ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Phan Tả Diệp vị thuốc vừa kinh điển vừa hiện đại

    Phan tả diệp đã được người Ai Cập biết đến và sử dụng làm thuốc nhuận tràng, thuốc tẩy từ hơn 3.500 năm về trước. Sau đó thuốc được đưa vào các nước châu Âu và từ nước khác trên thế giới. Hiện nay, phan tả diệp đang được coi là vị thuốc kinh điển và được dùng rất phổ biến cả trong Ðông y và Tây y.

    Phan tả diệp là lá chét của 2 loài thuộc chi Cassia: Cassia angustifolia Vahl và Cassia acutifolia Del, thuộc họ Ðậu (Fabaceae), phân họ Vang (Caesalpinioideae).

Cây C.angustifolia có nguồn gốc từ ả Rập, mọc hoang nhiều ở Yêmen, Xumali; được trồng ở nam ấn Ðộ, nhiều nhất là vùng Tinnevelly. Còn C.acutifolia có nguồn gốc từ Châu Phi, mọc hoang và được trồng nhiều ở Xuđăng. Hiện nay phan tả diệp còn được trồng ở một số nước như: Udơbekistan, Tatgikistan.

Thành phần hóa học có tác dụng dược lý trong phan tả diệp đã được nhiều tài liệu đề cập đến, đó là các dẫn chất anthranoid có tác dụng nhuận tràng và tẩy. Quan trọng nhất là các chất sennosid A,B,C và D. Ngoài ra còn có một số ít anthraglycosid khác. Các chất anthaglycosid rất dễ tan trong nước, khi vào cơ thể qua đường tiêu hóa không bị hấp thu ở ruột non, chúng xuống ruột già. ở đây, dưới tác dụng của enzym glucosidase của hệ vi khuẩn ruột, các glycosid sẽ bị thủy phân thành các aglycon và ose. Các aglycon có cấu trúc dạng khử(sennidin, rhein - anthron...) sẽ có tác dụng kích thích ruột già làm tăng nhu động ruột và tăng bài tiết dịch nhầy (tác dụng nhuận tràng và tẩy) ngay sau khi được tạo thành. Còn các chất có cấu trúc dạng ôxy hóa (rhein, aloe - emorin...) thì sẽ bị khử rồi mới có tác dụng.

    Do quá trình chuyển hóa như vậy, cho nên các chế phẩm có anthranoid nói chung và phan tả diệp nói riêng được dùng với tác dụng giúp sự tiêu hóa, nhuận và tẩy thường được uống vào buổi tối sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ và đó cũng là lý do tại sao thuốc có tác dụng chậm sau khi uống (10-12giờ).

    Phan tả diệp được dùng trong những trường hợp ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, táo bón, dưới dạng hãm hoặc sắc với liều lượng khác nhau tùy theo tác dụng. Thường dùng 1-2/ngày sẽ có tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hóa, với liều 3-4g/ngày sẽ có tác dụng nhuận tràng giúp cho việc đào thải chất cặn bã, độc hại tồn đọng gây độc cho đường tiêu hóa, hạn chế được sự sinh sôi nẩy nở các loài vi sinh vật đường ruột có hại. Với liều 5-7g/ngày sẽ có tác dụng tẩy.

    Ngoài anthranoid, trong phan tả diệp còn có các dẫn chất flavonoid - là hợp chất thiên nhiên có tác dụng sinh học không kém phần quan trọng. Phải chăng đây là thành phần không những đóng vai trò hiệp đồng tác dụng của phan tả diệp mà còn bổ sung thêm một số tác dụng rất đặc hiệu của flavonoid, ví dụ như:

* Tác dụng của vitamin P: Làm tăng sức bền và tính đàn hồi của thành mạch máu, làm giản tính dòn, dễ vỡ của thành mạch. Vitamin P là yếu tố rất cần thiết và không thể thiếu được trong dự phòng và điều trị những bệnh gây tổn thương sức bền của mao mạch, như bệnh tăng huyết áp, xơ cứng mạch, các trường hợp xung huyết, xuất huyết v.v...

* Tác dụng chống ôxy hóa: Khi vào cơ thể flavonoid sẽ tạo phức với các ion kim loại (Fe+2. Cu+2...) là những chất xúc tác của nhiều phản ứng ôxy hóa sinh ra gốc tự do hoạt động. Ðồng thời flavonoid còn có khả năng triệt tiêu những gốc tự do hoạt động để tạo thành những sản phẩm không gốc, cắt đứt dây chuyền phản ứng ôxy hóa lipid, góp phần làm ổn định màng tế bào, làm tăng sức bền của màng, loại trừ các tác nhân gây độc hại, ngăn ngừa một số nguy cơ biến dị, hủy hoại tế bào, tai biến mạch... do gốc tự do gây nên.

Do đó nếu dùng phan tả diệp với công thức và liều lượng hợp lý sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn, đồng thời cơ thể sẽ còn được cung cấp thêm vitamin P và các chất chống ôxy hóa rất cần thiết cho việc phòng và chữa một số bệnh hiểm nghèo.

Một số điều cần lưu ý khi dùng phan tả diệp
- Do thuốc kích thích ruột già làm tăng tiết dịch nhầy, cho nên nếu dùng phan tả diệp liều cao và kéo dài sẽ gây mất nhiều protein và những dịch chất khác của ruột, cơ thể sẽ gầy, yếu và có thể bị rối loạn tiêu hóa.
- Không dùng phan tả diệp cho người bị viêm bàng quang, hẹp kết tràng, phình ruột già, phụ nữ có thai và đang cho con bú.

TS Bế Thị Thuấn

Theo Báo SK&ĐS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang