ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Khi những người không biết chữ hành nghề "thuốc"

Người đàn bà Dao dù đã ở cái tuổi 60 nhưng giọng nói vẫn oang oang, đôi mắt tinh tường, miệng nhai trầu bỏm bẻm cứ lắc đầu quầy quậy khi tôi hỏi nghề thuốc nam có tự bao giờ: “Không biết được đâu. Từ khi sinh ra ở cái núi Yên Sơn này, trẻ con trong bản, kể cả những đứa thò lò mũi xanh, đứa nào cũng biết phân biệt được đâu là cây thuốc cứu người lẫn trong bạt ngàn lá cỏ của núi rừng rồi.”. Thế rồi, thấy tôi miệt mài ghi ghi chép chép, bà Đặng Thị Hoà - một trong những gia đình có nghề trồng thuốc nam lâu đời nhất thôn Yên Sơn, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội bỗng ngừng nhai trầu, một mực kéo nhà báo ra thăm vườn thuốc quí trồng đằng trái nhà và sôi nổi giới thiệu công dụng của từng loại cây thuốc. Người Yên Sơn, thế hệ này tiếp đến thế hệ khác, cả những người biết chữ và không biết chữ vẫn duy trì được nghề thuốc nam cho đến tận bây giờ.
Gian nan tìm thuốc




Chiều muộn trên núi rừng xã Yên Sơn vẫn có tiếng ồn ào, rộn rã của những người mưu sinh trở về nhà sau những ngày rong ruổi khắp các nẻo đường rao bán thứ thuốc làm từ cây cỏ ngàn đời của người Dao trị bệnh cứu người. Người già trong bản cứ tỉ mỉ dặn đi dặn lại chúng tôi cứ leo lên cái dốc cao nhất của đoạn đường gập ghềnh đá sỏi thôn Yên Sơn này là đến nhà người trồng thuốc Nam lâu đời nhất, nổi tiếng nhất xã mà đã có lần được quay lên Tivi trung ương rồi đấy.
Nhà của bà Hòa cũng như bao nhiêu ngôi nhà lợp lá của người Dao khác, nhỏ bé, đơn sơ và luôn ăm ắp mùi thơm ngọt của cây thuốc quí. “Hầu hết những cây thuốc này đều phải lên núi Ba Vì tìm kiếm. Nhưng cũng có loại thuốc quí như cây củ dòm, quả ké…mà ở Yên Sơn không có, phải lặn lội lên tận Hoà Bình, Lào Cai, Hương Sơn, Hà Tĩnh mà lấy về” - bà Hoà, người vừa đi bán thuốc tận Hoà Bình về vừa tất tả gói ghém những thang thuốc hình vuông vuông vào góc nhà vừa sôi nổi trò chuyện với chúng tôi. Cứ theo như lời của người đàn bà Dao đã có gần trọn cả cuộc đời gắn bó với nghề làm và bán thuốc Nam thì cái nghiệp đi kiếm thuốc cũng gian nan chẳng kém gì cuộc hành trình đi tìm cái vật quí giữa thiên nhiên núi rừng nhiệt đới nước Việt này.
Sớm tinh mơ nào cũng vậy bà Hoà lại cùng anh con trai thứ 3 là Lý Sinh Hữu và con dâu lên núi kiếm thuốc cho đến khi mặt trời xuống núi, tối mít mới về nhà. Có những chuyến đi xa, cả nhà phải khăn gói lên tận Tân Lạc, Hoà Bình hay lên Lào Cai, Vĩnh Phúc…vài ba ngày tìm cây thuốc. Người đi hái thuốc phải lần rừng, vạch lá, bấm chân lên hốc đá mà đi bởi “có những cây thuốc chỉ mọc ở bờ rào, nhưng cũng có cây lại mọc ở hốc đá hay cheo leo ở vách núi” nên “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra là chuyện như cơm bữa. Những hôm trời mưa, đường rừng trơn tuột như bôi mỡ, người đi tìm thuốc cứ mắm môi mắm lợi bấm chân vào đất vào khe đá mà đi, đi được mươi bước lại trượt chân ngã. Bà Hoa cười xoà, xoè đôi bàn tay rám nắng, chi chít những vết xước ra nói với tôi “Đấy là gai thuốc cào đến tứa máu tay, có hôm đau buốt lắm cô ạ”. Dường như cái nghề thuốc bắt người ta phải gian khổ, chịu khó, tỉ mẩn đến nỗi quen đi rồi nên sức khoẻ của bà cũng dẻo dai lắm “Ở cái tuổi 60 như tôi, ông nhà tôi đã yếu lắm rồi, chỉ ở nhà phơi thuốc thôi. Nhưng từ nhỏ, tôi đã chẳng biết ốm đau sổ mũi là gì, bây giờ, vẫn phăm phăm gùi những tải thuốc nặng 50-60 cân leo núi ấy chứ”.

Thấy bà nói hăng, ông Lý Văn Thành chỉ cười mủm mỉm mà tiếp lời vợ “Nghề thuốc đòi hỏi người ta phải có sức khoẻ và sự kiên trì, bởi đi kiếm thuốc, cũng giống như chơi đỏ đen, có hôm may mắn còn tìm được nhiều, nhưng cũng có ngày trở về chẳng được là bao. Ngày trước, khi còn sức khoẻ, tôi đi hăng lắm, cứ nhìn thấy cây thuốc quí là tìm mọi cách để lấy về, nhưng rồi một lần cố với cây củ dòm mọc ở vách đá nên trượt tay, ngã gãy chân, từ đó mà con cái ngăn không cho đi nữa. Đi lấy thuốc, cũng đồng nghĩa với việc tình nguyện hiến máu cho vắt và muỗi rừng, có hôm trời ẩm, đi hái thuốc về, vén ống quần lên thì ôi thôi chi chít những con vắt đen sì căng mọng đang bám chặt vào bắp chân.”

Thuốc nam có hàng trăm loại, thế nên dẫu đã theo nghề thuốc được hơn 30 năm nhưng anh Lý Sinh Hữu vẫn chưa thể phân biệt được hết các loại cây thuốc, “Như mẹ tôi, chỉ cần nhìn thoáng qua là đã gọi tên được cây thuốc rồi”. Người Dao phân biệt thuốc bằng mắt, lấy thuốc bằng tay và những dụng cụ cũng đơn sơ lắm. “Cây ở xa, vách núi thì dùng gậy, que để kéo về, có cây lấy củ như cây khúc khắc lại dùng đến cuốc, thuổng”. Nếu muốn đi xe máy lên núi để chở hàng tạ cây thuốc tươi về, người ta phải tháo hết gương và yếm bởi đường núi hiểm trở vô cùng. Kể cho chúng tôi nghe những gian khó khi đi lấy thuốc, thế nhưng gia đình ông bà Hoà ai nấy đều cười hề hà như ngồi ôn lại những kỉ niệm đầy thú vị bởi lẽ đó là công việc thường ngày tự lâu đời mà từ khi sinh ra người Dao đã gắn bó và mưu sinh rồi. Và cho dù, mỗi thang thuốc nam là sự tổng hợp của hàng chục vị, được đánh đổi bằng bao nhiêu mồ hôi, công sức, thậm chí là cả tính mạng của người làm ra nó nhưng chỉ được bán với giá từ 15 – 30.000 đ thì người Dao vẫn đời đời gắn bó và duy trì cái nghề truyền thống ấy bởi “người Dao, chỉ biết trồng măng, hái thuốc mà sống thôi” – bà Hoà bỗng ngưng cười mà thở dài thườn thượt nói với tôi như thế.
Rong ruổi bán thuốc
Kiếm được lá, cây, rễ thuốc, người Dao phơi khô, xắt thành từng miếng rồi lại gói thành từng gói vuông vuông mang đi khắp nơi để bán. “Chục năm về trước, khi nhà chưa có xe đạp, xe máy, tôi thường đi bộ hàng dăm chục cây số sang tận Hoà Bình để mang thuốc đi bán. Bây giờ, có anh con cả chở xe máy đi bán tận Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam …nên cũng đỡ đi cái sức người” – bà Hoà tâm tình “Người đi bán thuốc cũng như đi đánh cược với thiên hạ thôi. Có hôm may bán được nhiều, có hôm bán được ít lắm. Bây giờ người ta dùng thuốc tây nhiều hơn, vừa có tác dụng nhanh lại vừa tiện lợi”.
Rồi bà lại hồ hởi nói: “Nhưng cũng có nhiều người mắc bệnh dạ dày, ung thư, tiểu đường hay liệt nửa người…dùng thuốc tây hết loại này đến loại khác, bệnh viện trả về mà vẫn chữa khỏi được bằng thuốc Nam. Như ông Năm Nhàn hay bà Loan Đỏ ở xã Ba Vì nằm liệt giường hàng chục năm trời nhưng sau khi kết hợp, sắc thuốc, xoa bóp thuốc và tắm thuốc của người Dao thì đã bình phục hoàn toàn. Thuốc nam làm từ cỏ cây hoa lá đất trời nên tính lành, đặc biệt chữa bệnh hậu sản, thấp khớp, ung thư thì tốt lắm”

Mang cho tôi xem những tấm hình tươi tắn mới chụp cùng một tốp người Mường ở Hoà Bình và người Nùng ở Lào Cai, bà Hoà chia sẻ “Làm thuốc Nam, không chỉ học từ kinh nghiệm ông cha truyền lại mà còn phải trao đổi, học hỏi các bài thuốc mình chưa có với những người Nùng, người Mường nữa. Yên Sơn là xã người Dao duy nhất ở Ba Vì, Hà Nội có nghề làm thuốc Nam, nhưng dọc đất nước này thì nghề thuốc vẫn đang được người dân tộc truyền bí quyết trao đổi với nhau. Tôi thường xuyên đi Thanh Sơn - Phú Thọ, Tân Lạc – Hoà Bình…để học hỏi thêm những bài thuốc mà mình chưa có.” Lấy cho tôi xem một bức hình cũ khác, bà kể “Đây, năm kia tôi lên tận Sapa, Lào Cai tìm gặp bà Lý Mẩy Chạm, dân tộc Dao đỏ - người nổi tiếng chữa bệnh bằng thuốc nam khắp miền Bắc để học hỏi, thực tập liền 2 tuần cách dùng vị và bốc những thang thuốc quí chữa bệnh hiểm nghèo cho người bệnh.”
Nhìn ánh mắt bà lấp lánh niềm vui, nghe giọng bà sôi nổi kể về quá trình đi khắp đất nước để học hỏi nghề thuốc, tôi hiểu rằng hai chữ “lương y” của những người làm nghề chữa bệnh cứu người chính là sự say mê tìm tòi và niềm vui khôn tả khi tìm ra được phương thuốc quí cho dù chưa có một kết quả khoa học nào chứng minh rằng phương thuốc ấy có “quý” thật hay không. Dẫn tôi ra vườn thuốc nhỏ đằng trái nhà, bà giới thiệu “20 năm về trước, kiếm thuốc còn dễ, nhưng hái mãi rồi nó cũng hết dần đi nên chúng tôi phải đem một số cây thuốc quí về nhà trồng như xạ đen, củ dòm…Thế nhưng muốn kiếm thuốc, thì vẫn phải lên núi hái thôi, vì muốn trồng thuốc được nhiều loại thuốc thì cần nhiều vốn để cải tạo đất và mua phân bón về chăm sóc. Người Dao chúng tôi, bán thuốc còn không đủ tiền kiếm miếng thịt, miếng cá cho con cho cháu huống gì đầu tư chăm sóc cây”.
Cầm trên tay tờ Giấy chứng nhận đã học nghề thuốc nam ghi tên Đặng Thị Hoà của Sở y tế tỉnh Hà Tây - thứ giấy chỉ được cấp cho 10 người có tay nghề khá trong tỉnh, tôi cứ ước giá như tờ giấy đỏ này có thể đem lại cho người dân Yên Sơn một đường hướng cụ thể để phát triển nghề thuốc nam thành thứ thuốc có giá trị cao hơn, phổ biến hơn trong y học và đem lại thu nhập ổn định cho người dân quanh năm sống với núi rừng Yên Sơn này.
Bài và ảnh: Hà Giang
Nguồn:Vietimes năm 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang