ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Bây giờ chỉ còn loài cây mới biết... xấu hổ?

Bây giờ chỉ còn loài cây mới biết... xấu hổ?









Minh họa: A Sáng



"…Thực lòng tôi không muốn kể tiếp vì những chuyện này kể ra xấu hổ lắm. Con người ta khác đi quá nhiều, biến tướng đi thật nhiều! Có lẽ lối tư duy biết tự trọng, biết xấu hổ không còn nữa, hoặc lạc hậu mất rồi. Người ta “tự tin” tuyệt đối! Hết sức “tự tin”, đến nỗi chẳng còn gì để sợ, kể cả tù đày, đừng nghĩ đến lương tâm hoặc sự hối hận nào đó. Tất cả những quy chuẩn của đạo đức, của văn hóa mà ngàn đời nay vun đắp hình như không còn ý nghĩa…"
1. Chuyện ngày xưa

Thời đi học ở trường Dân tộc nội trú, tôi có đứa bạn tên là Du – Nông Văn Du, dân tộc Tày, nhà nó cách thị xã Cao Bằng chừng 100 km. Tôi nhớ mãi cái hôm nó đến nhập học cùng bọn tôi. Nó mặc bộ quần áo cũ mèm, đi đôi dép nhựa Tiền phong vá chằng vá đụp. Và đặc biệt nhất là cái “hòm” đựng quần áo của nó. Sở dĩ được gọi là hòm vì nó đựng quần áo, đó thực chất là cái thùng người ta dùng để đựng xà phòng – loại xà phòng 72% của thời bao cấp. Những bộ quần áo nhàu nát được vón lại rồi nhét vào cái thùng gỗ được đóng thưa thớt ấy. Điều đặc biệt ở cái hòm đó không phải là quần áo nhàu nát, cũng không phải ở sự sơ sài đến thảm hại mà trong đó lộ ra bộ tiểu thuyết Thủy Hử nổi tiếng. Nó bảo, đó là món quà quý nhất của pa nó tặng trước khi lên đường đi học xa.
Đêm nào nó cũng chong đèn đọc sách, những đoạn gay cấn vẫn đọc to lên để cả phòng cùng nghe. Tính nó vui vẻ, hoạt bát, thích văn chương, nhường nhịn bạn bè…, nói chung nó là thằng bạn dễ chịu. Hồi ấy chúng tôi học nội trú nên được bao cấp hoàn toàn: một năm hai bộ quần áo, cơm ăn hai bữa, sách vở phát không… Tuy thế nhưng vẫn đói – cái đói chung của học sinh thời đó. Hàng tuần tôi vẫn phải đạp xe hơn 60 km về nhà để lấy thêm đồ ăn. Tôi nhớ, thằng Du chẳng bao giờ về cuối tuần. Nó bảo nhà xa, không có xe đạp, mới lại về cũng chẳng có cái gì để xin, ở lại đọc truyện còn hơn. Cứ cuối tuần nó lên thư viện đọc sách và nhịn đói.

Có lần tôi thấy dưới gầm giường nó toàn khoai lang sống, nó bảo thỉnh thoảng mẹ gửi khoai lang từ nhà ra để ăn thay bữa sáng. Và cứ thể hai năm liền, tôi thấy buổi sáng nó ăn khoai, cuối tuần lên thư viện đọc sách cho đỡ đói. Trong phòng chúng tôi có đầy đủ các bạn của nhiều dân tộc khác nhau. Cũng có nhiều người con gia đình khá giả. Trong đó có một cậu bạn thuộc dạng phong lưu nhất vì có đôi giày Tây. Đó là đôi giày da màu nâu, khóa mạ kền bóng loáng. Buổi sáng cậu ta thường lấy khăn lau cẩn thận mới xỏ vào chân và bao giờ cũng lượn một vòng ngắm nghía đôi giày của mình. Còn bọn tôi thì cứ trố mắt nhìn vì đôi giày đẹp quá. Phải, đó là đôi giày Tây đầu tiên tôi được nhìn thấy, còn trước kia thỉnh thoảng có bộ đội về làng chiếu phim mới thấy người ta đi giày da thế nào.

Cậu bạn phong lưu ấy, ngoài đôi giày sang trọng kia còn nhiều đồ đạc đắt tiền khác mà bọn tôi và thằng Du chẳng bao giờ dám mơ. Vì thích đôi giầy quá, cứ mỗi lần cậu bạn đi vắng, tôi và thằng Du thường mang ra ướm thử, đi lại ngắm nghía, cười với nhau. Không ai nói ra, nhưng cả tôi và thằng Du đều mơ có một đôi giày như thế. Chỉ có điều cái hành động ướm trộm đôi giày kia làm cậu bạn phong lưu khó chịu. Thế rồi cậu ta cẩn thận cất vào hòm khóa lại mỗi khi không dùng đến.
Rồi cho đến một hôm, cậu ta kêu đã mất đôi giày quý báu ấy, cả phòng nháo nhác, ngơ ngác và sợ hãi nữa. Cậu bạn phong lưu cấp tốc báo cáo cô giáo chủ nhiệm, và một cuộc “điều trần” diễn ra ngay cái phòng ký túc chật hẹp. Cô giáo quắc mắt, dọa nạt, trách móc, dạy đạo đức một hồi rồi ra một quyết định quan trọng: khám hòm từng người một. Quả thực, lúc đó chúng tôi không biết trị giá đôi giày kia là bao nhiêu, sự quan trọng của nó như thế nào, nhưng cứ nhìn thái độ của cô giáo chủ nhiệm thì sợ không còn hồn vía. Tính tôi hay tưởng tượng, nhỡ mở hòm mình ra mà đôi giày bóng lộn ấy nằm ở trong thì chết. Cứ nghĩ thế mà chân tay đã bủn rủn. Lại thêm cái cậu bạn phong lưu ấy nói rằng, thỉnh thoảng vẫn thấy bạn A Sáng và bạn Du xỏ trộm thì cái sợ lại càng tăng lên gấp bội. Mọi đôi mắt nghi vấn đều đổ dồn vào tôi và Du.

Rồi cô giáo ra lệnh: “A Sáng mở hòm ra!”, tôi như người mất hồn, hai tai ù đặc, lập cập mở cái hòm tôn hoa mà mẹ tôi mua lúc nhập học. Mọi thứ: sách vở, quần áo, đồ đạc được bới tung – không có đôi giày nào – tôi thở phào nhẹ nhõm. Đến lượt cái “hòm” của thằng Du, nó òa khóc và tự mở hòm - đôi giày Tây bóng lộn với cái khóa mạ kền ấy xuất hiện. Thằng Du đã lấy đôi giày ấy, nó rũ xuống, mếu máo xin lỗi mọi người, xin lỗi cậu bạn phong lưu – nó khóc tức tưởi. Tôi nhớ mãi nó mếu máo trả lời cô giáo khi cô hỏi: tại sao cậu ăn cắp giầy của bạn? Nó bảo: Thưa cô em thích quá ạ!

Đương nhiên, nó phải viết bảng kiểm điểm, đọc trước lớp. Buổi sáng hôm đó, cả lớp im phắc, thằng Du run run đọc bảng kiểm điểm. Tưởng chuyện chỉ dừng ở mức giải quyết “nội bộ” thế thôi. Nhưng cái bảng kiểm điểm đó, theo yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm phải được đọc ở sáng thứ hai (chào cờ) trước toàn trường. Cái lý lẽ của cô giáo, để làm gương cho những ai ăn cắp đồ của bạn. Cái buổi sáng thứ hai chào cờ tồi tệ ấy, thằng Du như một tên tội phạm, run run đọc lại bản kiểm điểm, nó gần như ngã khuỵu khi đọc đến câu cuối cùng: “…Em xin hứa với toàn trường lần sau sẽ không ăn cắp giày của bạn K nữa”. Nó đứng ngơ ngác hết nhìn cô giáo, rồi lại nhìn các bạn.

Một buổi chiều, đang đá bóng ở sân trường, tôi thấy thằng Du vác cái “hòm” thất thểu đi từ ký túc xuống. Tôi có chạy theo hỏi, nó bảo: “…Tao về thôi, không học nữa, xấu hổ lắm…”. Nó khóc, nước mắt lã chã, nó muốn nói gì đó với tôi nhưng không nên lời. Mãi rồi nó cũng quay lại nói: “Dưới gầm giường tao còn nhiều khoai lang lắm, mày lấy mà ăn…”. Thế rồi nó đi, cái tội ăn cắp đôi giày không đến mức phải đuổi học, nhưng nó tự bỏ học với một lý do rất đơn giản: xấu hổ lắm!

Bây giờ ngẫm lại chuyện này, trong tôi lại dâng lên nỗi buồn. Có một cái gì đó không ổn và rất sai ở người lớn. Thú thật, xưa kia cứ mỗi lần tôi nhìn thấy cậu bạn phong lưu đi đôi giày Tây sáng bóng, tôi đã khát thèm, đã mơ mình cũng có một đôi giày như thế. Cũng đôi lần, trong đầu tôi lóe lên cái ý định trộm đôi giày ấy. Thằng Du đã nói thật, quả đúng vì thích quá mà thôi. Hồi ấy những đứa trẻ như tôi và Du không thể có ý định trộm đôi giày của bạn để bán lấy tiền tiêu xài. Chúng tôi chưa biết làm điều đó. Vật chất không thể quyến rũ chúng tôi, nhưng vẻ đẹp lạ lẫm của đôi giày kia lại khác. Và thằng Du đã không thắng được sự quyến rũ của đôi giày – sản phẩm văn minh mà thời đó ở miền núi nó thật lạ lùng, chỉ có những đứa trẻ như chúng tôi và sống ở thời đó mới hiểu rõ sự quyến rũ của nó.

Cách chiếm đoạt đó được gọi là ăn trộm, nó có lỗi và đã nhận lỗi rất thật thà rằng, vì em thích quá ạ! Đây là điểm quan trọng, cũng nói lên nguyên nhân của hành vi ăn trộm đó. Nhưng sự sai lầm là của người lớn – cụ thể là cô giáo chủ nhiệm tôi. Việc bắt một cậu bé quê mùa, đầy tự ti như nó đọc một bảng kiểm điểm trước cả lớp đã gần như hạ gục nó. Nhưng còn phải đứng trước toàn trường để đọc tiếp cái bản “cáo trạng” dở hơi ấy là cả một sự “tra tấn” quá đáng! Không đến nỗi phải như thế! Nó đã nói thật, thích thật, lấy đôi giày ấy thật và nó đã thú nhận! Không cần thiết phải như thế!

Và hậu quả của việc đó: nó bỏ học! Nó cũng đã nói thật với tôi: xấu hổ quá! Ừ, quả đúng vì không thể vượt qua được mặc cảm là một kẻ ăn trộm, hay đúng hơn nó đã không thể vượt qua buổi “tra tấn” kia mà phải ra đi. Tâm hồn nó bị tổn thương, và lòng tự trọng ít ỏi trong tâm hồn nó thôi thúc việc rời bỏ ngôi trường này. Cũng có nghĩa cơ hội hiếm hoi được học tập của nó đã kết thúc vì một việc rất nhỏ. Nhưng ít ra nó còn có lòng tự trọng vì nó bảo: xấu hổ lắm!

Sau này, có lần đi công tác tôi có nhìn thấy Du ở một phiên chợ. Tôi gọi rất to, nhưng nó đã lỉnh đi, nó cúi mặt đi rất nhanh như không muốn gặp tôi, dù câu chuyện về đôi giày Tây đã xảy ra gần 10 năm. Sự mặc cảm vẫn đeo đẳng nó, đặc biệt khi nhìn thấy tôi, Du đã không muốn gặp cũng vì hai từ: xấu hổ, mà người miền núi thường dùng. Tôi chỉ biết, bây giờ Du sống bằng nghề xẻ gỗ trên rừng, cứ đến phiên chợ lại thồ xuống bán. Tôi nghĩ, cuộc đời nó sẽ khác nếu trong cái vụ trộm giày ấy, những người lớn biết cách cư xử. Nó là một người thông minh, ham đọc sách, có khát vọng học tập. Và dứt khoát nó không phải là người ăn trộm vặt, chuyện đôi giày ấy chỉ một lần duy nhất, không phải riêng nó, cả tôi và nhiều cậu bạn khác khi nhắc lại chuyện này đều thú nhận đã rất muốn lấy đôi giày ấy. Và tất cả đều cùng một suy nghĩ rất trẻ con: thích quá. Chỉ có Du là người không kiềm chế được, hoặc có cơ hội khi cậu bạn phong lưu ấy sơ hở. Cái hòm của cậu ấy lúc nào cũng khóa chặt cơ mà. Hơn nữa khi mở hòm cậu phong lưu ấy ra có một số tiền khá lớn ở đó. Du đã không dám lấy tiền, chỉ lấy đôi giày Tây, điều đó nói lên tất cả. Nó không phải một tên ăn trộm!
2- Chuyện bây giờ kể ra xấu hổ lắm…

Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi: bây giờ con người ta còn biết xấu hổ không nhỉ? Một câu hỏi khá ngớ ngẩn ở nơi phố phường này. Tôi làm nghề báo, nên tiếp xúc với rất nhiều người. Từ trí thức cho đến lưu manh, từ lãnh đạo cho đến người bình thường… Chỉ có điều hình như tôi thấy cái lòng tự trọng, hay còn gọi một cách dân dã là biết xấu hổ ấy, không còn nhiều.
Có vị được gọi là trí thức vì có đầy đủ bằng cấp, học hành rất công phu nhưng chẳng bao giờ thấy anh ta làm việc gì ngoài việc ông ổng chửi thiên hạ. Anh ta luôn cho rằng mình là người tài nhưng không được trọng dụng, những kẻ ngu si đã giành mất cơ hội cống hiến của anh ta. Nhắc đến công việc là anh ta nhăn mặt tỏ vẻ khinh bỉ đồng nghiệp theo kiểu: cái thằng kia, đứa kia, con kia dốt lắm, nó chỉ giỏi nịnh sếp có biết làm gì đâu… Sống với một lũ như thế thử hỏi tôi làm việc sao được, tôi khinh bỉ họ v.v…
Cũng có lần tôi ngây thơ hỏi anh ta rằng, chán thế, coi thường họ thế anh còn làm việc với họ làm gì? Bỏ đi làm chỗ khác có phải đỡ mệt hơn không? Anh ta nhếch mép cười cười mà rằng, việc gì phải đi, cứ ở lại xem chúng nó làm trò… Đúng là cao thủ, sự ngụy biện này thật sự quá cao thủ - nó trơ như tảng đá dưới lòng suối! Nói là thế, mắng là thế, khinh bỉ là thế nhưng lương thì tháng nào anh ta cũng lĩnh, bất cứ chế độ nào anh ta cũng không bỏ qua, miệng la mắng coi thường nhưng tay không quên vơ vật chất, ấy vậy mà vẫn cứ mắng, vẫn cứ coi thường và khinh bỉ. Kiểu đó rất thường gặp ở những tay tự coi là trí thức và có đầu óc trên cả thiên hạ.

Một kiểu thường gặp nữa là kiểu nịnh trước, chửi sau. Khi gặp một vị lãnh đạo, hoặc người có uy tín nào đó anh vẫn xun xoe nịnh nọt, tâng bốc ngất trời, dành những mỹ từ để làm mát mặt người đó. Nếu một lần nghe anh ta “ngoại giao” kiểu đó thì thật sự cứ tưởng lòng tôn kính của anh ta dành cho người trước mặt là tuyệt đối. Nhưng khi người đó vừa đi, lập tức anh ta bĩu môi, xì ra một chàng những từ khinh miệt, coi thường, theo kiểu: cái tay đó mèo mù vớ phải cá rán, nông dân khôn lỏi bỏ ruộng đồng lên buôn bán ở hè phố… biết cái cóc khô gì… số nó đỏ nên có lộc trời ban chứ ngu lắm! Cứ thế anh ta mắng, đay nghiến, chì chiết, chửi rủa, coi thường, bêu xấu… như không đáng một xu.

Thực sự khi chứng kiến cảnh này tôi đã trố mắt kinh ngạc và tự hỏi tại sao người ta có thể hành xử như thế nhỉ!? Những lời nói cùng từ một cái miệng, được cái lưỡi dẻo quẹo ấy đưa ra, từ cái thanh quản trơn tru ấy đẩy lên thế mà trước đang nở hoa rực rỡ, lập tức ngay sau đó là rác, là phân là tất cả những gì bẩn thỉu nhất được xổ ra. Kỳ lạ thật! Có người nói rằng, cuộc đời là một sân khấu lớn, cứ thế mà diễn. Tôi lại nhớ đến câu nói của đạo diễn Doãn Hoàng Giang: đời diễn giỏi, sao sân khấu diễn tồi thế!? Điều này đúng trăm phần trăm. Cũng đơn giản thôi vì cái dây thần kinh xấu hổ của họ bị đứt hoặc thoái hóa hết rồi. Nói cho đúng hơn, lòng tự trọng của cá nhân ấy đã không còn, hoặc chẳng bao giờ tồn tại.

Lại có vị nữ diễn viên trẻ, mới nứt mắt vào làng nghệ thuật đã xì – căng – đan ầm ĩ. Ngoài đời người ta bàn tán, truyền tụng nhau chưa hết nóng. Nếu là người biết tự trọng, còn chút thần kinh xấu hổ có lẽ phải “ẩn” thật lâu mới dám ló mặt ra trước thiên hạ. Đằng này ra đường, vào quán cà phê cứ như không, có ai đó nhìn mình vì tò mò thì trợn mắt mắng ngay: xem trên mạng chưa chán hay sao mà còn nhìn!? Làm cho cái vị hay tò mò ấy còn đỏ mặt xấu hổ hơn cái vụ ầm ĩ nọ. Đúng là không còn biết xấu hổ, chẳng sợ ai, cũng mất luôn sự tự trọng. Họ sống theo kiểu: không điếc, không sợ - việc ta, ta cứ làm.

Còn một kiểu nữa cũng trơ mặt không kém. Họ có tội, bị luật pháp xử hẳn hoi, đi tù hẳn hoi, hoặc bị thải hồi hẳn hoi. Nhưng lúc nào họ cũng cười, nhếch mép cười và hình như họ chẳng bao giờ hối hận về cái tội của mình. Tôi đã từng chứng kiến một vị bị kết tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, bị kết án ba năm tù giam. Trước khi nhận lệnh thi hành án, anh ta vẫn lang thang ngoài phố, uống bia tán phét với mọi người như không có gì xảy ra. Thế rồi, nếu ai có hỏi đến cái chuyện nhạy cảm đó anh ta phì cười: ừ thì cứ đi tù một thời gian, chạy chọt, lo lót cho tốt thì lại ra ngay ấy mà, có gì đâu mà phải lo, có tiền thì sợ gì… Khuôn mặt điển trai của anh ta vẫn tươi như hoa, có vẻ như thách thức với tất cả. Anh ta còn bảo, tôi “hi sinh” cho chúng nó ấy chứ, nếu khai ra hết thì một lũ đi theo, bây giờ nhiều thằng nhìn thấy tôi sợ chết khiếp… Rồi anh ta ngửa cổ tu một ngụm bia đánh ực một cái khà ra vẻ khoan khoái.

Thực lòng tôi không muốn kể tiếp vì những chuyện này kể ra xấu hổ lắm. Con người ta khác đi quá nhiều, biến tướng thật nhiều! Có lẽ lối tư duy biết tự trọng, biết xấu hổ không còn nữa, hoặc lạc hậu mất rồi. Người ta “tự tin” tuyệt đối! Hết sức “tự tin” đến nỗi chẳng còn gì để sợ, kể cả tù đày, đừng nghĩ đến lương tâm hoặc sự hối hận nào đó. Tất cả những quy chuẩn của đạo đức, của văn hóa mà ngàn đời nay vun đắp hình như không còn tác dụng. Hình như ai cứ muốn sống trong những quy chuẩn đạo đức ấy lại trở nên lạc hậu và ngờ nghệch trước thiên hạ thì phải.

Và tôi lại nhớ đến thằng Du – bạn tôi – cái thằng chỉ vì biết xấu hổ ấy bây giờ sống bằng nghề xẻ gỗ. Hình ảnh nó thất thểu vác cái “hòm” đi từ ký túc xá vẫn ám ảnh tôi. Nó là một đứa dại dột khi tự kết thúc niềm khát khao học tập của mình, nhưng ở chừng mực nào đó, nó rất sòng phẳng với chính lương tâm nó. Một cậu bé quê mùa, rừng rú đã không tự tha thứ cho mình chỉ vì một hành động dại dột. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của ngày xưa – cái ngày xưa xa tắp ở mãi miền rừng quê tôi. Còn bây giờ, khác lắm rồi Du ơi! Việc đánh cắp một đôi giày thật quan trọng với bạn, nhưng chẳng quan trọng với người đời. Vì người ta còn tự bán cả lương tâm mình cơ mà!

A Sáng (báo điện tử VietNamNet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang