ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Lại nói về tam thất


TÍNH CHẤT DƯỢC LÝ
    Tam thất còn gọi là sâm tam thất hay kim bất hoán, điểm thất, sơn thất, nhân sâm tam thất… Cây tam thất tên khoa học Panax notoginseng (bunk) F.H. Chen, hoặc Panax Pseudoginseng Wall (Panax rpens Maxim), thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae).

      Đông y cho rằng tam thất có vị ngọt hơi đắng, tính ôn, quy các kinh can và vị. Theo sách Bản thảo cương mục cũng nói vị ngọt hơi đắng, tính ôn, không độc. Còn Bản thảo hội ngôn nói, vị ngọt hơi đắng tính bình, không độc, quy dương minh quyết âm kinh. Sách Bản thảo bị yếu thì vị ngọt, đắng, hơi ôn, sách Bản thảo cầu chân: nhập can, vị kiêm tân, đại tràng, sách Bản thảo tái tân: nhập phế, thận…

     Người ta phân tích các thành phần chứa trong tam thất chủ yếu là Saponin nhân sâm, chất Saponin tam thất, chất cầm máu dencichine, alkaloid, protid, saccharid, lipid, tinh dầu, các acid amin tự do và canxi, carotene… Trong sách Trung dược học cũng có kết quả tương tự.

        Về tác dụng dược lý, theo Đông y là hóa ứ chỉ huyết, hoạt huyết định thống, sinh tân, chủ trị các chứng xuất huyết ngoài và bên trong nội tạng, ngã bầm tím sưng đau. Các kết quả nghiên cứu dược lý của tam thất trong y học hiện đại cũng thấy nước sắc của rễ (củ) tam thất, hoặc bột hay dịch chiết nước tam thất đều cho kết quả như nhau là rút ngắn thời gian đông máu, kể cả thời gian Prothrombin ức chế ngưng tập tiểu cầu… Mặt khác nó lại có ảnh hưởng với trung khu thần kinh như làm hưng phấn nhờ sự có mặt của saponin tam thất, tác dụng chống mệt mỏi, tăng khả năng lao động trí óc và cả chân tay. Đặc biệt chất saponin ở hoa, lá tam thất lại có tác dụng ngược lại làm ức chế trung khu thần kinh an thần gây ngủ, còn ở phần rễ củ loại saponin này cũng có nhưng ít. Song hai loại này đều có tác dụng giống nhau là làm giảm đau rõ rệt.

    Ảnh hưởng của tam thất trên hệ tim mạch như làm hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim, tăng lưu lượng máu mạch vành trong thực nghiệm trên chó. Ngoài ra còn thấy tổng hợp saponin ở rễ củ làm giảm lực cản của mạch máu ngoại vi dẫn đến hạ huyết áp của động mạch rõ rệt, còn tăng lượng máu xuất của tim làm nhịp tim chậm lại nên giảm thấp sự tiêu hao oxy của tim, và tác dụng đối kháng với các kích tố thùy sau tuyến yên (oxytoxin và vasopressin) làm rung tim gây nên thiếu máu động mạch vành.

     Đối với chuyển hóa, bột tam thất có tác dụng làm hạ cholesterol và lượng triglyceride trong máu. Saponin của tam thất có tác dụng điều tiết hai chiều đối với glycogen tổng hợp và phân giải. Tổng các saponin của tam thất có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp proteine huyết thanh của gan. Nếu tam thất chế biến ở nhiệt độ cao sẽ làm tăng cao cholesterol huyết thanh và triglyceride, betalipoprotein và làm giảm alpha lipoprotein.
      Với chức năng miễn dịch cũng như nhân sâm, tam thất có tác dụng hồi phục trở lại chức năng miễn dịch dù đang ở trạng thái quá thấp hay quá cao mà không làm ảnh hưởng phản ứng miễn dịch vốn có của cơ thể.

      Song còn tác dụng tiêu viêm, ức chế các loại nấm ngoài da… Liều dùng thông thường cho dạng thuốc bột từ 2-8g mỗi lần, cấp có thể dùng ngày 4-5 lần.

ỨNG DỤNG TRONG LÂM SÀNG
 Trị xuất huyết bao tử: Bột tam thất mỗi lần uống 1,5g, uống ngày 3 lần chiêu với nước ấm, bệnh nhân nghỉ tại giường.
Trị ho ra máu: Mỗi lần uống 6-9g, ngày 2-3 lần (tạp chí Trung y Trung Quốc 29/11/1965).
Trị tiểu ra máu: Dùng bột tam thất, cứ 4-8 giờ uống từ 0,9-1,5g, sau 3 ngày đã cho kết quả hết tiểu ra máu.
Trị chứng tăng lipid máu: Dùng bột tam thất sống mỗi lần uống 0,6g, ngày 3 lần. Cần dùng liên tục 1 tháng sẽ cho kết quả tốt.
Một số kinh nghiệm sử dụng tam thất điều trị có kết quả:
Trị cơn đau thắt ngực: Dùng bột nhân sâm cùng bột tam thất mỗi thứ 2g hòa với nước uống.
Trị băng lậu, kinh nguyệt ra nhiều có cục hòn: Dùng tam thất kết hợp với ngũ vị tử, nhục quế, đơn bì, xích thược.
Trị loét dạ dày: Dùng bột tam thất 3-4g uống.
Trị thổ huyết ho ra máu: Dùng bài an huyết ẩm gồm bột tam thất 4g, bạch cập 16g, nước củ sen 5-10ml, bạch mao căn 30g, mẫu lệ 20g. Đại hoàng chế 8g, sắc uống.
Tác giả : BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang