ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013


Những bệnh cần phải hạn chế “chuyện ấy”

 Quan hệ tình dục cũng giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Đói thì ăn, khát thì uống, điều độ là điều quan trọng. Việc hòa hợp quan hệ tình dục giữa vợ và chồng là điều quan trọng mang lại hạnh phúc gia đình.
          Đời sống tình dục chịu ảnh hưởng của nhiều bệnh tật không chỉ về thể chất mà cả về tâm lý, xã hội. Sự hiểu biết sẽ giúp các cặp vợ chồng thích ứng với những khó khăn do bệnh tật gây ra, để vẫn được hưởng vị ngọt của tình yêu.


Sau đây là một số điều cần chú ý về chuyện phòng the ở người bệnh:

Cao huyết áp

Bệnh nhân giai đoạn đầu vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng bình thường. Các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim... nếu xảy ra là do trùng hợp chứ không phải vì chuyện ấy. Tuy nhiên, những bệnh nhân cao huyết áp giai đoạn 3, có suy tim hoặc đau thắt ngực thì cần kiêng.

Bệnh nhân cao huyết áp cần lưu ý là trong sinh hoạt tình dục, họ có thể bị rối loạn cương cứng do những thay đổi ở mạch máu hoặc tác dụng phụ của thuốc hạ áp.

Viêm khớp

Cảm giác đau và sự hạn chế cử động gây trở ngại cho hoạt động tình dục, khiến người bệnh chán nản, trầm cảm, không quan tâm đến tình dục nữa. Thuốc chữa viêm khớp cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục. Bệnh nhân nên thử quan hệ vào những thời điểm ít đau, ít cứng khớp nhất trong ngày, dùng thuốc giảm đau trước đó 1 giờ.

Tiểu đường

Nam giới bị bệnh tiểu đường có thể bị rối loạn chức năng cương cứng do biến chứng liên quan đến các mạch máu nhỏ hoặc các dây thần kinh. Phụ nữ mắc bệnh này cũng hay bị viêm âm đạo do nấm, gây đau hoặc khó chịu khi quan hệ. Chỉ khi điều trị tốt viêm âm đạo do nấm, chức năng tình dục mới có thể phục hồi.

Nhồi máu cơ tim

Sau cơn nhồi máu 2-3 tháng, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nỗi lo bệnh tái phát thường làm cho nam giới giảm khả năng cương cứng. Những bệnh nhân đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành cũng cần thận trọng trong chuyện chăn gối, nhưng thời gian kiêng cữ có thể ngắn hơn.

Suy tim

Với người bệnh suy tim độ 1 và 2, quan hệ tình dục một cách chừng mực sẽ lợi nhiều hơn hại vì đây là một hoạt động thể lực tương đối nhẹ, giúp phục hồi chức năng và có tác dụng tâm lý tốt. Nếu bị suy tim độ 3 trở lên, việc ái ân cần hạn chế hơn, nếu thấy mệt (nhất là khi thấy khó thở) là phải ngừng ngay. Với những người suy tim độ 4, có những thời kỳ nên kiêng hẳn.

Đột quỵ

Hầu hết bệnh nhân sau đột quỵ đều suy giảm chức năng tình dục, giảm tần suất và khoái cảm, rối loạn cương cứng... Lúc đầu, trở ngại chủ yếu là yếu tố cảm xúc, sau mới là vấn đề thể chất. Tùy từng trường hợp, bệnh nhân cần được thầy thuốc điều trị tư vấn cụ thể.

Bệnh thận

Bệnh suy thận mạn tính gây biến đổi chức năng tình dục ở cả nam và nữ. Việc điều trị tốt (kiểm soát urê máu, ghép thận) có thể giúp cải thiện điều này.

Bệnh về tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt phì đại thường đi kèm với suy giảm chức năng tình dục; còn chứng viêm tuyến tiền liệt thường cản trở quan hệ vì gây đau. Việc ngâm mông trong nước ấm, dùng kháng sinh liệu pháp... có thể giảm đau và giúp phục hồi đời sống vợ chồng.

Chú ý: Khó có thể vượt qua những trở ngại mà bệnh tật gây ra đối với hoạt động tình dục nếu bệnh nhân không có sự khích lệ, giúp đỡ của người vợ hoặc người chồng.

Theo BS Đào Xuân Dũng
Sức khỏe & Đời sống 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang