Ốc cũng là vị thuốc
DS. Bảo HoaỐc sên.
Ốc sên hoa (Achatina fulica) là loại ốc lớn, có vỏ to dày, màu vàng nâu đen, miệng không có vảy, sống trong các lùm bụi ẩm ướt, nhất là những loài cây có nhựa.
Bộ phận dùng làm thuốc của ốc sên hoa là thịt và nhớt. Ốc sên bắt về, để 24 giờ cho ốc nhả hết chẩt bẩn hoặc chất độc của cây cỏ mà ốc ăn phải. Đập bỏ vỏ, ruột, dạ dày và thực quản, chỉ lấy phần javascript:void(0)thịt, xát với muối và phèn chua, rồi rửa sạch cho hết nhớt. Dùng tươi, không dùng thịt ốc phơi hoặc sấy khô.
Trong y học cổ truyền, ốc sên hoa được dùng với tên thuốc là oa ngưu, có vị mặn, tính hàn, trơn nhày, có tác dụng bổ dưỡng, giải độc, tiêu viêm, chống co thắt, lợi tiểu. Ốc sên hoa 1 - 2 con, giã nát, thêm ít nước, phết lên giấy, để chừa một lỗ nhỏ ở giữa, đắp chữa mụn lở mọc ở da mặt (Nam dược thần hiệu).
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt ốc sên hoa đem thủy phân bằng acid clorhydric và xút sẽ được một loại dịch lỏng, rồi cô đến khi đặc khô thành sản phẩm mang tên “đạm ốc sên”, có mùi vị thơm ngon được dùng làm thuốc bổ dưỡng rất tốt. Thịt ốc sên hoa và cùi quả ô mai, lượng bằng nhau, giã nát, làm viên ngậm chữa cổ họng sưng đau, không nuốt được. Để chữa hen suyễn, thấp khớp, nhân dân ở một số vùng đã dùng riêng thịt ốc sên hoa nấu ăn hằng ngày. Hoặc lấy thịt ốc sên hoa (2 con) nướng vàng, thái nhỏ, nấu lấy nước đặc, trộn với nước cốt ép từ 50g măng tre rồi uống làm 1 - 2 lần trong ngày. Dùng trong thời gian dài.
Nhớt ốc sên hoa là lớp chất nhầy bao bọc toàn thân ốc ở bên trong vỏ, được lấy bằng cách dùng một que nhọn kích thích liên tục vào da thịt ốc. Chất nhớt sẽ tiết ra rất nhiều. Khi bị rết cắn, lấy nhớt ốc sên bôi ngay sẽ có cảm giác mát, dễ chịu và hết đau nhức.
Ốc đá (Cipangopaludina lecythoidea Benson) và ốc vặn (Sinotaia reevei fischer) là loại ốc nhỡ, vỏ màu xanh đen (ốc đá), màu nâu thẫm (ốc vặn), miệng có vảy, sống ở ao, hồ, ruộng nước vùng đồng bằng, trung du và miền núi.
Cả hai loại đều cung cấp thịt và vỏ làm thuốc. Thịt ốc đá chữa nhiệt tích, tiểu tiện không thông, hoàng đản, cước khí, thủy thũng, sang trĩ, mắt đỏ sưng đau, đinh nhọt. Dùng trong, lấy ốc sắc nước uống hoặc đốt tồn tính, tán bột uống. Vỏ ốc đá trị nôn mửa, đau dạ dày, đái ra máu, kinh phong trẻ em, cam tích. Dùng trong, nung vỏ thành bột, uống mỗi lần 4 - 8g. Dùng ngoài, lấy bột rắc hằng ngày.
Thịt ốc vặn (loa sư) chữa phiên vị (chứng ăn vào nôn ra), hoàng đản, kiết lỵ, lòi dom, trĩ, mạch lươn, táo bón dưới dạng luộc, nấu ăn hoặc giã lấy nước uống; nếu đốt cháy thịt ốc thành than uống với rượu ấm lại chữa nóng trong, háo khát, bụng đầy chướng. Vỏ ốc vặn nung khô, tán bột, uống trị đau bụng, ho có đờm, đau dạ dày ợ chua, thoát giang, di tinh, bỏng loét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét