Cỏ roi ngựa - Thuốc thông huyết, sát trùng
Tên khoa học Verbena offcifinalis L, họ cỏ roi ngựa verbenaceae. Còn có tên: mã tiên thảo, mã côn tiên. Cây sống lâu năm, thân hình vuông, mọc thành bụi, cao từ 70-120cm. Lá mọc đối, xẻ thùy hình lông chim có răng cưa, không bén, cuống lá ngắn hoặc dính sát cành.
Cụm hoa mọc đầu ngọn thân cây. Lá bắc có mũi nhọn. hoa mới trổ màu lam, dài, có lông măng với 5-7 răng nhỏ. Tràng hoa ống hình trụ uốn cong, mọc lông ở họng gồm 5 thùy bé, nhụy 4 thùy. Bầu nhẵn, dưới gốc có bầu đĩa tròn. Quả kết từ mùa xuân dài đến tháng 8. Thường mọc hoang khắp nơi, thu họach vào cuối thu cả cây và quả. Sử dụng tươi hoặc khô đều công hiệu.
Cỏ roi ngựa vị khá đắng, tính hàn, thường đi vào gan, lá lách và thận, chẳng những giải độc mà còn thanh nhiệt, hoạt huyết thông kinh mạch, sát khuẩn, cầm máu, trị sưng tấy, bạch đái, viêm mủ da, âm hộ, viêm thận mãn tính, sỏi thận và phù thủng ứ nước vàng.
Đơn thuốc:
Họng sưng đau: Cành và lá cỏ roi ngựa tươi một nắm to, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm một lượng sữa người vào, ngậm và nuốt dần từng ít một (Giang Tây Trung thảo dược học)
Bạch hầu: Dùng cỏ roi ngựa khô 30-50g, sắc lấy khoảng 300ml nước thuốc. Người lớn mỗi lần uống 150ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3 - 5 ngày, trẻ em 8 - 14 tuổi mỗi lần uống 100ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày; trẻ nhỏ dưới 8 tuổi mỗi lần uống 50ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3 - 5 ngày. Y dược vệ sinh khoa nghiên tư liệu 1/1972 thông báo: đã thử nghiệm điều trị 50 trường hợp, toàn bộ khỏi bệnh; thuốc viên và thuốc tiêm tác dụng kém thuốc sắc; cỏ tươi có tác dụng tốt hơn cỏ khô (Thảo mộc liệu pháp).
Sốt rét: Dùng cỏ roi ngựa khô 30-60g, sắc nước uống. Trước và sau lúc lên cơn sốt 1-2 giờ uống 1 lần. Đã tiến hành điều trị cho 236 ca, 216 ca có kết qủa tốt. Thuốc có tác dụng ức chế đối với nguyên trùng sốt rét (malarial parasite), khiến trùng bị biến hình và chết (Thảo mộc liệu pháp).
Ăn phải cá độc sinh cổ trướng: Cỏ roi ngựa một nắm to, sắc nước uống nhiều lần trong ngày (Tuệ Tĩnh - Nam dược thần hiệu).
Phòng viêm gan truyền nhiễm: Dùng cỏ roi ngựa 25g, cam thảo 5g, sắc với 150ml nước, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 40ml - đó là liều lượng 1 lần uống đối với người lớn, mỗi ngày uống 3 lần vào trước bữa cơm, liên tục trong 4 ngày. Trung y tạp chí 4/1960 thông báo: trong thời kỳ có dịch viêm gan truyền nhiễm, 74 người trong diện có nguy cơ bị nhiễm bệnh đã được sử dụng phương thuốc trên, theo dõi trong 4 tháng không thấy bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, nhóm đối chứng 35 người, có 3 người bị bệnh, như vậy sơ bộ có thể thấy mã tiên thảo có tác dụng dự phòng nhất định đối với bệnh viêm gan nhiễm trùng (Thảo mộc liệu pháp).
Hoàng đản (vàng da): Dùng rễ cỏ roi ngựa tươi hoặc toàn cây tươi 50g, sắc lấy nước, bỏ bã, pha thêm đường, chia thành 3 phần uống trong ngày; nếu vùng gan trướng đau thêm sơn tra 15g vào cùng sắc uống (Giang Tây Thảo dược thủ sách).
Đái ra máu và dưỡng chấp, kèm theo bí đái: Dùng cỏ roi ngựa 60g, sắc nước, chia thành 2 phần uống trong ngày. Phúc Kiến y dược tạp chí 3/1982 thông báo: có trường hợp đái dưỡng chấp 10 năm, sau đó lại thường bị bí đái; uống thuốc trên 2 ngày thì tiểu tiện thông, sau 3 ngày không còn đái ra máu, sau bốn ngày nước tiểu hết dưỡng chấp, tiếp tục theo dõi không thấy tái phát (Thảo mộc liệu pháp).
Trĩ nội: Dùng cỏ roi ngựa, rau dền gai, mỗi thứ 20g, sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục trong nhiều ngày. Tạp chí Quảng Tây trung dược học số 2/1977 thông báo: 1 nữ bệnh nhân 26 tuổi, bị trĩ nội xuất huyết đã 11 năm, sử dụng phương thuốc này trong nửa tháng đã khỏi bệnh, 2 năm sau không thấy tái phát (Thảo mộc liệu pháp).
Viêm khoang miệng: Dùng cỏ roi ngựa tươi 30g, sắc nước, uống thay trà trong ngày. Sách Thảo mộc liệu pháp cho biết trường hợp 1 bé gái 4 tuổi, khoang miệng bị viêm đã 4 tháng, nhiều điểm bị mưng mủ, chân răng hay chảy máu, miệng hôi, lưỡi đỏ; đã điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp với vitamin B2 và vitamin C nhưng không có kết quả. Dùng phương thuốc này trong 5 ngày bệnh đã khỏi, theo dõi một năm sau không thấy tái phát.
L/Y Huyên Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét