh xử phương, không phải hễ cứ sốt rét là uống ký ninh được đâu".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang