ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Trà kỷ tử - vị thuốc chữa nhiều bệnh



                                                                         Quả kỷ tử.
Tương truyền, vào đời Đường, tể tướng Phòng Huyền Linh vì dụng tâm quá độ giúp Đường Thái Tông cai quản triều chính nên tinh thần luôn bất an, cơ thể mỏi mệt. Nhờ được thái y cho dùng canh kỷ tử nấu với mộc nhĩ trắng thường xuyên mà sức khỏe và tinh thần của ông dần phục hồi.

Kỷ tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây khởi tử, tên khoa học là Lycium barbarum L. Thời cổ đại, nó còn được gọi bằng các tên như thiên tinh (tinh của trời), địa tiên (tiên của đất), khước lão (đẩy lui tuổi già). Chỉ cần mỗi ngày lấy 15 g kỷ tử hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15-20 phút là ta đã có được một thứ nước màu đỏ đẹp, thơm ngon, vừa có tác dụng giải khát thay trà lại vừa có công năng bổ thận, ích tinh và dưỡng can, minh mục. Loại trà này thường được cổ nhân dùng để bồi bổ cơ thể và phòng chống tích cực các chứng bệnh như suy nhược toàn thân sau bệnh nặng, đầu choáng mắt hoa, giảm thị lực, lưng đau gối mỏi, nhược dương, di mộng tinh, xuất tinh sớm, muộn con...

Tại Trung Quốc, kỷ tử phân bố ở nhiều nơi nhưng loại được trồng ở Ninh Hạ có chất lượng cao hơn cả. Ở đây, người ta gọi vị thuốc này là "minh mục tử", có nghĩa là thứ quả làm sáng mắt. Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa ở Ninh An thuộc tỉnh Ninh Hạ có một cô gái tên là Cẩu Hồng Quả. Cha cô không may mất sớm, vì quá thương nhớ chồng, mẹ cô khóc nhiều đến nỗi cả hai con mắt bị bệnh không nhìn thấy gì cả. Để chữa bệnh cho mẹ, Cẩu Hồng Quả đã không quản gian lao khó nhọc, ngày đêm trèo đèo lội suối lên tận Nam Sơn hái thuốc. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô, tiên ông Bạch Hồ Tử đã hiện ra và chỉ dẫn Cẩu Hồng Quả thu hái kỷ tử về làm thuốc cho mẹ cô uống. Quả nhiên, sau một thời gian dùng thuốc, mắt mẹ cô ngày càng sáng ra và khỏi hẳn. Vì thế, dân trong vùng gọi thảo dược này là "minh mục tử" và coi đó là thứ "linh đan diệu dược" chuyên chữa bệnh về mắt.

Theo dược học cổ truyền, kỷ tử vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ can thận, dưỡng huyết, minh mục và nhuận phế. Nếu can thận âm hư thì tinh và huyết đều thiếu, không thể nuôi dưỡng mắt đầy đủ được, phát sinh chứng hoa mắt, mắt mờ, thị lực giảm sút... Kỷ tử là vị thuốc vào được cả kinh can và thận, một mặt bổ ích thận tinh, một mặt bổ dưỡng can huyết nên có thể chữa được các chứng bệnh như đầu choáng, mắt hoa, nhìn mờ, tai ù, tai điếc, lưng đau, gối mỏi, di tinh, liệt dương...

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, kỷ tử là một trong những vị thuốc có tác dụng dược lý rất phong phú:

- Cải thiện và điều tiết công năng miễn dịch của cơ thể.

- Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống nội tiết Hạ khâu não - Tuyến yên - Tuyến thượng thận.

- Bảo vệ tế bào gan, ức chế sự lắng đọng chất mỡ trong gan, thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan.

- Điều chỉnh rối loạn lipid máu, làm hạ cholesterol và làm chậm sự hình thành các mảng vữa xơ trong huyết quản.

- Hạ đường huyết.

- Làm giãn mạch và hạ huyết áp.

- Thúc đẩy quá trình tạo huyết của tủy xương.

- Chống ôxy hóa và làm chậm sự lão hóa.

- Nâng cao sức chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy, phòng chống tích cực trạng thái mệt mỏi.

- Chống phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư...

Để nâng cao tác dụng của trà kỷ tử, tùy theo thể chất và chứng trạng cụ thể, người ta thường thêm một số vị thuốc khác như: cúc hoa (để làm sáng mắt và chữa đau đầu, chóng mặt), mạch môn và ngũ vị tử (cải thiện trí nhớ và làm cho tinh thần tỉnh táo), thảo quyết minh, đan sâm và hà thủ ô (bổ can thận và làm hạ mỡ máu), đương quy và đại táo (dưỡng huyết, làm tăng hồng cầu trong máu ngoại vi), toan táo nhân và ngũ vị tử (dưỡng tâm, an thần), đông trùng hạ thảo (để bổ thận trợ dương)...

ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang