ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Cốt toái bổ - vị thuốc dự phòng và điều trị loãng xương

GS. Đoàn Thị Nhu



Tỷ lệ trường hợp bị bệnh loãng xương ở người cao tuổi và ở phụ nữ đã mãn kinh ngày càng tăng. Một số công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh có nhiều loại thực phẩm và cây thuốc có tác dụng làm tăng sự hấp thụ chất khoáng vào xương, trong đó có cây cốt toái bổ. Như vậy, việc dùng các chất bổ sung dinh dưỡng thiên nhiên và các thảo dược có thể là một biện pháp quan trọng để giảm tỷ lệ người mắc bệnh loãng xương, hoặc ít nhất làm giảm mức độ mất chất khoáng ở xương, đặc biệt ở người cao tuổi.
Cốt toái bổ là một trong những cây thuốc có tác dụng dự phòng và điều trị loãng xương, điều trị gãy xương và các bệnh về xương khớp khác. Ở Việt Nam, cốt toái bổ phân bố ở một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Cây hiếm gặp hơn ở các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào. Cốt toái bổ sinh trưởng ở kiểu rừng kín thường xanh và rừng núi đá vôi ẩm, với độ cao phân bố đến 1.600m. Bộ phận dùng là thân rễ già phơi hay sấy khô. Có khi người ta đồ chín, rồi mới phơi, sấy khô. Muốn hết lông bao phủ bên ngoài, người ta đốt nhẹ cho cháy.
Tác dụng dược lý: Để nghiên cứu tác dụng chống loãng xương, người ta đã thử nghiệm tác dụng của cốt toái bổ trên hoạt tính của protease là men có vai trò gây khởi đầu sự mất xương ở chuột cống và chuột nhắt trắng. Trong nghiên cứu này, cả cao chiết cồn và cao chiết nước đều có tác dụng ức chế mạnh các cathepsin K và L, là các yếu tố làm biến tính chất tạo keo trong xương, trong đó cao chiết cồn có tác dụng mạnh hơn. Cũng đã chứng minh trong thử nghiệm nuôi cấy tế bào và trên cơ thể động vật sống hiệu quả tốt của thân rễ cốt toái bổ trên sự tăng sinh các tế bào xương của người và hoạt tính điều hòa miễn dịch.
Các tế bào tiền - xương được nuôi cấy với các nồng độ khác nhau của cốt toái bổ và đã nhận xét thấy các nồng độ thấp có tác dụng kích thích sự tăng sinh tế bào xương và các nồng độ cao lại có tác dụng ức chế. Ngoài tác dụng chống loãng xương, cốt toái bổ còn có các hoạt tính dược lý khác như tác dụng tăng cường chức năng nội tiết sinh dục nữ (và như vậy cũng là tác dụng gián tiếp chống loãng xương), chống viêm và viêm khớp.
Công dụng: Cốt toái bổ là một thành phần chính trong nhiều bài thuốc được dùng chữa gãy xương và làm mạnh xương khớp trong y học cổ truyền Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên. Thân rễ cốt toái bổ có tác dụng bổ thận, làm mạnh gân xương, hành huyết, phá huyết ứ, cầm máu, giảm đau. Được dùng để dự phòng và điều trị loãng xương, đau xương, đau lưng mỏi gối, khớp sưng đau, ngã chấn thương, bong gân, tụ máu, sai khớp, gãy xương, thận hư (suy giảm chức năng nội tiết), chảy máu chân răng. Ngày dùng 6-12g thân rễ khô dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.
Các bài thuốc có cốt toái bổ
Bài thuốc bổ khí huyết, bổ gân xương, phòng và điều trị loãng xương, dùng cho người cao tuổi, người suy nhược cơ thể, gãy xương: Cốt toái bổ 12g; đảng sâm, hoài sơn, ba kích, mỗi vị 16g; hoàng kỳ, bạch truật, đương quy, cẩu tích, tục đoạn, mẫu lệ, mỗi vị 12g; thiên niên kiện 10g. Sắc uống ngày một thang hoặc nấu cao lỏng uống.
- Bài thuốc bổ gân xương, phòng và điều trị loãng xương: Bột cốt toái bổ, bột sừng hươu nai, bột mẫu lệ, mỗi vị 2g. Làm thành viên uống, hay uống dạng bột trong một ngày. Uống liên tục trong thời gian dài. Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư, yếu: Cốt toái bổ 16g; cẩu tích, củ mài, mỗi vị 20g; tỳ giải, đỗ trọng, mỗi vị 16g; rễ gối hạc, rễ cỏ xước, dây đau xương, thỏ ty tử, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa đau lưng, răng đau, ù tai do thận hư: Cốt toái bổ tán nhỏ 4-6g, cho vào bầu dục lợn, nướng chín ăn.
- Chữa phong thấp đau nhức thuộc huyết:
a. Phương thuốc ngâm rượu: Cốt toái bổ 40g, rễ gắm 120g, vỏ chân chim 100g, rễ rung rúc 80g; rễ bươm bướm (bạch hoa xà), rễ chiên chiến, mỗi vị 60g; xích đồng nam, bạch đồng nữ, tiền hồ, ô dược, cỏ xước, rễ bưởi bung, mỗi vị 40g. Nấu thành cao đặc rồi cho thêm rượu 40o thành 2 lít, ngâm trong 3 ngày. Lọc lấy dịch trong, mỗi lần uống 30ml, ngày 2 lần.
b. Phương thuốc viên: Cốt toái bổ 160g (nấu với mật, phơi khô), cẩu tích 240g (tẩm rượu nấu với nước muối, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật, phơi khô), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa với rượu), vỏ chân chim 160g (sao), rễ gắm 160g (sao), quán chúng 100g (phơi chỗ râm), lá ké đầu ngựa 40g (phơi trong râm). Các vị tán bột, làm thành viên, uống mỗi lần 8-12g với nước gừng hay rượu.
- Chữa thấp khớp mạn tính (thể nhiệt): Cốt toái bổ, thạch cao, kê huyết đằng, đan sâm, sinh địa, rau má, uy linh tiên, hy thiêm, khương hoạt, độc hoạt, thiên hoa phấn, thổ phục linh, mỗi vị 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
- Thuốc đắp chữa bong gân, tụ máu: Cốt toái bổ tươi, bóc bỏ hết lông tơ và lá khô, rửa sạch, giã nhỏ, rấp nước, gói vào lá chuối đã nướng cho mềm, đắp lên các chỗ đau, bó lại. Thay thuốc bó nhiều lần trong ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang