ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông



Tên tuổi của Lê Hữu Trác được nhắc đến như một bậc đại danh y tài năng xuất chúng, hết lòng thương yêu người bệnh, một nhân cách cao thượng "bần tiện bất năng di, phú quí bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất" (nghèo hèn không lay chuyển, giàu sang không làm đắm say, uy vũ không thể khuất phục) một nhà tư tưởng, nhà thơ nhà văn nổi tiếng của dân tộc thế kỷ XVIII.
Di sản mà ông để lại cho hậu thế thật đồ sộ và quí giá, không chỉ là bộ sách "Hải thượng y tông tâm lĩnh" - cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thầy thuốc mà còn là những lời giáo huấn và tấm gương ngời sáng về đạo đức của người thầy thuốc.
Đại danh y Lê Hữu Trác có tên khác là Lê Hữu Huân, sau lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 17/11 năm Canh Ngọ (27/12/1720). Quê nội của ông là làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Dòng họ Lê Hữu ở Liêu Xá đã đóng góp cho dân tộc 7 vị tiến sĩ, 5 giải nguyên, 20 cử nhân, 20 tú tài, một quận công, một tước hầu, 6 tước bá… Gia đình Lê Hữu Trác là danh gia vọng tộc, nổi tiếng về truyền thống cao khoa hiển hoạn.
Ông nội, bác ruột và cha chú, anh em đều đỗ đạt cao và từng giữ nhiều trọng trách trong các triều vua Lê, chúa Trịnh. Cha Lê Hữu Trác là tiến sĩ Lê Hữu Mưu, làm quan đến chức Thị lang Bộ Công sau được truy phong chức Thượng thư. Nhưng Lê Hữu Trác chủ yếu sống ở quê mẹ là xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Trên đường nghiên cứu, tìm kiếm các vị thuốc, bước chân người thầy thuốc tài ba đã từng in dấu trên mọi nẻo đường của vùng sơn cước mênh mông hùng vĩ. Thơ Lê Hữu Trác có nhiều câu ghi lại xúc cảm dạt dào của một tâm hồn tài hoa nghệ sĩ trước vẻ đẹp kỳ thú của phong cảnh Hương Sơn: "Một dòng sông đầy khói tĩnh lặng. Ý tứ trong lòng lữ khách đầy cảnh núi sông" - "Cây núi Hương Sơn trong mây. Quá nửa đã nhuộm bóng chiều" (nguyên văn chữ Hán). Lê Hữu Trác là kết tinh những tinh hoa của hai vùng đất, hai nền văn hóa có bề dày truyền thống là văn hóa Kinh Bắc và văn hóa Nghệ - Tĩnh.
Cậu Chiêu Bảy (Lê Hữu Trác là con thứ bảy trong gia đình nên gọi là Chiêu Bảy) đã từng ra sức dùi mài kinh sử, ôm giấc mộng "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Nhưng thời đại chìm ngập trong cảnh tao loạn, Lê Hữu Trác đã sớm nhận ra sự bế tắc của con đường làm quan. Một trận ốm thập tử nhất sinh đã đưa ông đến với nghề thuốc, và từ đó ông chuyên tâm vào đạo trị bệnh cứu đời, để đem lại cho con người sự sống và sức khỏe - những tài sản vô giá.
Toàn bộ con người Lê Hữu Trác toát lên một nhân cách khoa học vĩ đại sáng mãi với thời gian. Nhân cách ấy thể hiện ở động lực, khát vọng mạnh mẽ là không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để giúp đời, giúp người. Mọi suy nghĩ, hành động của Lê Hữu Trác được soi rọi bằng ánh sáng của tình cảm yêu thương con người. Tình yêu thương ấy lớn đến mức quên mình, sẵn sàng xả thân cứu người như một bậc thánh nhân.
Đọc thơ văn ông và về hỏi chuyện nhân dân Hương Sơn, chúng tôi được biết rất nhiều giai thoại về Lê Hữu Trác, những câu chuyện giúp chúng ta hình dung về một nhân cách thầy thuốc vĩ đại của muôn đời.
Chuyện kể rằng Lê Hữu Trác chữa cho một cậu bé con nhà thuyền chài nghèo bị mắc bệnh đậu mùa rất nặng, người bốc lên mùi xú uế, mỗi khi khám bệnh phải bỏ quần áo trên bờ, nhét bông vào hai lỗ mũi cho giảm bớt mùi khó chịu. Thế mà ông vẫn đi lại thăm khám, bốc thuốc chữa bệnh ròng rã hàng tháng trời. Đến khi cậu bé khỏi bệnh, không những ông không nhận một đồng thù lao nào mà còn cho gia đình cậu bé gạo, củi, dầu, đèn…
Có lần một nhà quyền quí mời ông chữa bệnh, thấy ông đến muộn mới hỏi thì được biết trên đường đi, ông ghé vào chữa bệnh cho một người nghèo. Bị trách, ông đáp vì bệnh của người quyền quí là bệnh nhẹ, có thể chữa sau, còn người nghèo kia mắc bệnh nặng nên không thể trì hoãn. Tên tuổi ông vang dội khắp nơi.
Năm 1781, được chúa Trịnh Sâm mời ra để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, trước cảnh phủ chúa xa hoa lộng lẫy, ông không hề mảy may động tâm mà chỉ mong sao sớm được trở về quê mẹ để sống cuộc sống tự do thanh thản. Thái độ coi thường danh lợi của ông được thể hiện qua bốn câu thơ nổi tiếng:
Vô dược khả y khanh tướng mệnh.
Hữu tâm ưng đối quỉ thần tri
Thế gian duy hữu phương danh tại
Phú quí phù vân ngã tự khi
Tạm dịch:
Thuốc nào chữa bệnh công khanh?
Đất trời soi xét lòng thành của ta
Vinh hoa mây nổi đó mà
Danh thơm còn lại mới là ngàn năm.--PageBreak--
Đó là minh triết của một bậc túc nho đã thấu hiểu lẽ còn mất ở đời. Cái Trí ấy được soi sáng bởi chữ Nhân, đem lại cho bậc danh y cái Dũng khí thản nhiên trước vinh hoa phú quí, không biết cúi đầu trước quyền lực. Cái tâm không của một bậc giác ngộ đã tạo ra cho Lê Hữu Trác một nguồn lực tinh thần lớn lao để hành đạo.
Tâm huyết và sự nỗ lực của Lê Hữu Trác được thể hiện qua những con số đáng kinh ngạc: phát hiện, sưu tầm thêm 300 vị thuốc nam, tổng hợp thêm 2.854 phương thuốc kinh nghiệm để phổ biến cho nhân dân. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: "Thi thành thảo thụ giai thiên cổ" (Bài thơ làm xong thì cây cỏ (được nói đến ở trong đó) cũng lưu truyền mãi mãi). Đó là sức mạnh của văn chương.
Còn đại danh y Lê Hữu Trác thì đã đưa những cây cỏ vô danh của miền đất Hương Sơn - Hà Tĩnh vào cuốn sách lưu truyền muôn đời. Bộ sách "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" mà ông dày công biên soạn trong gần 40 năm gồm 28 tập, 66 quyển với nhiều mục sắp xếp mạch lạc được xem là một cuốn Bách khoa toàn thư Y dược học Việt Nam, công trình lý luận và pho kinh nghiệm y dược học đồ sộ nhất, có giá trị nhất thời trung đại.
Nhân cách khoa học của Lê Hữu Trác thể hiện ở tác phong cẩn trọng, nghiêm túc, tỉ mỉ, kết hợp lý luận sách vở và thực tiễn đời sống, kết hợp y và dược, kế thừa những tinh hoa của y học Trung Quốc và Việt Nam, ở ý chí độc lập và sáng tạo trong nghiên cứu.
Ông cẩn thận ghi lại trong tập "Y dương án" những trường hợp chữa bệnh thành công để người khác áp dụng, học hỏi và cả những trường hợp chữa bệnh thất bại trong tập "Y âm án" để tự răn mình và rút kinh nghiệm - khác với một số thầy thuốc chỉ thích khoe khoang.
Lê Hữu Trác cũng để lại cho đời rất nhiều những kinh nghiệm quí giá về phép dưỡng sinh, phòng bệnh để nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Khi bắt mạch cho Thế tử Trịnh Cán, ông đã chỉ ra nguyên nhân bệnh tật của Thế tử là vì "ở trong chốn màn the trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm"; trong cuộc sống, ông biết dùng âm nhạc để di dưỡng tinh thần: "Ngày ngày khám bệnh vừa xong/ Đêm đêm tựa ánh trăng trong gảy đàn" (nguyên văn chữ Hán).
Nhân cách khoa học Lê Hữu Trác đã chỉ ra một cách thẳng thắn những nguyên nhân khiến người thầy thuốc sai lầm, y thuật không thể tiến bộ được như hám lợi, ích kỷ, thủ đoạn, lười nhác, kiêu ngạo tự mãn, thiếu lòng yêu thương, thông cảm đối với người bệnh.
Nhân cách khoa học của Lê Hữu Trác khiến cho những lời "Y huấn cách ngôn" của ông trở nên có sức thuyết phục mạnh mẽ. Lời nói của ông xứng đáng khắc vào bảng vàng để muôn đời con cháu suy ngẫm: "Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là nghề bảo vệ sinh mạng con người(…). Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học nghề cao quí đó chăng".
Ông còn viết: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công". Bao thế hệ thầy thuốc tự xem là học trò của ông đã không chỉ tâm niệm những lời dạy của ông mà còn coi ông là tấm gương để suốt đời phấn đấu. Lê Hữu Trác là một nhân cách vượt thời đại với những phẩm chất dân chủ, nhân đạo, văn minh ngời sáng.
Về lại Sơn Quang, Hương Sơn hôm nay, sông núi ngàn năm vẫn thế mà tiền nhân đã vắng bóng. Nhưng "Thác là thể phách, còn là tinh anh", Hải Thượng Lãn Ông đã cùng sông núi trường tồn.
CAND.COM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang