ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Những niềm tin lẩm cẩm

Những niềm tin lẩm cẩm
    ( ở Việt Nam)
       Một ông chủ hàng thịt chó danh tiếng ở Hà thành kể với tôi: Đầu tháng, mùng 1 tới mùng 3 hàng em nghỉ, nhân viên "đi phép" về quê. Từ mùng 4 túc tắc ngày vài con. Sau rằm mới tăng tốc. Ngày cuối tháng: trăm con, cả nghìn khách...
Người ta ăn thịt chó theo lịch mặt trăng, ra thế! Có người đầu tháng kiêng cả thịt vịt. Nhưng lại ăn ngan. Vì sao? Một ông thích đùa giải thích lung tung: Ngan là lính thủy đánh bộ, bơi dưới nước đấy, những ngan đực muốn "đánh nhau” với ngan cái thường rủ nhau lên bờ, như thế là tốt, ăn đầu tháng được (?). Bọn trẻ đi thi còn bị bố mẹ bắt kiêng ăn chuối, chè đỗ đen, trứng cũng kiêng vì sợ điểm không…Người đô thị văn minh mà còn mê tín đến thế, chả trách dân quê.

Ai có dịp qua phố Hàng Mã đều ngạc nhiên như vào phòng makét của nhà hát múa rối. Người ta đốt xuống âm phủ tất cả những gì dân thành phố thường dùng và có cả theo sở thích của người đã khuất. Có bà đốt cho ông xe hơi, nhà lầu, tivi, tủ lạnh, dàn VCD, lại còn chiều ông đến mức hóa luôn cả 2 cô hình nhân mắt xanh mỏ đỏ. Bà bảo: Lão ấy mà không có ca ve là về nhà gắt như mắm tôm. Thế từ hôm cử 2 em xuống phục vụ, có chiêm bao thấy lão ta về đòi gì không? - Ôi dào! Em còn lạ gì tính lão, có líp chặt với bọn 8X, thiết gì về nhà nữa (?!)

Có lần ở chùa Hương thấy mấy ông bà thành phố đội cả mâm lễ mặn lên bàn thờ Phật: gà, giò nạc, chả quế, bia lon, thuốc 3 số… Tôi hỏi, vị sư buồn rầu trả lời: Phật ăn chay ông ạ, họ mang đi pích ních ăn với nhau là chính, tiện thể thì bày lên thế thôi. Có vị chức sắc đi đâu, làm gì cũng tính ngày lành, khi duyệt kế hoạch hội nghị trong ngành mà thấy không được ngày là bút phê liền. Tuy nhiên, nếu cấp trên triệu tập họp thì ngày sát chủ ông cũng hăng hái đi luôn. Thì ra, niềm tin hay tâm linh của các vị cũng nửa đùa nửa thật. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nếu ngược lại cũng vẫn là là người đô thị như nhau. Phú quý sinh lễ nghĩa. Còn người nghèo, thu nhập thấp (tức là xếp diện cận nghèo), giữ lấy lễ phép, chưa biết ai hơn ai!

Bạn tôi là cậu cả con bà hai, ông cụ hy sinh thời chống Mỹ. Ngày giỗ, anh về quê ăn giỗ với mẹ già, cụ cúng chồng theo ngày âm. Còn mẹ anh, dân thành phố lại giỗ chồng theo ngày dương trong giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công. Tôi hỏi sao không thống nhất thành thị với nông thôn, anh cười, cứ để thế hay hơn, hợp nhất lại mình mất một bữa rượu. Các hãng du lịch quốc tế không bao giờ tính ngày kiểu ta để lập tua. Họ bảo, kiêng cữ chỉ thiêng ta với ta, quốc tế họ là nước phát triển, cần gì ngày nọ ngày kia. Mê tín lẩm cẩm như dân ta thì nghèo suốt đời.

Theo Người đô thị
....................................................................
…Còn trên thế giới

      Đến nay, có lẽ không ai dám bảo rằng con số 13 là không xui xẻo. Đến Mỹ, bạn dễ dàng bắt gặp những khách sạn sang trọng, hoành tráng, không hề có phòng số 13 hay tầng số 13, ngay cả bàn số 13 trong nhà hàng ăn cũng không có. Trên một số con đường, người ta đi từ số 12 sang 12 bis rồi nhảy sang số 14, làm như con số 13 chưa hề có mặt trên đời này. Không riêng gì Mỹ, ở Pháp và nhiều nước phương Tây khác cũng thế, đặc biệt là thứ Sáu, ngày 13 lại càng tối kỵ. Ở các nước Anglo-saxon, hầu như không ai đi du lịch vào ngôn thứ Sáu, ngày 13 cả.

Sự mê tín này được phần đông giải thích căn cứ vào ngày mất của Chúa Jesus Christ (thứ Sáu) cũng là ngày ông Adam và bà Eva bị trục xuất khỏi Thiên đàng sau khi ăn một trái cấm quá ngon, là ngày Cain giết anh là Babel, ngày thánh Jean Baptiste bị xử tử… Ở Anh, truyền thống xử giảo (treo cổ) tội nhân vào ngày thứ Sáu quen thuộc đến nỗi thứ Sáu còn được nhiều người gọi là "ngày của những kẻ bị treo cổ". Con số là còn liên hệ đến một sự kiện khác được ghi trong Kinh Thánh, đó là bữa tiệc cuối cùng của chúa Jesus với 12 vị thánh tông đồ, cộng lại thành 13 người. Ngày nay, khi gia đình tổ chức tiệc, nếu có chủ lẫn khách chỉ có 13 người thì chủ nhà phải tìm cho được vị khách thứ 14.

Ngày thứ Sáu và con số 13 cũng có một cách giải thích khác bắt nguồn từ một số tin tưởng tồn tại trước ngày Chúa giáng sinh: người ta tin rằng cứ mỗi ngày thứ Sáu, có 12 tảo phù thủy cùng một con quỷ tụ họp lại với nhau để bàn bạc việc gieo rắc chuyện kinh hoàng cho con người.

Tuy nhiên, xin chớ tưởng con số 13 là con số độc quyền của sự mê tín. Ở Ý, nhiều người rất kỹ con số 17, bởi vì con số này viết theo kiều cha số La Mã là XVII, theo phép đảo chữ (anagramme), có thể viết thành VIXI, mà trong tiếng Latin, VIXI có nghĩa là "Tôi đã từng sống", tức là "Tôi đã chết". Trong giới trẻ "sành điệu” hiện nay, có điện thoại mang bốn con số 4 (4444) là một niềm tự hào lớn lao, không dễ gì có được nhưng với người Nhật Bản thì không có gì đáng sợ bằng bồn con số này. Trong tiếng Nhật, con số 4 đọc là "shi”, mà âm “shi” cũng có nghĩa là "chết", có đến bốn con số 4 thì không còn có hy vọng gì… thoát chết!
Hồi thế chiến thứ nhất (1914 - 1918), có một điều mê tín rất...dễ thương và cảm động. Tại mặt trận Verdun ở Pháp, trước khi tham dự một trận đánh, nhiều người lính soát xét lại trong túi mình có còn chiếc vé khứ hồi tuyến xe điện ngầm hay không. Họ mua vé khứ hồi để luôn sống với niềm tin rằng một ngày nào đó sẽ trở về đoàn tụ với gia đình. Họ tin chiếc vé đó có đủ uy lực giúp cho sự thực diễn ra đúng như mơ ước. Câu chuyện này được thi hào Pháp Guillaume Apollinaire nhắc lại như một trong những điều mê tín của con người khi đối mặt trước hiểm nguy, một cách giải stress và xua đuổi phần nào nỗi lo trước cái chết đang cận kề.
Ngày trước, các thủy thủ đi biển lâu ngày, cuộc sống may rủi khôn lường nên họ có nhiều kiêng kỵ khó hiểu so với người bình thường, chẳng hạn như không ai được chúc họ "thượng lộ bình an". Họ cũng không bao giờ mang lên tàu vật dụng có hình con thỏ. Chuyện kể rằng ban đầu, các thủy thủ đoàn thường mang những con thỏ lên tàu cho vui, ai ngờ có những con trốn khỏi tay chủ và gặm nhấm gỗ thành tàu và tàu bị chìm. Từ đó, con vật hiền lành này trở thành biểu tượng đáng sợ của người đi biển. Ngày nay, điều mê tín này đã không còn những thủy thủ thường sờ vào chiếc mũ có túp len màu đỏ đề cầu may.

Câu chuyện mê tín về chiếc gương soi cũng bắt nguồn từ một giai thoại thú vị. Vào thế kỷ XV, những chiếc gương soi đầu tiên sản xuất tại Venice (Ý) rất đắt tiền và dễ vỡ nên các bà chủ nhà thường xuyên căn dặn, răn đe đám hầu cận trong nhà hết sức thận trọng để không làm vỡ gương. Không lâu sau, ngoại trừ trường hợp có ý “đập cố kính ra tìm lấy bóng” như vua Tự Đức, những ai vô ý làm vỡ gương soi đều lo sợ điều đó sẽ mang lại xui xẻo cho khổ chủ.

Trường hợp chiếc dù (ô) cũng tương tự. Chúng được ra đời trước tiên ở London (Anh) vào thế kỷ XVIII, có những chiếc gọng bằng kim khí cứng và khó giương, có thể gây nguy hiểm cho người và vật chung quanh. Ngày nay vẫn còn nhiều người không dám giương dù trong nhà do tin là làm việc này sẽ gây xui xẻo cho người có dù. Dù sao mê tín này cũng có lợi của nó: giương dù trong nhà y chật chội thì kèo dù có thể làm mù mắt như chơi.

Gần với chúng ta hơn, ngày 12/7/1998, đội tuyển bóng đá Pháp đoạt chức vô địch bóng đá thế giới. Trước mỗi trận đấu, trung vệ Laurent Blanc lại tiến đến ôm hôn thắm thiết cái đầu bóng láng của thủ môn Fabien Barthez, vì tin rằng hành động này sẽ mang lại may mắn cho đội bóng. Hai năm sau (2000), đội tuyển Pháp lại đoạt chức vô địch châu âu và cái đau hói của Barthez lại một lần nữa được tuyên dương. Ngày nay, nhiều đội bóng Châu Âu cũng có những chuyện mê tín tương tự. Họ có nhiều màu áo khác nhau, khi họ thắng trận trước trong màu áo nào thì trận sau cũng sẽ đá trong màu áo đó và sẽ có tranh đấu giữ cho được màu áo này trong trường hợp đối thủ có cùng màu áo.

Đó là những chuyện mê tín còn có thể giải thích bằng cách này hay cách khác, hoặc truy nguyên nguồn gốc của chúng. Trong sinh hoạt của con người hôm nay, còn lăm điều mê tín khác, trong đó nhiều điều không biết giải thích cách nào hay tìm xuất xứ từ đâu.
Xin kể một số trường hợp để mỗi chúng ta có thể tránh đụng chạm đến chúng, giúp cho những giao tiếp hàng ngày, nhất là trên thương trường được trôi chảy:

- Nếu một phụ nữ đặt hai chiếc thìa lên cùng một cái đĩa thì điều đó có nghĩa là bà sẽ sinh đôi, hai đứa bé có tóc vàng (Anh). Nếu trẻ con xếp cuống bắp cải quanh cửa chính và cửa so của một ngôi nhà trong ngày lễ Halloween thì các bà tiên sẽ mang đến cho chúng một đứa em trai hay em gái (Scotland).
- Đứa trẻ sẽ sinh ra với cái đau cá nếu bà mẹ không chịu từ bỏ sự đam mê ăn cá (quan niệm của người Canada nói tiếng Pháp).
- Nếu bà mẹ mang giày cao gót khi mang thai, đứa con sinh ra sẽ bị lác (lé) mắt (Guyana).
- Trước ngày cưới không nên mua một chiếc đồng hồ khác, vì điều này tiên báo là mối quan hệ nam nữ đang đi đến kết thúc.
- Nếu chỉ thổi trong một hơi mà tắt hết tất cả các cây nến trên chiếc bánh sinh nhật thì những gì đang cầu mong sẽ trở thành hiện thực.
- Đối với người phương Tây, con mèo đen tượng trưng cho những điều xui xẻo nhất.
- Đặt một chiếc nón trên giường là điềm không may (Nam Carolina, Mỹ).
- Đặt chìa khóa trên bàn cũng là điềm không may (Thụy Điển).
- Ở Argentina, nhiều người tin là từ menem đồng nghĩa với xui xẻo nên dân chúng thường dùng chữ Mendez thay vì Menem để gọi tên họ của cựu Tổng thống Cailos Menem.
- Khi bạn đang nói về một điều may mắn, hãy dùng tay gõ vào gỗ.
- Chim hoang dã bay vào nhà là điềm chẳng lành.
- Cắm cây đũa thẳng đứng trong một chén cơm là dấu hiệu của cái chết.
- Nhìn thấy một con cú vào ban ngày là điềm chẳng lành.
- Làm rơi một cây dù trên sàn nhà nghĩa là sẽ có một án mạng trong nhà.
- Treo chiếc móng ngựa ở cửa ra vào sẽ có được nhiều vận may.
- Không bao giờ nên đi qua dưới một chiếc thang.
- Tiếng chuông gióng lên là để xua đuổi ma quỷ.
- Làm rơi một cây nĩa có nghĩa là sắp có khách đến chơi.
Theo Lê Cẩn
Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang