Kỳ 18. Chữa bệnh bằng máy sấy tóc
BS Huỳnh Hải
--------------------------------------------------------------------------------
"Ngày xưa trái đất hình vuông
Người ta đi đứng trên đường thẳng hơn
Bây giờ trái đất hình tròn
Cho nên bao kẻ lom khom định bò."
Thơ Bảo Sinh
--------------------------------------------------
Kỳ 18
TRIỆU CHỨNG “ KÈM NHÈM “ Ở
Nhiều ông bà lão cứ khai là mắt kèm nhèm, hay có ghèn ở mắt, và mắt nhìn không rõ. Dấu hiệu kèm nhèm ở mắt có thể do từ bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc ở người trẻ có thể từ việc mõi mắt do tiếp xúc với máy vi tính nhiều giờ trong ngày. Mục này chỉ nói riêng về mắt kèm nhèm ở người già mà không có bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp. Nguyên nhân có thể do ống lệ mũi không thông do đó đưa đến tình trạng mà các ông bà gọi là kèm nhèm. Biện pháp rất đơn giản là nhỏ nước sạch hoặc nước cất vào mắt mỗi ngày vài lần, mỗi lần vài giọt cho mỗi mắt. Bệnh nhân sẽ thấy dễ chịu ngay mà không sợ có tác dụng phụ gì vì các bạn vẫn tắm mỗi ngày và nước cũng có thể vào mắt. Có thể kết hợp dùng hai ngón trỏ và giữa đặt hai bên sống mũi xoa lên xuống mỗi ngày ba lần, mỗi lần năm mươi cá. Dĩ nhiên nhỏ mắt bằng nước sạch và xoa dọc sống mũi vài ngày mà không bớt thì nên đưa ông, bà đến bác sĩ chuyên khoa để khám và chữa bệnh.
BỆNH BUERGER
Các bạn đã nghe nói bệnh Buerger chưa? Đầu tiên bệnh nhân có cảm giác tê hoặc rần rần như kiến bò ở một hoặc hai ngón chân hoặc tay. Sau đó đổi sang cảm giác đau. Đau có thể chịu được hoặc ở mức độ dữ dội, nhất là về ban đêm, đau tăng lên đến mức độ người bệnh hầu như không chịu nỗi. Cơ chế của cơn đau là do tắc nghẻn mạch máu nhỏ gây viêm và máu đến các ngón chân bị giảm. Tôi có một bệnh nhân bị bệnh Buerger. Bệnh nhân này là chồng của một cô giáo dạy cấp một ở huyện Đức hòa tỉnh Long An. Anh Toàn 45 tuổi, xuống khám bệnh với lý do ngón chân số 4 của bàn chân phải có màu tím đen, có vết loét rất đau nhức. Tôi cho xét nghiệm đường trong máu lúc đói, kết quả là 5mmol/L, nồng độ Triglycerid và Cholesterol toàn phần cũng trong giới hạn bình thường. Huyết áp của anh là 110/70mmHg. Hỏi ra mới biết anh Toàn hút thuốc lá từ năm mười tám tuổi, hiện giờ mỗi ngày hút khoảng một gói thuốc. Đúng là anh đã bị bệnh Buerger, một bệnh do tác hại của thuốc lá gây máu đông làm tắc mạch ở ngón chân. Và đúng như vậy, anh cho biết đã điều trị tại bệnh viện Bình dân khoảng hai tháng, có kết quả rất tốt, ngón chân bớt đau và trở lại màu da gần như bình thường. Lúc đó bác sĩ có dặn anh phải bỏ thuốc lá. Thuốc lá là nguyên nhân gây nên bệnh Bueger. Bạn có thể phòng ngừa bệnh Buerger bằng cách không hút thuốc lá. Nhưng anh cứ nghĩ đây không phải là mấu chốt của vấn đề, ban đầu có giảm hút thuốc lá, nhưng về sau khi thấy bệnh tiến triển, anh lại hút tiếp tục, và bệnh trở nặng. Anh Toàn nghe cô tôi ( là bạn của vợ anh ) giới thiệu xuống nhà để xem dùm bệnh. Tôi khuyên anh uống lại toa của bệnh viện Bình dân, trong đó có thuốc giảm đau, giãn mạch đồng thời thêm vào một loại kháng sinh, kháng viêm để điều trị bội nhiễm trên vết loét ngón chân. Và tôi nhắc nhở “ tích cực ” anh phải tuyệt đối kiêng thuốc lá đến suốt đời nếu không muốn cưa ngón chân. Lần này anh Toàn cũng đã sợ lắm rồi, thêm vào là chị Toàn cũng giải thích, và cảnh cáo quyết liệt. Mấy tháng sau, nhân dịp về quê đám giổ, tôi thấy ngón chân của anh Toàn trở lại bình thường một cách ngoạn mục. Xin các bạn hãy chú ý thuốc lá có thể gây cụt các ngón chân hoặc ngón tay của các bạn đấy. Xin cẩn trọng.
BÀ CÔ TÔI BỊ “ TRÚNG GIÓ ”
Hơn 30 năm qua mà tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện xảy ra trong họ nhà tôi. Ông nội tôi có một người em gái thứ mười, lúc đó bà cô đã 65 tuổi. Bà rất khõe mạnh, ai cũng bảo tánh bà nóng như Trương Phi. Bọn trẻ tụi tôi đứa nào cũng sợ. Bà cô có một lần bị đau đầu, đi khám bệnh, bác sĩ cho uống thuốc và cho biết huyết áp bà cao, dặn uống hết toa thuốc rồi tái khám. Vài hôm bà cô hết đau đầu, bớt chóng mặt, bà tự ý không uống thuốc nữa và ở nhà chỉ tiếp tục uống… rượu. Theo thói quen, mỗi sáng bà quét sân bên cạnh nhà, sau đó đến một quán bán chạp phô ( bách hóa ) gần đó uống một ly xây chừng đế ( tôi nghĩ khoảng hơn 50ml ), sau đó mới ăn sáng rồi mới bắt đầu những công việc khác trong một ngày. Sáng hôm đó, bà chưa quét hết sân thì cảm thấy lảo đảo té xuống. Cả nhà đở bà cô vào thì bà sùi nước miếng ra, liệt hết người bên phải, miệng nói ú ớ, tiểu ra quần. Lối xóm nói bà cô tôi bị “ trúng gió ”. Bà cô tôi phải sống trong tình trạng liệt nửa người, nằm ngồi sinh hoạt, ăn uống, tiểu tiểu tại giường.. hơn 5 năm rồi mất. Đến lớn lên tôi mới biết không phải riêng bà cô mà nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp cũng có tình huống như vậy. Vì sao, có phải trúng gió chăng? Thưa các bạn, đó là một trường hợp tai biến mạch máu não ở bệnh nhân bị tăng huyết áp. Từ đêm đến sáng, thời gian gần mười hai giờ, một số thuốc cao huyết áp đã hết tác dụng, huyết áp của bệnh nhân cao trở lại. Cộng thêm vào là tình huống nửa đêm giật mình đi tiểu, sáng dậy quét nhà, đang ở trong môi trường ấm áp, đột nhiên tiếp xúc với không khí lạnh, với gió lùa, toàn bộ mạch máu ngoài da co lại, máu sẽ dồn vào các cơ quan bên trong kể cả vào não làm tăng áp lực ở hệ thống mạch máu não gây vở một mạch máu mỏng manh nào đó. Do đó các bạn nên lưu tâm khi có người thân bị bệnh tăng huyết áp hoặc chính mình sống chung với tên “ sát thủ thầm lặng ” này thì nên chú ý đến sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, thời tiết. Ban đêm nên đi tiểu, vệ sinh trong nhà, không quét sân sớm và kể cả đi tập thể dục quá sớm lúc trời lạnh còn tờ mờ sương.
THUỐC LÁ VÀ NHỮNG BỆNH LIÊN QUAN
Thỉnh thoảng tôi cũng hút thuốc lá, một năm chắc cũng hút chừng hai ba điếu. Hút cho bạn bè vui. Đốt điếu thuốc rồi đặt xuống cái gạt tàn. Tôi thấy khói đen bay lên, một lúc sau còn một khúc tàn thuốc nằm trên gạt. Khi chúng ta hút một điếu thuốc thì vừa khói đen, vừa tàn thuốc được đưa vào cơ thể, đi ngang qua mũi họng, khí quản, phế quản rồi vào tận các phế nang để đi vào máu. Mà trong thuốc các bạn đã biết có rất nhiều chất độc hại. Những chất độc đó được liệt kê đến hàng trăm chất và được chia thành các nhóm sau: Nhựa thuốc lá gồm những chất có kích thước rất nhỏ có thể kích thích các niêm mạc phế quản, gây tăng sinh các chất tiết, làm hại đến những lông chuyển ở thành phế quản. Nicotine là một chất gây nghiện. Monoxit Carbon ( khí CO ) là một độc chất. Trên một phim X quang phổi của một người bình thường không hút thuốc với một người đã hút thuốc lá trong nhiều năm có những khác biệt rõ rệt. Phim của người nghiện thuốc có những hình ảnh xơ, chứng tỏ các cấu trúc ở phổi đã bị nhiều ảnh hưởng. Hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến một bức tường bám đầy khói đen mà bên dưới có bếp củi đã chụm nhiều năm. Đầu tiên sự ảnh hưởng của thuốc lá và sự kêu cứu của phổi chúng ta là gì? Đó là tình trạng tức ngực, khó thở mà X quang phổi, ECG…tất cả đều bình thường. Ngay lúc này thì các bạn nên dừng việc hút thuốc lá là tốt. Còn chúng ta vẫn tiếp tục hút thuốc lá thì sao? Các bạn hãy xem ảnh minh họa dưới đây để thấy những bệnh có thể gây hại bởi khói thuốc lá:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét