ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Suy ngẫm về nền học vấn nước nhà

Xin đăng lại bài viết trên VietNamNet năm 2006, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Quan chức học giả, bằng thật đầy rẫy, nói nhiều vẫn vậy thôi. Tại sao các cấp lãnh đạo ở Việt Nam bằng cấp cao nhiều như vậy, nhưng kinh tế thì cứ lẹt đẹt mãi. Trước thì đổi cho bao cấp, giờ thì lại đổ tại mặt trái của kinh tế thị trường???.

Viết luận án thuê "ký sự"

(VietNamNet) - Có được cuộc sống như hôm nay, ngoài đồng lương khiêm nhường, tôi phải vô cùng biết ơn một nghề khác, nghề viết luận văn. Dẫu nhọc nhằn nhưng nó đã mang lại cho tôi một nguồn thu nhập đáng kể.
Từ chuyện viết bài cho các tạp chí. Cách đây dăm năm, một cô bạn nhờ tôi biên tập cho một bài viết để đăng trên một tạp chí kinh tế. Bài viết có tên: “Tín dụng cho các hộ trang trại”.
Sau khi đọc xong bản thảo, dẫu không muốn bạn buồn, nhưng tôi cũng phải thành thực buông một câu: Chịu! Điều đơn giản, ý tưởng bài viết không mới, các dẫn liệu thực tế sơ sài, lập luận thiếu sức thuyết phục. Thấy cô nài nỉ, tôi đưa ra một giải pháp: Cần phải khảo sát kỹ hơn mô hình kinh tế trang trại, các dự án kinh doanh, tính khả thi, nhu cầu vốn và khả năng thu hồi... Từ thực tiễn đó sẽ đưa ra các giải pháp, kiến nghị.

Bẵng đi một thời gian, bạn tôi quay lại, vẫn với thái độ thiết tha, nhiệt tình đến kỳ lạ. Hỏi nguyên nhân, cô mới tiết lộ: Đang chuẩn bị thi nghiên cứu sinh... Tiến sỹ, cần phải có bài đăng tạp chí để tính điểm. Tôi chợt hiểu ra vấn đề. Nhưng cũng đành thú thật là viết như vậy là chưa được.

Bạn tôi chuyển hướng: "Em bận quá, lại không quen, hay anh viết hộ em?". Thấy thái độ cầu thị đến thành khẩn, tôi không thể từ chối.
Bài viết được đăng, chỉ khác mỗi điều, tên tác giả không phải là tôi. Chủ nhật tuần đó, bạn đến nhà, cùng với quà cáp là những lời cám ơn rối rít. Tưởng như thế cũng là quá đủ, vì đằng nào thì bài viết tôi vẫn lĩnh nhuận bút. Thế nhưng sau đó thấy cô vào nhà trong nói chuyện với vợ tôi như chỗ chị em thân thiện lắm. Khi quay ra chào tôi ra về với thái độ vội vã, thấy trong túi vợ tôi thập thò cái phong bì. Tiễn khách xong, quay vào nhà, vợ tôi giải thích: Cô ấy bảo đây là chút thù lao thuốc nước cho anh, chị nhận hộ em!
Tôi thì ái ngại nhưng vợ thì tỏ vẻ hý hửng ra mặt. Sau này tôi mới vỡ lẽ ra rằng, cũng như những người đàn bà khác, rằng các bà vợ đều có nhu cầu tự hào về chồng mình. Sau vụ đó, số lượng khách hàng nhờ tôi viết bài tăng dần. Việc tiền bạc thu được bao nhiêu tôi không biết nhưng sự thay đổi tính nết của vợ tôi thì quá rõ. Cô ấy nhìn tôi với thái độ tôn trọng đến thành kính! Điều quan trọng hơn là không còn bộ mặt cau có với tôi trong những lần về nhà muộn. Thi thoảng, lỡ có mùi cồn thì cũng được ân cần hơn.
Ba quy luật cần thiết
Sau này có kinh nghiệm, việc viết bài cho các tiến sỹ tương lai để đăng trên các tạp chí trở nên nhẹ nhàng hơn. Tôi đã rút ra được một số quy luật cần thiết cho dạng bài loại này.

Thứ nhất là phải nắm chắc các nghị quyết. Quan trọng nhất là nghị quyết của các kỳ đại hội, sau đó là nghị quyết các kỳ họp. Phải thuộc từng nghị quyết và tốt nhất là lưu vào máy tính. Từ tinh thần đó, chế tác theo yêu cầu ngành nghề, làm rõ tính khoa học của các nghị quyết và đặc biệt là tư tưởng đổi mới sáng tạo, tập trung trí tuệ của nghị quyết.
Thứ hai là làm nổi bật yêu cầu của các dự án, hiệu quả xã hội, tạo việc làm, khai thác tiềm năng đất đai, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết.
Thứ ba là nhớ rõ nhu cầu của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh v.v và v.v. Cứ phương châm ấy, tôi trở thành "chuyên gia" trong việc viết bài cho các tạp chí.
Bẵng đi một vài năm, tôi cũng không còn nhớ là mình đã viết hộ bạn bè bao nhiêu bài và đã từng đăng ở bao nhiêu tạp chí. Vì các bài viết đó, trước hết là không mang tên tôi, sau nữa tôi cũng không còn nhớ nổi là mình đã viết những gì vì thật khó mà phân biệt giữa các bài. Các chủ đề từ tín dụng, cổ phần hóa, thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối, hội nhập, thu hút vốn FDI... đủ cả.
Đến chuyện viết luận án
Sau một thời gian viết bài cho các nghiên cứu sinh, tôi được mời đến dự các buổi bảo vệ luận án và dĩ nhiên, được biếu các luận án tiến sỹ. Với ý định trau dồi nghề và có thể đi xa hơn, tôi dành thời gian đọc kỹ. Thấy có quá nhiều điều không ổn, để đưa ra một lời khuyên chân thành, tôi thường đánh dấu vào những chỗ đó và đưa ra nhận xét của mình.
Bạn tôi bảo, anh nói rất đúng nhưng cái này hội đồng duyệt rồi, và đó mới là điều quan trọng. Dẫu những góp ý của tôi không được tiếp thu nhưng bù lại, tôi được tín nhiệm trong việc viết luận án.
Người đầu tiên nhờ tôi chắp bút là giám đốc doanh nghiệp quốc phòng ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Anh tâm sự, cứ mối lần hội họp, lễ lạt, thấy giới thiệu khách toàn giáo sư, tiến sỹ là được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Con gà tức nhau tiếng gáy, anh cũng phải quyết tâm “tậu” một cái để khỏi thua chị kém em.
Việc thi cử đầu vào đã có mấy ông bạn ở trường giúp. Riêng cái khoản luận án cũng nhờ họ nốt thì mang tiếng, đành tìm đến tôi. Chỗ bạn bè không tiện từ chối, tôi đành nhận lời.
Việc đầu tiên là đọc lại một số quyển mà bạn bè tặng và rút ra một số kết luận: Với một đề tài nghiên cứu, luận án thường được cấu trúc thành 5 phần: 1- Cơ sở lý luận; 2- Cơ sở thực tiễn; 3- Hệ thống khái niệm thuật ngữ; 4- Tính cấp thiết của đề tài; 5- Giải pháp hoàn thiện và kiến nghị. Cứ cấu trúc đó mà bồi đắp, tức khắc sẽ thành.
Cũng qua những buổi bảo vệ luận án ở một số Viện và các trường ĐH, tôi tìm ra bí quyết nghề nghiệp là: phải trích dẫn thật nhiều kinh điển. Rằng, Marx đã nói vấn đề này thế nào, Lênin đã nói ra sao, nghị quyết các kỳ... càng trích nhiều càng tốt, đặc biệt là ở những tác phẩm do các nhà xuất bản nước ngoài in ấn.
Sau mỗi luận án là danh sách dài dằng dặc những tài liệu tham khảo khiến những ai yếu bóng vía phải choáng váng. Thời buổi hội nhập, thi thoảng đưa thêm một vài tên tuổi của các nhà khoa học ở ĐH đang giảng dạy ở các trường đại học lừng danh như Harvard, Yale hay Cambridge hoặc một vài cuốn sách của các giáo sư người Mỹ hay Canada, Pháp... Mặc dù trên thực tế, tôi chưa hề đọc những cuốn sách đó, chỉ mới có dịp lướt qua hoặc nghe giới thiệu ở đâu đó.
Dĩ nhiên, phần mở đầu bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: “Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào”.
Hoàn thành xong bản thảo, tôi dành khoảng 1 giờ trình bày vắn tắt cho bạn tôi về những tinh thần chính của luận án. Trên cơ sở đó, anh viết bản báo cáo tóm tắt công trình nghiên cứu khoa học. Đây mới là thứ mà anh phải bảo vệ trước hội đồng. Thứ này thì anh phải viết, vì có viết mới thuộc bài. Nếu không, sẽ mất thể diện trước hội đồng. Cũng may, anh là người nhanh hiểu nên mọi việc đều thông đồng bén giọt mà không gặp trở ngại đáng kể nào. Buổi bảo vệ của anh thành công tốt đẹp với điểm bình quân là 9,4.
Cùng với nghề viết luận án là việc viết các đề tài nghiên cứu khoa học. Các giáo sư, tiến sỹ ở các viện sau khi nhận được đề tài cấp nhà nước hay cấp bộ là có thể ứng ngay một khoản tiền. Có tiền, họ chỉ việc đi thuê chúng tôi điều tra số liệu, viết thành công trình rồi tổ chức một vài cuộc hội thảo, cuối năm quyết toán. Thế là xong. Là những nhà khoa học chủ đề tài, họ có một khoản thu nhập đáng kể. Còn những người như tôi có thêm việc làm.
Giờ đây, đơn đặt hàng khá dày khiến tôi không còn thời gian để thở, đôi lúc phải nhờ bạn bè làm hộ. Có người khuyên tại sao không thành lập hẳn một công ty để hoạt động cho đúng luật, lại có quyền xuất hóa đơn hẳn hoi.
Nghe lời khuyên, tôi lên phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH-ĐT thành phố hỏi thủ tục. Ông trưởng phòng cấp phép cho biết: Hiện tại trong danh mục ngành nghề kinh doanh, chưa có nghề viết luận án. Tôi ngậm ngùi ra về và không quên đề nghị: Sở KH-ĐT thành phố cần nhanh chóng bổ sung ngành nghề viết luận án, một nghề đang rất có triển vọng phát triển ở nước ta.
• Thế Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang