BS Huỳnh Hải
---------------------------------------------------------------------
" Nay các con nên người
Mỗi đứa đi một ngả
Mình cha căn nhà xưa
Trông vừa quen vừa lạ
Không còn ngày gian khổ
Chỉ dư ngày tiêu điều
Vắng con như cây cỏ
Héo úa giữa quạnh hiu
Tuổi già ngồi ngẫm lại
Quý nhất của đời mình
Là ba đứa con dại
Cha
nuôi đến trưởng thành." Trích bài thơ
Ba Mươi năm sau củaVõ Hồng
|
Trong tập thơ
Tập thơ Thời Gian Mây Bay
|
---------------------------------------------------------------------
Kỳ 22
CON TÔI BỊ ĐAU THẮT LƯNG?
Nhiều bệnh nhân học cấp hai và cấp ba đến khám bệnh với lý do đau vùng cột sống thắt lưng. Người thân đưa cháu đi khám bệnh thường muốn bác sĩ cho chụp một phim X quang để biết xương khớp cháu có bệnh gì không. Hầu như đa số nếu không muốn nói là tất cả những cháu bị đau thắt lưng đến khám đều có kết quả X quang bình thường. Tại sao vậy? Như các bạn đã biết về giải phẩu đã nêu lên ở các mục trên, cột sống là một sự nối kết của nhiều đốt sống lại bởi các dây chằng ( dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau của các thân đốt sống, dây chằng vành nối các mỏm gai đốt sống ), giữa các đốt sống là đĩa đệm, bên ngoài là các cơ cạnh cột sống. Trên phim chụp cột sống thắt lưng, các thành phần này thường không thấy. Mà nguyên nhân đau lưng của lứa tuổi này là do ngồi nhiều, khi ngồi lại sai tư thế, hay gập lại ở vùng thắt lưng. Tình trạng ngồi sai tư thế trong nhiều ngày sẽ làm căng các dây chằng dọc sau, căng các cơ cạnh cột sống. Mà đơn giản hơn nữa, ngồi cúi người ra trước thì cũng giống như ai cầm cột sống của mình bẻ gập lại ở vùng thắt lưng trong thời gian dài. Và cách giải quyết như thế nào? Các bạn uống thuốc theo toa bác sĩ để giảm ngay cảm giác đau, mõi vùng thắt lưng. Sau đó phải điều trị nguyên nhân, đó là phải thay đổi thói quen, phải ngồi đúng tư thế và phải tập động tác ưỡn cột sống như đã nói ở mục “ Đau thắt lưng ”. Sau đây là các đặc điểm của tư thế ngồi đúng: - Đầu ở giữa hai vai - Cột sống cổ thẳng và không gập góc với cột sống ngực - Cột sống ngực phải thẳng hàng với cột sống thắt lưng và cột sống cổ - Hai cánh tay song song và phải kẹp gần sát hông. - Ghế phải có độ cao vừa phải để đùi song song với mặt đất - Hai cánh chậu có độ cao bằng nhau - Hai bàn chân đặt song song Các bạn nên luôn để ý và nhắc nhở các cháu ngồi đúng tư thế để hạn chế tình trạng đau thắt lưng, mỏi vai, cánh tay, cổ… Sau đây là những tư thế ngồi sai, các bạn nên lưu ý: Cúi khom người xuống do bàn quá thấp, ngồi tréo chân, ngồi gát chân, cổ gập xuống hay ngước lên cao, ngoẹo cổ sang bên, tư thế xoay người qua trái hay phải trong một thời gian dài, cánh tay dang quá xa khỏi thân mình…
KIỂM TRA SỨC KHÕE TỔNG QUÁT
Vài năm gần đây có rất nhiều người đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khõe. Đây là một việc làm tốt, có thể các bạn phát hiện sớm được nhiều bệnh và điều trị kịp thời. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp đến khám bệnh thông thường như cảm cúm, viêm phổi, tiêu chảy…mà lại tình cờ phát hiện những bệnh nan y như ung thư phổi, xơ gan cổ trướng…, bệnh mãn tính: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, cường giáp…Cho nên cần phải kiểm tra sức khõe tổng quát sớm. Nhưng tuổi nào thì bắt đầu nên đi kiểm tra sức khõe? và cụ thể là thực hiện các xét nghiệm gì? bao lâu cần phải kiểm tra định kỳ? Thưa các bạn có lẽ không có quy định nào để có thể trả lời chính xác và thống nhất những câu hỏi trên. Nhưng cơ thể con người giống như một bộ máy, dù bộ máy này có tinh vi, hoàn chỉnh hơn rất nhiều cổ máy khác. Tuy nhiên máy người và máy vô tri giống nhau một điểm là máy mới thì lúc nào cũng tốt hơn một cái máy đã xử dụng mấy chục năm. Thường cơ thể chúng ta khoảng ba mươi lăm tuổi thì các cơ quan như cơ, xương, khớp, gan, tim, thận, phổi… đã bắt đầu có thể có vấn đề. Theo ý kiến riêng của tôi, thì từ tuổi ba mươi lăm chúng ta nên cứ mỗi sáu tháng hoặc một năm nên đi kiểm tra sức khõe tổng quát. Khi đến kiểm tra các bạn nên nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lả, và buổi tối hôm trước không nên ăn trễ hơn 21giờ. Nhịn ăn như vậy thì khi xét nghiệm, kết quả đường, cholesterol, triglycerid mới phản ảnh đúng được tình trạng sinh hóa cơ thể. Ngoài việc xét nghiệm tìm đường, chất béo, các bạn có thể xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận. Nên siêu âm tổng quát để kiểm tra hình dạng, những bất thường của gan, lách thận. Các bạn nữ nên siêu âm phụ khoa, làm phết cổ tử cung để phát hiên sớm ung thư cổ tử cung. Chụp X quang tim phổi thẳng để phát hiện lao, ung thư ở giai đoạn sớm, chụp các xoang vùng mặt để xem các xoang có mờ không. Đo điện tâm đồ để tìm những bất thường nếu có ( nhịp, tần số, dấu thiếu máu cơ tim…). Đo huyết áp để phát hiện bệnh tăng huyết áp. Có thể xét nghiệm thêm HBsAg , SGOT, SGPT để tìm bệnh viêm gan siêu vi B. Tôi nghĩ chỉ cần như vậy thôi. Rồi tùy người có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác. Như người có thói quen uống bia rượu phải xét nghiệm thêm nồng độ acid Urid trong máu để tìm bệnh Gout là một loại bệnh khớp đồng hành với bia rượu, xét nghiệm men GGT xem tế bào gan có bị tổn thương do Acohol không, người có tần số mạch nhanh hơn 100lần/phút nên xét nghiệm T3, T4, TSH để tìm bệnh cường giáp… Có những bệnh nhân đến phòng cấp cứu vì tai biến mạch máu não, trước đó chưa hề đo huyết áp lần nào. Hoặc có những người uống rượu hơn chục năm đến khi bụng to, nặng nề khó thở mới đến bệnh viện và biết mình bị xơ gan cổ trướng. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp có bệnh nhân đến để điều trị vết loét ở chân lâu lành, khi xét nghiệm mới biết bị bệnh tiểu đường. Vậy các bạn từ tuổi ba mươi lăm nên đi đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khõe tổng quát và định kỳ mỗi sáu tháng hoặc trễ lắm là một năm nên kiểm tra lại. Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh phải không các bạn
CÁC LỌAI CẢM XÚC VÀ BỆNH
Các bạn đọc chuyện Đông chu Liệt Quốc đều biết Chu Du là Đại đô đốc của nước Đông Ngô. Dù là bậc tài trí uyên thâm nhưng vẫn thua Khổng minh là quân sư của nước Thục một bước. Mọi tính toán của Chu Du đều bị Khổng Minh phát hiện. Tôi nhớ lần chót, khi Khổng Minh đã chết rồi mà còn lập kế lừa Chu Du đến nổi Chu tiên sinh phải ngửa mặt lên trời than rằng “ Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng ” rồi ngã xuống chết. Hậu quả của giận thật là dữ dội. Trong thực tế tôi thấy có nhiều bệnh nhân tăng huyết áp đang điều trị ổn định bổng gặp chuyện giận dữ huyết áp tăng lên đột ngột dù đang uống thuốc đều đặn theo toa. Khi giận các cơ bắp đều co lại. Phần tủy của tuyến thượng thận sẽ tiết ra một chất nội tiết có tên là Adrenaline. Chất này làm co mạch ngoại vi, nhịp tim nhanh, đau đầu, chảy nước mắt, cảm giác bồn chồn, tạo điều kiện cho huyết áp tăng … Vị đại đô đốc của nước Đông Ngô, Chu Du có thể là một trường hợp đột quỵ do quá giận gây tăng huyết áp đột ngột làm vở mạch máu não chăng ? Nội kinh là một quyển sách y học đầu tiên của Trung Quốc đã biết ảnh hưởng của những xúc cảm đối với cơ thể ( Mừng quá hại Tim, suy nghĩ hại Tỳ, âu sầu hại Phổi, Giận quá hại Gan, Sợ hại Thận ). Thời xưa Ngũ tử Tư một đêm ưu sầu, lo nghĩ tìm các trốn qua biên ải nước Sở đã bạc cả mái đầu đến nổi lính canh không nhìn ra ( tâm sầu bạch phát ).Giận dữ, ưu tư, lo nghĩ chỉ mới là một vài trong những cảm xúc tâm lý mà người xưa gọi là thất tình ( hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, cụ ) mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, sợ mà còn gây ra những tai hại lớn như vậy. Còn những loại xúc cảm khác nếu quá mức cũng không phải là không ảnh hưởng xấu đến sức khõe. Thất tình ở mức độ cao làm cơ chúng ta co lại, tim đập nhanh hơn gây nên cảm giác mệt, hồi hộp, dạ dày tiết nhiều acid HCl hơn tạo nên cảm giác xót ruột, cồn cào, đau bụng… Nếu bảy thứ tình cảm này cứ tiếp diển thường xuyên và kéo dài với một cường độ tương đối cao thì bộ máy cơ thể của chúng ta rối loạn biết chừng nào. Trong phần này tôi không phải cổ xúy việc tìm cách diệt những cảm xúc tâm lý, mà tôi nghĩ tốt nhất là vẫn phải duy trì những tình cảm mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, sợ ( để còn là một người bình thường ). Có điều là phải biết giữ cho những cảm xúc đó không thái quá, vì chúng ta biết rằng bất cứ một việc gì, một loại tình cảm nào, một thú vui nào… nếu vượt khỏi nguyên tắc “ điều độ ” thì đều có thể gây bệnh cho chúng ta. Các bạn có nghĩ như vậy không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét