ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Đông và Tây, Hai Cách Nhìn và Nghiên Cứu về Y Học
    .......
  
      Trước khi tìm hiểu về y lý Y Học Cổ Truyền, tôi muốn đưa ra sự khác biệt giữa Đông và Tây nhìn về một bệnh khác nhau ở chỗ nào? Sở trường và sở đoản ở đâu? Và chúng ta phải dùng sự lý luận và thông minh của mình để khi nào thì dùng Đông hay Tây Y để khỏi hối hận một khi bước vào đường cùng, rồi cứ như con ngựa bị che mắt, cứ giao thân phận cho thầy thuốc, đôi khi còn phải chịu trận trong sự đau khổ với bệnh tật hay phải giã từ người thân một cách oan uổng.

Chúng ta thường nghĩ Y Khoa Đông Phương có tính cách trừu tượng, thiếu tính cách khoa học, thuần lý, không thí nghiệm được, thậm chí có người còn gán cho như là một tôn giáo, đôi khi mê tín…

Những luận chứng này chỉ có tính cách hời hợt, không có chiều sâu:

- Nếu nói Y Khoa Đông Phương là trừu tượng, thì vũ trụ này biết bao nhiêu lý thuyết trừu tượng, nhưng sẽ từ từ trở thành rõ ràng với thời gian. Thí dụ: Đức Phật có nói trong giọt nước có muôn ngàn chúng sinh, thời đó thì quả thật là trừu tượng, nhưng ngày nay đã tỏ rõ như ban ngày.

- Lý thuyết Âm Dương tuy là trừu tượng nhưng theo thời gian khoa học ngày nay đã nhìn được rõ ràng tính chất Âm Dương đó và cho nó hai ẩn số là 0 và 1. Cũng chỉ hai ẩn số này, chúng ta đã dùng nó rất nhiều trong khoa học và những thập niên gần đây đã áp dụng vào hệ thống điện toán vô cùng kỳ diệu. Như vậy, y lý Đông Y, Âm và Dương cũng không còn trừu tượng nữa và cũng không còn tính cách huyền hoặc và mê tín như một số người đã gán cho nó.

- Lý thuyết Đông Y có tính cách thuần lý cũng không sai vì lý luận của Đông Y đặt trên Âm Dương và ngũ hành. Người thầy thuốc phải nắm vững về Âm Dương và ngũ hành trong khi định bệnh và chữa bệnh. Muốn thấu hiểu được Âm Dương và ngũ hành và đem ra áp dụng ít nhất cũng phải tốn bốn năm đại học tại Mỹ (tôi đã có dịp học Y Khoa Đông Phương với những vị bác sĩ Tây Y khả kính và nổi tiếng trước kia tại VN cũng phải mất thời gian và liên tục học hỏi sau vài năm mới định được bệnh và mới chấp nhận là đúng). Học không chưa đủ, còn tùy thuộc vào sự nhận thức và bén nhạy chẩn đoán của từng thầy thuốc đúng hay sai, nhiều hay ít, do đó kết quả chữa trị lâu hay mau, nhiều hay ít là như vậy. Lý thuyết Âm Dương đã mang tính trừu tượng, phải học và tìm hiểu những tính chất trừu tượng đó cho đến khi nắm được. Bước thứ hai là đem ra áp dụng cũng cần phải thực hành và học hỏi những bậc tiền bối một thời gian, cho tới khi nào nhuần nhuyễn mới tạm gọi là thầy thuốc. Tôi muốn nói khi chúng ta ăn và nuốt thức ăn vào, chúng ta không còn nghĩ chúng ta đang ăn, đang nuốt nữa, mà ngon hay không ngon mà thôi. Thầy thuốc khi chữa bệnh cũng phải nhuần nhuyễn như vậy. Có nghĩa là cho thuốc mong bệnh nhân báo cáo hết nhiều hay ít? Tại sao như vậy, vì mỗi cơ thể và hoàn cảnh mỗi người mỗi khác và bệnh tình nặng nhẹ khác nhau.

- Thiếu tính cách khoa học: Khoa học và triết học có những quy luật chung, nhưng khi áp dụng vào từng ngành thì có những quy luật riêng. Hơn nữa, ngày nay phương pháp khoa học chuyên môn phát triển vô cùng phong phú và đã được áp dụng vào Y Khoa Đông Phương, chẳng hạn như mạch lý mà xưa kia và ngay bây giờ có nhiều người vẫn cho là mơ hồ, không thể hiểu nổi. Ngày nay, con người đã biết sử dụng những dụng cụ khoa học “oscilloscope” đưa lên màn hình những đồ biểu của mạch lý, để thầy thuốc hay bệnh nhân nhìn thấy một cách rõ ràng. Tuy nhiên, đây chỉ là những biểu thị căn bản, còn những mạch lý phức tạp vẫn cần tới thầy thuốc, có nghĩa là con người vẫn là chính để tìm hiểu và đưa ra phương thức chữa bệnh…

- Việc gán ghép Y Học Cổ Truyền có tính cách tôn giáo là hoàn toàn không đúng. Tin vào thầy thuốc chữa bệnh thì một bệnh nhân theo Đông hay Tây Y gì cũng cần phải có niềm tin vào người thầy thì bệnh tình mau lành. Đó là chuyện bình thường. Còn tôn giáo ngoài niềm tin còn có tính cách siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi liên quan đến niềm tin đó. Y Khoa Đông Phương hoàn toàn không có những điều này. Còn mê tín chữa bệnh theo cúng bái, tàn nhang, nước thải là do con người tự tạo ra, và con người không còn tự chủ được mình một khi gần đất xa trời, nghe thấy ai nói là tin ngay và giao thân cho họ, là tại mình, chứ Y Khoa Đông Phương có y lý rõ ràng và những bài thuốc được phân loại theo bát cương: âm dương, biểu lý, hàn nhiệt, hư thực; mạch lý có tứ chẩn: phù, trầm, trì, sác… Như vậy đâu có thể kết luận thầy thuốc Đông Y chữa bệnh theo mê tín được.

- Y Học Cổ Truyền không thực nghiệm được: Đúng mà không đúng. Thuốc Đông Y cũng do những dược thảo, mà Tây Y lấy tinh chất làm thành và ngày nay đã dùng những dược thảo mà Đông Y đã dùng nhiều ngàn năm, tinh chế thành những loại thuốc mới và đã phân tich theo khoa học tìm được những chất bổ dưỡng, những vitamine cần thiết cho cơ thể, mà Đông Y đã dùng nhiều năm qua. Tuy nhiên khoa học cũng vẫn chưa thí nghiệm được vì Đông Y còn dựa trên khí hóa, âm dương hiện diện trong vũ trụ và ngay trong con người mà dụng cụ hay cơ sở vật chất chưa đủ để phân tích và khám phá ra được; chẳng hạn, nhân sâm đem phân tích không thấy nhiều chất bổ dưỡng, nhưng chúng ta uống thấy khỏe là như vậy. Những loại nhân sâm ở Tây Bá Lợi Á hay Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) khí trời lạnh, cần phải lấy dương khí để sống là loại dược thảo bổ khí rất tốt. Khi uống chúng ta thấy ấm áp và phấn chấn cũng như khỏe khoắn hơn.

Hai Cách Suy Luận

Đông Y dùng thuật ngữ mà người phương Tây nghe chói tai như: phong, thấp, táo, nhiệt… Tuy khác biệt về ngôn ngữ nhưng chữa trị kết quả giống nhau. Thí dụ: Tây Y không nhận ra thấp, nhưng có chữa trị cái mà Đông Y gọi là thấp nhiệt. Tây Y không dùng danh từ hỏa, nhưng có thể chữa trị cái mà Đông Y gọi thân hỏa vượng, ảnh hưởng tới phế. Tây Y coi phong không phải là nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng thực ra họ đã ngăn ngừa được gan phong đưa lên trên đầu và họ đã dập tắt được phong xâm nhập vào da. Tuy diễn tả khác nhau về ngôn ngữ nhưng chữa trị lành bệnh giống nhau. Tây Y quan tâm vào sự cô lập vi trùng hay vi khuẩn và tiêu diệt chúng. Thí dụ: Mổ trên đầu để loại bỏ một cục bướu đơn thuần. Đông Y tập trung vào hội chứng, triệu chứng rồi đưa ra phương cách chữa trị; tập trung vào nguyên nhân gây ra bệnh. Bệnh có thể ảnh hưởng nhiều phần trong cơ thể và sự liên quan này có thể định bệnh chính xác hơn và cho thuốc nhiều hay ít, dẫn vào những vùng mà tạng phủ thụ bệnh.

Đông Y tập trung vào sinh lý và tâm lý bệnh nhân, môi trường sống, công ăn việc làm, các triệu chứng. Tất cả những sự kiện này gọi là hội chứng, đem ra so sánh mà định bệnh để chữa trị, hay còn gọi là sự mất quân bình tạng phủ của từng bệnh nhân. Đông Y định bệnh không chú tâm vào bản chất của bệnh và những chi tiết gây ra, nhưng trợ giúp nhẹ nhàng làm gia tăng sức đề kháng bằng cách cho thuốc uống tổng quát, nhưng vẫn tập trung vào nơi thụ bệnh của tạng phủ.

Câu hỏi nguyên nhân và hậu quả chỉ là phụ mà câu hỏi chính là cái gì liên quan giữa x và y, chứ không phải là x sinh ra y. Đông phương chú tâm vào tổng thể hơn chi tiết, tập trung vào hội chứng và sự mất quân bình mà đưa ra phương thức chẩn trị và hồi phục lại sức khỏe.

Chúng ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn bằng cách định bệnh và chữa trị một số bệnh nhân nhức đầu và đau bụng do loét bao tử gây ra được bệnh viện tại Trung Hoa trong lâm sàng cho biết:

Thí dụ: Một bệnh nhân nhức đầu, dĩ nhiên nhức đầu là do vùng đầu khí huyết không thông, hay bị ung bướu…

Đông Y định bệnh nhức đầu do tạng phủ nào gây ra nhức ở vùng nào trên đầu: Nhức đầu phía trước trán thường liên quan tới bao tử; nhức hai bên đầu liên quan tới gan và mật; nhức đỉnh đầu liên quan tới thận; nhức sau ót liên quan tới bàng quang. Sau khi định được tạng phủ nào gây ra nhức đầu rồi mới định nhức đầu do khí, huyết, phong, thấp, hàn hay nhiệt…

Đối với bác sĩ Tây Y, bịnh đau bao tử được chẩn đoán sau khi soi và chụp quang tuyến tìm ra bị loét bao tử. Các bác sĩ chỉ nhìn cái ngọn mà không tìm nguyên nhân nào gây ra loét bao tử và dĩ nhiên cho thuốc các bệnh nhân giống nhau. Ngược lại, các bác sĩ Đông Y định bệnh đau bao tử của các bệnh nhân này theo tuần tự như sau: Xem xét chỗ bị đau, xem sắc diện, lưỡi, xem xét các yếu tố ăn uống, ngủ nghỉ, mạch… để truy tìm nguyên nhân gây ra bệnh.

Thí dụ 1: Bệnh nhân cảm thấy đau gia tăng khi được ấn bụng, nhưng khi chườm khăn lạnh thì bệnh nhân cảm thấy dễ chịu. Bệnh nhân này cơ thể cường tráng, mặt hồng, tiếng nói sang sảng, bị táo bón và nước tiểu vàng, rêu lưỡi bệnh nhân vàng và trơn, mạch trường và huyền. Bác sĩ Đông Y dựa vào hội chứng này định bệnh: Thấp nhiệt trong tỳ.

Thí dụ 2: Bệnh nhân có thân thể gầy gò, mặt tái mét, gò má đỏ, lòng bàn tay hay chảy mồ hôi, ngủ chập chờn về đêm, hay tiểu đêm, lạnh chân, ra mồ hôi đêm, hay lo sợ và mệt mỏi nhất là về chiều, lưỡi khô và đỏ, mạch sắc và vi. Bác sĩ định bệnh là Âm suy ảnh hưởng bao tử.

Thí dụ 3: Bệnh nhân khi được nắn bóp và cứu thì cảm thấy bớt đau nhưng các biện pháp này chỉ giúp chút chút, bệnh nhân vẫn thấy khó chịu. Bệnh nhân có dấu hiệu giảm đau sau khi ăn, nhưng cũng chỉ tạm thời. Bệnh nhân sợ lạnh, mặt xanh, tự nhiên ra mồ hôi ban ngày và ngủ rất nhiều, nước tiểu trong và đi nhiều lần, hay thức dậy giữa đêm mặc dù là bàng quang không có nước tiểu, hay e lệ và sợ sệt, lưỡi ướt và hơi trắng, mạch khổng. Bác sĩ định bệnh là thoát hỏa ở trung tiêu.

Thí dụ 4: Bệnh nhân than đau quặn, di chuyển cảm thấy nặng nề, chườm nước nóng thì giảm đau, nhưng xoa bóp bụng lại thấy khó chịu, mặt trắng bệch, đi cầu phân lỏng, rêu lưỡi trắng và dày, mạch huyền và hoạt. Bác sĩ định bệnh là quá nhiều thấp làm ảnh hưởng tỳ và vị.

Thí dụ 5: Bệnh nhân đánh hơi rất nhiều và đau đầu, cơn đau như bị dao đâm, nắn bóp thấy dễ chịu, dùng nóng hay lạnh áp dụng không hiệu quả. Bệnh nhân hay lo âu, giận dữ, buồn nản và đối với bệnh nhân nữ cơn đau gia tăng vào kỳ hành kinh, lưỡi bình thường, mạch huyền. Bác sĩ định bệnh là gan khí phạm tỳ.

Thí dụ 6: Bệnh nhân đau dữ dội và cơn đau như dùi đâm vào bao tử, đôi khi lan qua đàng sau. Bệnh nhân cảm thấy đau hơn khi ăn vào và khó chịu khi ấn nhẹ vào bụng; đôi khi bị nôn mửa ra máu tươi hay đi cầu ra phân đen như bùn và tanh mùi máu. Bệnh nhân gầy gò và sắc mặt trắng bạch, lưỡi màu tím thẫm và hai cạnh đỏ, mạch sáp, được định là mất quân bình gây ra huyết ứ trong bao tử.

Đông Y nhìn hội chứng và triệu chứng trong khi Tây Y không quan tâm tới. Cho nên chỉ định có một bệnh là loét bao tử.

Sau đây mời quý vị theo dõi và suy ngẫm về sự nhận thức của bác sĩ Andrew Weil, M.D., tốt nghiệp tại đại học nổi tiếng Harvard, Boston viết và tôi phỏng dịch như sau:

”Để tôi đưa ra một thí dụ tại sao có sự khác biệt về triết lý, dẫn tới sự khác biệt về thực hành. Ở phương Tây, khoa Tây Y chú trọng chính vào sự tấn công từ bên ngoài của bệnh tật và phát triễn những phương pháp và dụng cụ chế ngự nó. Nhờ vào sự khám phá tuyệt vời của trụ sinh trong bán thế kỷ qua và với sự chiến thắng những bệnh tật do vi trùng gây ra bằng trụ sinh đã chế ngự tâm trí con người và đã thuyết phục được hầu hết mọi người rằng thuốc Tây với kỹ thuật sản xuất tối tân là hiệu quả nhất, không cần biết về tốn kém. Trong khi đó Đông Y, nhất là tại Trung Hoa, Đông dược đã có phần khác biệt về mục đích. Người Á Đông đã nghiên cứu làm sao gia tăng sức đề kháng của cơ thể, và chúng ta có thể giữ được khỏe mạnh bằng cách đề phòng bệnh tật. Trong sự học hỏi của bác sĩ Đông Y đã khám phá ra sự tự nhiên của thiên nhiên là chất bổ dưỡng cho cơ thể . Mặc dầu Tây Y đã phục vụ sức khỏe cho con người rất tốt trong nửa thề kỷ qua, nhưng nói về lâu về dài thì sự hữu hiệu không còn như mong muốn khi so sánh với Đông Y.

Cái vũ khí nguy hiểm có thể ngấm ngầm đốt cháy gây nên thương tổn đối với ai dùng nó, và nó có thể gia tăng dữ dội đối với kẻ thù. Thực sự những bệnh nhiễm trùng, các bác sĩ chuyên khoa trên thế giới ngày nay đã đôi khi phải bó tay bởi sự chống trả lại của những vi trùng. Vừa ngày hôm nay, tôi đã nhận được một bản tin nghiên cứu lâm sàng của các bác sĩ tại Đại Học Y Khoa Arizona, nơi tôi giảng dạy, đã chính thức ra thông báo về sự chống lại của vi trùng và vi khuẩn là: “Tai họa mới” như sau: Trong khi sự tiêu diệt những vi trùng và vi khuẩn được coi như ”thuốc kỳ diệu” của bán thế kỷ XX, các trung tâm nghiên cứu và chẩn trị đang nhức nhối và lo ngại về sự chống lại của những vi trùng đối với thuốc là vấn đề chính trong lâm sàng. Có nhiều giải pháp đã đưa ra. Trong kỹ nghệ thuốc Tây đang cố gắng khám phá thuốc mới, ít bị ảnh hưởng đối với sự chống lại của vi trùng. Thật là bất hạnh khi các vi trùng đã phát triển nhanh, chống lại sự đề kháng của cơ thể... ngay cả với bệnh nhân tại bệnh viện đã được áp dụng tuyệt đối những thủ tục kiểm soát nhiễm trùng. Những nhân viên làm việc trong trung tâm chăm sóc sức khỏe cần phải biết sự chống lại của các vi trùng và vi khuẩn đang gia tăng phi mã trong lâm sàng trị liệu và ảnh hưởng trực tiếp tới sự vô vọng mà bệnh nhân phải chấp nhận. Có nghĩa là bệnh nhân sẽ chết vì bị nhiễm trùng mà bác sĩ không thể chữa bằng trụ sinh được nữa. Thực sự trụ sinh đang xuống dốc thê thảm và những bác sĩ chuyên môn đang cố gắng tìm phương cách nào đó để trị liệu thay vì chúng ta không còn bao lâu để lệ thuộc vào nó.

Chúng ta có thể quay lại những phương pháp đã được dùng trong bệnh viện vào thập niên 1920 tới 1930 trước khi có trụ sinh như áp dụng cách ly tuyệt đối, hy vọng tương lai gần phải thay đổi quan niệm để phối hợp và áp dụng trở lại trong triết lý Tây Y.

Trong khi đó sự kháng cự của vi trùng đã không xảy ra đối với chất bổ dưỡng dùng trong Y Khoa Đông Phương, bởi vì Đông Y đã không dùng thuốc đánh thẳng vào vi trùng, mà là gia tăng hệ phòng thủ và ảnh hưởng tới tế bào của hệ miễn nhiễm, giúp bệnh nhân chống lại mọi sự nhiễm trùng mà không trực tiếp chống lại vi trùng. Ngoài ra trụ sinh chỉ ảnh hưởng chống lại vi trùng, không dùng cho những bệnh tật gây ra bởi vi khuẩn. Sức mạnh của Tây Y không còn khả năng để chống lại vi khuẩn thấy rõ ràng ở bệnh AIDS.

Đông dược quan niệm gia tăng sự đề kháng bằng cách phòng bệnh và cho rằng cơ thể có khả năng đề kháng tự nhiên chống lại mọi loại vi trùng bệnh tật. Nếu chúng ta áp dụng thì đã không bị khủng hoảng về săn sóc y tế như ngày nay, bởi vì phương pháp này đã biết lợi dụng khả năng tự nhiên lành bệnh, đỡ tốn kén rất nhiều so với Tây Y ngày nay và cũng an toàn, hiệu quả hơn đối với thời gian.

Tây Y chú tâm vào dập tắt bệnh tật, trong khi Đông Y chú trọng vào tự nhiên khỏi bệnh của cơ thể mà trời ban cho. Nguồn gốc bệnh là ngoại cảnh, còn lành bệnh là tự nhiên. Danh từ lành bệnh có nghĩa là tổng thể (making whole) có nghĩa là lấy lại sức lực và quân bình lại Âm Dương. Tôi rất thích thú theo dõi những chuyện bệnh nhân tự nhiên hết bệnh và tôi nghĩ quý vị cũng vậy. Có thề trong cuộc đời quý vị cũng đã có gặp trường hợp tự nhiên hết bệnh là thường, ngay cả ung thư cũng thế. Đối với trường hợp này các bác sĩ Tây Y tại các trung tâm trưởng cũng chỉ cười xoà và cho là kỳ diệu, và nghĩ có thể chỉ là tạm thời thay vì vĩnh viễn. Điều gì đã xảy ra khi một số người lành bệnh do cầu nguyện, phải chăng là cơ thể tự điều chỉnh?

Bác sĩ Andrew Weil, M.D. muốn kêu gọi sự lưu tâm chung về bản chất tự nhiên từ bên trong làm khỏi bệnh, mặc dầu khi chúng ta chữa trị, chúng ta phải áp dụng các phương pháp mang tới kết quả tốt hơn. Những kết quà này được thể hiện chẳng qua do sự kích động tự nhiên mà lành bệnh dù dưới bất cứ tình huống nào, cơ thể có thể tự điều động, không cần bất cứ sự kích thích nào từ bên ngoài. Nếu chúng ta có sức khoẻ tốt, chúng ta nên tìm hiểu về hệ thống tự chữa trị của thân thể nhằm tăng cường những điều kiện tốt này. Khi chúng ta bệnh hay người thân của chúng ta bị bệnh, chúng ta cần bìết về hệ thống này vì nó là tốt nhất để phục hồi sức khỏe.

Bác sĩ đã đưa ra những trường hợp tự nhiên lành bệnh mà những chứng cớ vẫn còn trong hồ sơ bao gồm cả những sự bất đồng ý kiến mà bạn có thể tìm thấy tại bất cứ tổ chức nào của khoa sinh vật học. Những phương pháp tự định bệnh, tự lành bệnh vẫn hiện hữu trong con người. Các loại thuốc biết lợi dụng tính tự nhiên lành bệnh thì kết quả gia tăng hơn là dùng thuốc để dập tắt. Trong bài này có nhiều câu chuyện về người bệnh đã lành bệnh tự nhiên mà tôi đã chứng kiến; những người bệnh đã được các bác sĩ tiên liệu là không còn phuơng cứu chữa và chỉ còn sống từng giờ, từng ngày lại có thể biến chuyển khả quan với phương pháp chữa trị cổ xưa. Và tôi đang thực hiện những điều đó. Tôi rất thích thú với những trường hợp đặc biệt này và tôi càng ngày càng có nhiều trường hợp và tôi tin tưởng bất cứ ngưòi nào hướng tới sẽ tìm được những phương pháp chữa trị khác nhau. Tự hết bệnh thường xảy ra, không phải họa hoằn. Chúng ta có thể vô cùng ngạc nhiên về những tường hợp người bị ung thư tự nhiên hết bệnh, nhưng chúng ta phải chú tâm vào những hoạt động bình thường, hệ thống điều chỉnh tự nhiên của con người, như chữa trị những thương tích. Thực sự điều này là bình thường, ngày qua ngày làm việc của hệ thống tự điều chỉnh đề lành bệnh, vô cùng bình thưòng.

Chúng ta sẽ tìm thấy ở đây những sự kiện đã được sửa đổi trong cách sống để gia tăng sự tự lành bệnh của con người tới mức tối đa bao gồm: thức ăn, môi trường ô nhiễm, thể dục, giảm căng thẳng, vitamins, dược thảo phụ và những dược thảo bổ dưỡng. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn giữ cho sức khoẻ tốt. Và ông cũng đề nghị một chương trình tám tuần cho thay đổi cách sống và thói quen, những điều này sẽ giúp gia tăng sức mạnh của hệ thống tự điều chỉnh cho cơ thể lành bệnh.

Sau khi phân tích sự mạnh yếu của Tây và Đông Y và xác định những trường hợp khả tín đã dùng thành công cho bệnh nhân, bác sĩ đưa ra những đề nghị dùng phương pháp tự nhiên để giảm thiểu những loại bệnh thông thường, kể cả ung thư là loại bệnh đặc biệt, bởi đây là loại bệnh có nhiều hy vọng đối với tự điều chỉnh hết bệnh của cơ thể, nhưng chọn lựa cách chữa trị đòi hỏi phải phân tích cẩn thận về điều kiện của mỗi bệnh nhân. Những sự nghiên cứu về các toa thuốc thường dùng phải uyển chuyển cân nhắc sao cho các trường đại học y khoa hiện tại đồng ý thay đổi để thích hợp với phương pháp trị liệu, làm gia tăng sức khỏe và phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cho tới ngày nay, một số các bác sĩ và các nhà khoa học đã lưu tâm tới những trường hợp tự nhiên hết bệnh. Khái niệm bên trong tự diều chỉnh hết bệnh không còn mơ hồ và xa lạ đối với họ nữa. Ông khẳng định rằng: “Chúng ta càng nắm vững những khái niệm; chúng ta càng có nhiều kinh nghiệm về tự nhiên hết bệnh trong cuộc sống thì chúng ta càng ít phải dùng tới thuốc, vì nó không cần thiết và đôi khi có phản ứng không lường và tiêu phí nhiều tiền bạc. Y Khoa Đông Phương đã phục vụ chúng ta tốt hơn nền Y Khoa hiện đại vì nó an toàn, bảo đảm, và rẻ hơn. Tôi nói ra điều này trong sự cố gằng để giúp mang nó vào Y Khoa hiện tại”.

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang