ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

 Thuốc vờ - hiệu quả placebo

Bác sỹ Nguyễn Ý  Đức( Texas - Hoa Kỳ)

1. Thuốc vờ - hiệu quả placebo
Người bệnh là nữ chủ nhân nhiều tiệm ‘Phở Gia Truyền”, ngoài 50 tuổi.

Từ hơn hai tháng nay, bà than phiền luôn luôn bị nhức đầu, đau bụng, ăn không tiêu và mau mệt mỏi, nhất là vào mỗi buổi sáng trên đường lái xe tới tiệm.

Vị bác sĩ khám bệnh thực hiện đủ mọi thử nghiệm đều không tìm thấy bất thường thể chất nào.

Trong khi hỏi về bệnh tình, bác sĩ nhớ là bà Lan có cho hay công việc nhà, việc cửa hàng gặp mấy điều bất ổn. Chú đầu bếp chính ngỏ ý muốn xin nghỉ, ra kinh doanh riêng. Một nhà hàng mới sắp khai trương cách tiệm của bà có mươi căn phố. Vợ chồng đứa con gái có chuyện bất hòa, đe dọa tới tình nghĩa phu thê sau hơn mười năm chung sống.

Bác sĩ nghĩ rằng bà Lan đang bị một chứng bệnh của thế kỷ: stress. Stress gây ra nhiều thương tổn không những cho thân xác mà còn cho cả tâm hồn.

Nếu nói cho bà Lan là không có bệnh gì, thì bà sẽ không tin. Mà nói chỉ bị căng thẳng tinh thần thì chắc là bà sẽ phủ nhận, “bộ bác sĩ bảo tôi khùng hay sao!?”.

Cho thuốc chống đau nhức thì lại sợ ảnh hưởng tới dạ dày. Mà cho thuốc chữa dạ dày thì có khó khăn tiêu hóa gì đâu mà biên toa. Bác sĩ bèn rất trang trọng đưa cho bà Lan một lọ thuốc viên mầu hồng, nói bà uống theo lời dặn trong vài tuần lễ rồi cho biết kết quả. Đồng thời vị bác sĩ cũng gợi ra một vài ý kiến để bà Lan cố gắng giải quyết ổn thỏa công việc làm ăn và khó khăn của con gái.

Hai tuần sau, bà Lan điện thoại cho hay bệnh tình đã khá hơn và hỏi có cần uống thêm thuốc mầu hồng. Bác sĩ nói uống hết số thuốc đó đi và chắc là không cần thêm thuốc nữa đâu.

Cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều hài lòng.

Riêng vị bác sĩ thì cảm thấy vui vui vì giải quyết được một trường hợp bệnh với lời khuyên tích cực và vài chục viên sinh tố mầu hồng. Tất nhiên những viên sinh tố này không chữa được nhức đầu đau bụng của nhà kinh doanh, nhưng đã góp phần giải quyết vấn đề.


Những viên “thuốc” không có hoạt chất, “vô thưởng vô phạt” tương tự như vậy được gọi là “Thuốc Vờ”,“Giả Dược”, “Thuốc Trơ”, tiếng Anh, tiếng Pháp gọi là “PLACEBO”.


Placebo

Trong ngôn ngữ La Tinh, PLACEBO có nghĩa là “Tôi sẽ hài lòng”.

Thánh Kinh có lời cầu xin “Placebo Domino: in regione vivorum- I will please our Lord in the country of the living”-Tôi sẽ làm hài lòng Chúa.

Placebo là một hiện tượng khá phức tạp, được nghiên cứu từ nhiều thế kỷ với nhiều tranh luận, bất đồng ý kiến về sự lợi hại và nguyên lý tác động.

Vào hạ bán thế kỷ 18, từ Placebo xâm nhập ngành y dược. Năm 1787, tự điển Quincy định nghĩa placebo như một phương thức có chủ đích làm vui lòng người bệnh hơn là chữa trị.

Từ điển y học định nghĩa placebo là bất cứ chất xoàng xĩnh, vô dụng nào đó có hình dạng dược phẩm được trao cho bệnh nhân với giới thiệu là có tác dụng chữa bệnh.

Theo nhiều tác giả, placebo lúc đầu là để chỉ một chất hoặc một phương thức “trơ” (inert), được dùng trong thử nghiệm lâm sàng hoặc trong y khoa học để kiểm chứng công hiệu của một loại dược phẩm hoặc để làm dịu một bệnh.

Khi thử nghiệm, một nhóm người được cho dùng dược phẩm thực, nhóm thứ hai nhận viên tương tự nhưng không có hoạt chất. Nếu nhóm dùng thuốc có kết quả tốt hơn so với nhóm kia thì thuốc có tác dụng trị bệnh. Người tham gia chương trình đều không biết mình dùng chất gì. Đôi khi chính người điều khiển thử nghiệm cũng không biết.

Thuốc “trơ”được dùng cho những người luôn luôn than phiền đau ốm (bệnh tưởng -hypochondria), luôn luôn đòi hỏi thuốc mà bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, triệu chứng.

Hiện nay, hiệu quả placebo được hiểu rộng rãi hơn và bao gồm tất cả các phương thức được áp dụng để trị bệnh mặc dù từ bản chất chúng không có tác động nào. Đây có thể là một viên đường, một cục kẹo, một dung dịch nước pha muối, đường, một bữa ăn đặc biệt hoặc một phẫu thuật “cuội”.


Nghiên cứu về placebo

Đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của thuốc trơ.

Năm 1955, bác sĩ chuyên khoa tê mê Henry K. Beecher tại Đại học Harvard, Boston đã phân tích 26 nghiên cứu về thuốc trơ và thấy 35% trong số 1,082 bệnh nhân bị đau nhức, buồn rầu, đau bụng có đáp ứng thỏa mãn với loại thuốc vô thưởng vô phạt này. Ông đã công bố kết quả trên Tạp san của Hội Y Học Hoa Kỳ dưới tiêu đề “The Powerful Placebo”, được nhiều người tham khảo, nhắc nhở.

Năm 1960, một nghiên cứu khác cho hay khi bệnh nhân uống một chất được nói là có tác dụng kích thích thì huyết áp của họ lên cao, nhịp tim nhanh. Trái lại khi nói là thuốc ngủ thì có phản ứng ngược lại.

Trên báo The New York Times Magazine ngày 9 tháng 1 năm 2000, tác giả Margaret Talbot đã kể lại kết quả nhiều quan sát về thuốc trơ, trong đó có trường hợp một số bệnh nhân bị viêm đại tràng dùng thuốc vờ và 52% bệnh nhân cho biết họ cảm thấy khá hơn.

Hai khoa học gia Asbjorn Hrobjartsson và Peter C. Gotzsche phân tích 114 nghiên cứu từ năm 1946 tới 1998 với ba nhóm người có 40 loại bệnh khác nhau: nhóm 1 chữa bằng thuốc đặc nhiệm cho bệnh, nhóm 2 chữa với chất trơ, nhóm 3 không thuốc không giả dược. Kết quả là nhóm 3 có người cũng lành bệnh như nhóm thứ 2.

Một số nghiên cứu cho hay, người bị nhức đầu, đau lưng, viêm khớp, trầm cảm nói có thể thuyên giảm khi dùng giả dược. Hoặc placebo cũng có thể làm hạ cao huyết áp, nhiệt độ trên da, nhịp tim, cholesterol trong máu.

Ngày 4 tháng 1, 2008, nghiên cứu do bác sĩ John Hickner cho hay 45% bác sĩ tại ba bệnh viện ở Chicago đều cho bệnh nhân dùng giả dược và 95% các bác sĩ cho biết là bệnh nhân thấy dấu hiệu bệnh giảm rất nhiều.
 ( Còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang