ÂM DƯƠNG VÀ CƠ THỂ
a) Trên là âm, dưới là dương
Theo cách phân chia này thì Đầu là âm và chân là Dương. Thực tế cho thấy, đầu (cụ thể là trán) sờ vào lúc nào cũng thấy mát và chân (dưới) luôn thấy ấm. Khi cơ thể bệnh (có rối loạn thăng bằng âm dương) thì đầu (phía trên) sờ vào thấy nóng (trán nóng, mắt đỏ, mặt đỏ bừng...) thay vì mát, và chân (phía dưới) thấy lạnh (ẩm, ra mồ hôi, đau ê ẩm...) thay vì nóng. Cách chữa bệnh đơn giản nhất là dùng khăn lạnh đắp vào trán (thêm âm vào để đẩy dương ra) hoặc ngâm chân vào nước nóng (thêm dương vào để đẩy âm ra). Cách điều trị trên chủ yếu nhằm thực hiện lại thế quân bình (điều hòa âm dương) đã bị xáo trộn vì bệnh gây ra, vì thế, đã có một nhận xét hết sức lý thú : "Hãy giữ cho đầu bạn mát (âm) và chân bạn luôn ấm (dương) thì bạn sẽ không cần đến thầy thuốc".
Theo các nhà nghiên cứu : Ở tư thế nằm, đầu thấp, chân cao sẽ dễ nhớ và tiếp thu nhanh hơn, họ cho rằng vì máu dồn về não giúp não làm việc tốt hơn. Có thể hiểu như sau : Máu (âm) dồn về đầu (âm) tức tăng thêm âm, giúp cho dễ nhớ hơn. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng ở tư thế này rất dễ buồn ngủ, vì âm mang tính tĩnh.
Xét về 2 quẻ "Thủy hỏa ký tế" và "Thủy hỏa vị tế" ta thấy :
Người khỏe mạnh, trên mát (âm), dưới ấm (dương), tức hỏa giao xuống dưới, thủy thăng lên trên, gọi là Thủy hỏa ký tế.
Ngược lại, khi bị bệnh, trên nóng (dương) dưới lạnh (âm) là Thủy hỏa không tương giao với nhau gọi là Thủy hỏa vị tế.
b) Bên trái là Dương, Bên phải là Âm
Vấn đề quy định bên phải, bên trái thuộc Âm hay Dương, chưa có tài liệu nào nghiên cứu 1 cách sâu xa và giải thích thỏa đáng. Tuy nhiên, dựa vào 1 số công trình nghiên cứu và quan sát tự nhiên, ta thấy :
- Khi khởi động 1 cách tự nhiên, hầu như bao giờ chân trái cũng khởi động trước. Theo các nhà nghiên cứu, khi chuyển động trái đất tạo nên 1 dòng điện gọi là địa từ lực lôi cuốn mọi vật - Địa từ lực này mang đặc tính âm. Theo nguyên tắc vật lý, 2 vật cùng tên đẩy nhau, khác tên hút nhau. Lực của trái đất là âm, do đó sẽ hút lực dương, vì thế có thể coi như chân trái mang đặc tính dương.
- Theo giáo sư Hirasawa, chuyên viên nghiên cứu sinh lý học thể dục Trường đại học bách khoa Tokyo, sau 35 năm chuyên nghiên cứu về bàn chân đã nhận xét rằng : "từ 6-50 tuổi, diện tích tiếp xúc mặt đất của chân trái phái nam và nữ đều lớn hơn so với chân phải và diện tích tiếp xúc với mặt đất khi đứng của bàn chân trái lớn hơn. Thời gian chạm đất khi đi phía bên trái cũng nhiều hơn. Cảm giác ổn định khi đứng 1 chân bằng chân trái cũng tốt hơn. Vết chân người cổ đại cách đây 3000 năm cũng cho thấy vết chân trái in sâu hơn xuống đất hơn là chân phải. Các vận động viên, diễn viên... cũng đều dùng chân trái làm trục chống đỡ cơ thể, còn chân phải dùng để biểu diễn các động tác".
- Các vận động viên điền kinh, đua xe, chạy... bao giờ cũng phải rẽ về bên trái.
- Hình ảnh người chèo đò cho thấy, bao giờ mái chèo cũng nằm bên trái.
- Bác sĩ Nogier (tác giả môn châm trị liệu loa tai), khi nghiên cứu về 2 bình tai cũng đã nhận xét : "Với các nhà châm cứu, Nhâm mạch (quản lý các kinh Âm) nằm trên bình tai Phải, của người thuận phải và Đốc mạch (thống xuất các kinh Dương), nằm trên bình tai Trái (Pour les acupuntures le RenMo se trouve sur le tragus droigt du droigtier, le Tu Mo sur le tragus gauche)".
- Viện vật lý và sinh hóa ở Leningrat (Liên Xô) khi tiến hành thí nghiệm về độ nhạy của tai người đã nhận thấy rằng : tai trái nhạy cảm hơn tai phải.
Qua các nhận xét trên, tạm thời nêu lên nhận định là bên trái thuộc Dương và bên phải thuộc Âm. Điều này rất có giá trị trong việc điều trị bằng châm cứu khi phải chọn huyệt để châm.
c) Trong (bụng, ngực) là Âm, Ngoài (lưng) là Dương
Thiên 'Ngũ Tạng Sinh Thành Luận' (TVấn 10) ghi : "Phù ngôn chi Âm Dương, Nội vi âm, ngoại vi Dương, Phúc vi âm, Bối vi Dương" (Nói về Âm Dương, trong thuộc âm, ngoài thuộc dương, bụng thuộc âm, lưng thuộc dương).
+ Ngay từ trong bào thai, sự sắp xếp theo thứ tự trên cũng khá rõ : Bào thai nam, dương khí tụ ở lưng nên thường quay lưng ra, do đó, bụng người mẹ thường có dạng tròn và cứng. Trái lại, bào thai nữ, âm khí tụ ở ngực nên thường quay mặt ra ngoài, do đó bụng người mẹ thường có dạng hình bầu dục (gáo nước) và mềm.
+ Hình ảnh người chết đuối trên sông cho thấy, xác nam bao giờ cũng nằm sấp vì dương khí tụ ở lưng, còn xác nữ bao giờ cũng nằm ngửa vì âm khí tụ ở ngực.
d) Âm Dương và Tạng Phủ
+ Thiên "Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận" ghi : "Lục phủ giai vi dương, Ngũ tạng giai vi âm" (Lục phủ thuộc dương, Ngũ tạng thuộc âm). Như thế Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận thuộc âm, còn Tiểu Trường, Đởm, Vị, Đại Trường, Bàng quang, Tam Tiêu thuộc dương. Tâm Bào, được coi như 1 tạng mới, do đó thuộc âm.
+ Giáo sư Ohsawa (tác giả phương pháp dưỡng sinh, người Nhật), trong sách "Phương Pháp Dưỡng sinh", lại có 1 số nhận xét hơi khác trong việc phân chia Tạng phủ và Âm Dương. Theo đó, Tâm, Can, Thận thuộc dương (thay vì thuộc âm) còn Phế, Vị thuộc âm. Ohsawa cho rằng Tim, Gan và Thận có hình dáng đặc và nặng nên thuộc dương, còn Phổi và Dạ dầy rỗng, nhẹ nên thuộc âm.
Có gì mâu thuẫn giữa 2 quan điểm phân chia Âm Dương giữa sách Nội Kinh và Ohsawa không " Sách Nội Kinh là sách kinh điển, tích chứa kinh nghiệm bao đời của người xưa, Gs. Ohsawa là nhà nghiên cứu có tiếng trên thế giới, như vậy cả 2 quan điểm đều có lý do của nó.
Có thể tạm hiểu như sau : Theo "Kinh Dịch", mỗi vật thể, hiện tượng... đều do 2 yếu tố : THỂ (hình thể) và DỤNG (công dụng, chức năng) tạo nên. Một vật nào đó, có thể có hình dạng (thể) là âm nhưng lại có công dụng là dương hoặc ngược lại, Thể là dương nhưng Dụng là âm.
Thí dụ : Tạng Tâm, xét về hình thể là 1 quả tim, đặc nặng, nên mang đặc tính dương tức là dương về Thể, nhưng Tâm lại có nhiệm vụ cung cấp máu cho toàn cơ thể, máu thuộc âm, do đó Tâm mang đặc tính âm xét về Dụng.
Thí dụ : Quả Ớt, xét về hình thể, quả ớt có màu đỏ, do đó thuộc dương, nhưng ớt có vị cay, khi vào ruột, làm nở các mao trạng ruột, tiêu thức ăn nhanh, như vậy, ớt có đặc tính âm nếu xét về công dụng.
Vương Văn Liêu st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét