ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Các dược thảo trị sỏi đường tiết niệu và đường mật

1. Kim tiền thảo
Ở nước ta, kim tiền thảo thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía Bắc, từ Nghệ An trở ra. Kim tiền thảo đang được nghiên cứu trồng ở một số nơi. Nghiên cứu dược lý đã chứng minh chất soyasaponin I và polysacarid chứa trong kim tiền thảo có tác dụng làm tăng lượng bài tiết nước tiểu và ức chế sự hình thành sỏi hoặc sự tăng trưởng của sỏi calci oxalat ở đường tiết niệu.
Đối với gan mật, kim tiền thảo có tác dụng tăng cường sự phân tiết dịch mật. Kim tiền thảo được dùng chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng. Liều dùng hàng ngày: 15-30g, sắc nước uống.

2. Râu mèo
Nghiên cứu dược lý lâm sàng cho thấy râu mèo rất có ích trong điều trị bệnh thận và phù thũng. Râu mèo có tác dụng làm kiềm hóa máu, sự có mặt của hoạt chất orthosiphonin và muối Kali trong dược liệu có tác dụng giữ cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó giúp phòng ngừa sự lắng đọng của những chất này để tạo thành sỏi thận. Trong một thử nghiệm trên người tình nguyện khỏe mạnh, cao chiết râu mèo có tác dụng làm tăng sự bài tiết citrat và oxalat. Oxalat với hàm lượng cao có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, sự bài tiết citrat được tăng cường giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận.
Theo kinh nghiệm dân gian, râu mèo được dùng làm thuốc lợi tiểu trong điều trị bệnh viêm thận, sỏi thận, sỏi mật.

3. Mã đề
Mã đề có tác dụng lợi tiểu, được dùng chữa viêm thận và bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu hoặc ra sỏi. Ngày uống 10-20g toàn cây hay 6-12g hạt dưới dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

4. Thạch vĩ
Thạch vĩ gặp phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh vùng trung du ở cả hai miền Nam Bắc. Theo kinh nghiệm dân gian, thạch vĩ được dùng làm thuốc lợi tiểu trong các trường hợp sỏi đường tiết niệu, tiểu ra máu, viêm niệu đạo, bàng quang. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
5. Ý dĩ

Theo y học cổ truyền, ý dĩ dùng chữa phù thũng, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra sỏi. Liều dùng 20-30g, thường dùng dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Các bài thuốc trị sỏi niệu và sỏi mật
1. Chữa sỏi đường mật
a. Kim tiền thảo 30g, chỉ xác (sao) 10-15g; Xuyên huyện tử, hoàng tinh, sinh đại hoàng, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
b. Kim tiền thảo, rau má tươi, cỏ xước, mỗi vị 20g; Hoạt thạch, củ gấu, mỗi vị 12g; Nghệ vàng, hải tảo, mỗi vị 8g; Mề gà 6g. Sắc uống ngày một thang.
c. Kim tiền thảo, nhân trần, mỗi vị 40g; Sài hồ, xa tiền, mỗi vị 16g; Chi tử 12g, chỉ xác, uất kim mỗi vị 8g; Nha đạm tử 6g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.
d. Sài hồ 16g; Long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử mỗi vị 12g, cam thảo, đại hoàng, mỗi vị 4g. Nếu sốt và vàng da nhiều, thêm bồ công anh 40g, hoàng liên 12g, hoàng bá 12g. Sắc uống ngày một thang.

2. Chữa sỏi đường tiết niệu:
a. Kim tiền thảo 30g, hải kim sa, đông quỳ tử, xuyên phá thạch, hoạt thạch, mỗi vị 15g; Ngưu tất 12g. Sắc uống ngày một thang.
b. Kim tiền thảo 30g, xa tiền tử 15g; Thanh bì, ô dược, đào nhân, mỗi vị 10g; Ngưu tất 12g. Sắc uống ngày một thang.
c. Kim tiền thảo 40g; mã đề, tỳ giải, mỗi vị 20g; Trạch tả, uất kim, ngưu tất, mỗi vị 12g; Kê nội kim 8g. Sắc uống ngày một thang.
d. Ý dĩ 20g sắc uống trong ngày. Uống liên tục đến khi thấy tiểu tiện bình thường.

3. Chữa tiểu ra sỏi, tiểu ra máu và tiểu buốt
Râu mèo 40g, thài lài trắng 30g. Sắc lấy nước, mỗi lần hòa thêm 6g bột hoạt thạch uống trong ngày. Mỗi ngày dùng một thang.
4. Thúc đẩy sự bài xuất sỏi ở bệnh nhân sỏi niệu.
Kim tiền thảo 40g, hạt mã đề, thạch vĩ, hoạt thạch, hải kim sa, mỗi vị 20-40g; Đông quỳ tử, ngưu tất, chỉ xác, hậu phác, vương bất lưu hành, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
5. Chữa sỏi kèm theo bội nhiễm đường tiết niệu.
Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g; Sinh địa, đạm trúc diệp, mỗi vị 16g; Mộc thông, cam thảo sao cháy, kê nội kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
6. Chữa sỏi đường tiết niệu gây sung huyết, chảy máu.
a. Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g, ý dĩ 16g, ngưu tất 12g; Đào nhân, uất kim, chỉ xác, đại phúc bì, kê nội kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
b. Sinh địa 16g, bạch thược, xuyên khung, đương quy, đại phúc bì, liên kiều, mỗivị 12g; Đào nhân, hồng hoa, chỉ thực, uất kim, kê nội kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
7. Chữa sỏi đường tiết niệu không có cơn đau, không tiểu tiện ra máu, không tiểu buốt, tiểu dắt.
      Uống thường xuyên các vị thuốc bổ tỳ, bổ thận phối hợp với các vị thuốc lợi tiểu làm tan sỏi, tiêu dần hoặc bài tiết ra ngoài.

a. Kim tiền thảo 20g; Đảng sâm, mã đề, mỗi vị 16g; Trạch tả, ý dĩ, mỗi vị 12g; Bạch truật, phục linh, ba kích, kê nội kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
b. Kim tiền thảo 40g, ngải cứu 16g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày một thang.
c. Kim tiền thảo, xa tiền tử, bạch mao căn, mỗi vị 20g; Ý dĩ 12g. Sắc uống ngày một thang.

     Trường hợp dùng thuốc như trên không đỡ hoặc sỏi niệu quản gây ứ nước, ứ mủ ở thận thì phải xử trí bằng phương pháp phẫu thuật lấy sỏi. Sau khi phẫu thuật xong có thể tiếp tục dùng các bài thuốc trên để tránh sỏi niệu tái phát.
Tác giả : GS. ĐOÀN THỊ NHU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang