ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Matxa "rốp rốp"

Ông N.V.H., 48 tuổi,vào phòng khám với vẻ mặt nhăn nhó, khó khăn lắm ông mới đặt được người xuống ghế. Ông nói trước đó một ngày cả nhóm rủ nhau đi matxa, cô nhân viên làm ngay một bài "kiểu Thái" quá mạnh tay, khiến ông đau lưng và đau cổ dữ dội...



Bác sĩ cho biết ông bị đau cấp tính do chấn thương cơ và dây chằng cột sống.

        Matxa được dùng trong y học như một phương pháp phục hồi sức khỏe. Nó có nhiều tác dụng như thư giãn toàn thân, giải stress, hỗ trợ điều trị các bệnh mạch máu, phục hồi gân-cơ-dây chằng sau chấn thương, kết hợp với day ấn huyệt để điều trị một số rối loạn trong cơ thể...
Matxa thường đem lại cảm giác sảng khoái do kích thích cơ thể tiết ra endorphin nên không chỉ các quí ông mà các quí bà cũng rất ghiền.
Các nơi phục vụ thường có nhiều kiểu, nhiều bài riêng với mức độ mạnh, nhẹ khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
       Tuy nhiên, hầu như chẳng nơi nào chú ý đến thể trạng của thượng đế: mập hay ốm, khỏe hay yếu, có bệnh gì kèm theo như huyết áp hay đau khớp không...
Đã vậy những người thích phục hồi cấp tốc thường đòi hỏi matxa thật mạnh tay, bẻ các khớp nghe rốp rốp mới thấy đã.
Để trị các khách hàng "nặng đô" này chỉ có cách dùng mấy chiêu bẻ khớp, bẻ người "kiểu Thái", nếu lạm dụng trong khi gân cơ không được mềm dẻo rất dễ bị chấn thương như ông N.V.H..
Thi triển võ công

Cột sống thường là trung tâm để "thi triển võ công". Đơn giản nhất là khách ngồi thẳng gối, nhân viên matxa đứng phía sau dùng hết sức đè vào lưng và đẩy tới trước. Tư thế này có thể làm xẹp các đĩa đệm cột sống và trượt các đốt sống thắt lưng.
Ngược lại, nhân viên ngồi phía sau với hai đầu gối kê vào lưng của khách rồi nắm hai tay kéo ngược để toàn thân ưỡn ra như cánh cung, khi làm nhanh có thể nghe được tiếng rốp rốp.
Cách tương tự là khách hàng nằm sấp, nhân viên đứng với một chân đặt vào vùng xương cùng, hai tay kéo ngược chân khách hàng lên để kéo dãn phần khớp chậu hông.
      Hai cách này làm cột sống ưỡn quá mức gây tổn hại dây chằng cột sống, ép các đĩa đệm, đau cơ vùng trước bụng - hông - đùi, và rất nguy hiểm trong trường hợp có bệnh lý của mạch máu lớn.
      Một kiểu khác là nhân viên đứng trên lưng khách hàng, dùng hai ngón chân cái đè vào vùng khớp giữa hai đốt sống lưng rồi đột ngột nhún mạnh xuống nghe cái rốp. Đây là cách nhanh nhất để làm bong gân các diện khớp đốt sống với hậu quả là đau khi cúi ngửa và xoay người cũng đau.
     Với cột sống cổ thì nhân viên luồn tay qua nách đến sau gáy và đẩy mạnh đầu tới trước, hoặc dùng tay đột ngột xoay cổ để nghe tiếng rốp. Cách này có thể gây những chấn thương như cột sống lưng và nguy hiểm hơn là vỡ các mạch máu dẫn lên não.
Tuyệt chiêu "đè mạch máu"
Ngoài những chiêu trên, các nhân viên cũng trổ tài bẻ kêu hầu hết các khớp như khuỷu tay, đầu gối, cổ chân và các ngón bằng cách đột ngột duỗi thẳng khớp tối đa.
Các khớp này không được cấu tạo để duỗi quá mức nên khi bị bẻ như thế rất dễ bị tổn thương sụn khớp, dây chằng, bao khớp... về lâu dài có thể gây viêm khớp mãn tính, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp.
      Có nơi còn dùng đến tuyệt chiêu "đè mạch máu": nhân viên dùng nắm tay, cùi chỏ hay đầu gối đè vào các mạch máu lớn ở nách hay bẹn, giữ trong 30 giây đến một phút không cho máu chảy xuống rồi thả ra.
Cảm giác rần rật của dòng máu khi chảy về các chi như các đợt sóng sưởi ấm dần tay chân có thể giúp nhiều người cảm thấy sung sướng.
Nhân viên hay lý giải cách này dùng để "nạp năng lượng cho cơ thể vì tứ chi được nghỉ ngơi hoàn toàn", hoặc "dòng máu khi trở lại sẽ mạnh hơn và tống các chất dơ đi để mạch máu nuôi cơ thể sạch hơn, thậm chí làm sạch luôn các mảng xơ vữa".
Cách lý giải này không đúng vì sự tưới máu ở mô sẽ không tăng, trừ khi cơ thể được rèn luyện bằng vận động thể thao.
Ngoài ra, nếu mảng xơ vữa có bị bong tróc ra đi nữa cũng sẽ bị mắc kẹt ở những mạch máu nhỏ hơn gây thuyên tắc, nguy hiểm ở não và phổi. Cách này tuyệt đối không áp dụng cho người có tiền căn tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn đông cầm máu.

Theo BS Tô Minh Châu
Hội Y học thể thao TP.HCM/ Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang