Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO) đã xác nhận từ đầu tuần này (20.10.2014) rằng Nigeria đã hoàn
toàn đẩy lùi đại dịch sốt xuất huyết do vi khuẩn Ebola và các bác sĩ tại đây
cho biết họ đã hành động với một “mẹo” rất đơn giản (sinple trick): uống nước
thật nhiều.
Là quốc gia đông dân nhất, lại nằm ở tâm vùng dịch
Ebola ở Tây Phi, Nigeria là nơi mà WHO lo ngại nhất, dự đoán rằng nếu dịch bùng
phát thì mức lây lan sẽ bùng phát với mức độ 10,000 người nhiễm bệnh mỗi tuần.
Nhưng cho đến nay quốc gia trên 160 triệu dân này chỉ
có 20 người nhiễm bệnh, trong đó chỉ có 8 người thiệt mạng, một tỷ lệ rất thấp
so với tỷ lệ tử vong lên đến 70 phần trăm tại các quốc gia láng giềng.
Đến đầu tuần này, sau 42 ngày không phát hiện trường
hợp nhiễm mới, WHO đã đi đến kết luận nói trên. Theo Rui Gama Vaz, Giám đốc của
WHO tại Nigeria thì những kinh nghiệm mà Nigeria có được trong việc kiểm soát
virus Ebola lần này là bài học quý giá và ánh sáng hiếm hoi trong đại dịch lần
này.
Trong khi đó
thì những bác sĩ Nigeria chiến thắng cơn bệnh này cho biết thành công của họ là
nhờ một mẹo rất đơn giản: hãy ráng uống thật nhiều nước, dù thực sự không muốn
uống.
Nữ bác sĩ Ada Igonoh, một người đã nhiễm virus Ebola
và chiến thắng cơn bệnh, cho biết việc này không dễ dàng: cô phải uống ít nhất
5 lít nước mỗi ngày, trong thời hạn liên tiếp 5 hay 6 ngày khi cổ và họng rát bỏng,
toàn thân mệt nhừ, không muốn uống chút nào.
Cô trình bày
với phóng viên hãng tin The Associated Press: “Trong tình thế đó bạn sẽ không
muốn uống bất cứ thứ gì. Bạn rất yếu và trong khi cổ họng đau rát, bạn không thể
nuốt, bạn phải cố đưa nước vào cơ thể dù muốn ói ra, vì bạn cần nó! Tôi phải
lòng dặn lòng, nói với chính tôi “Tôi phải uống thứ nước này, bất kể mùi vị của
nó thế nào”.
Theo Bác sĩ
Simon Mardel, một trong những chuyên gia hàng đầu của thế giới về sốt xuất huyết
cho biết con số tử vong cao là không biết điều trị. Theo ông thì khi bị sốt,
các bệnh nhân cần uống nước nhiều để chống lại tình trạng mất nước do căn bệnh
gây ra. Tình trạng tử vong cao là do những người nhiễm bệnh khi bị sốt đã dùng
thuốc để hạ thân nhiệt và việc này càng gây hại cho họ. Nếu đừng sử dụng thuốc
giảm nhiệt mà chỉ uống nước thôi, số tử vong sẽ có thể giảm đi một nửa!
Tuy nhiên bên cạnh đó là chính sách và cách tổ chức
của chính phủ Nigeria để tìm kiếm và cách ly những người nhiễm bệnh, ngăn chặn
nguy cơ lây lan.
Trường hợp
nhiễm Ebola đầu tiên của Nigeria xuất hiện vào tháng Bảy khi ông Patrick
Sawyer, một luật sư Mỹ làm việc tại nước này bị dịch ở Liberia, đã té xỉu khi về
đến phi trường Lagos ở Nigeria với triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Ebola.
(Sawyer sau đó chết ngày 24.7.2014)
Lúc này không chỉ dư luận Nigeria mà thế giới bên
ngoài đều lo sợ: dịch bùng phát tại nước có trên 160 triệu dân và là nền kinh tế
lớn nhất châu Phi này sẽ bùng phát ra cả thế giới. Dân số Nigeria gấp 8 lần tổng
dân số của Guinea, Sierra Leone và Liberia, nơi căn bệnh đang hoành hành. Sự lo
sợ này là có cơ sở vì hệ thống y tế thiếu thốn Nigeria sẽ bị quá tải, không tài
nào khống chế được con virus này trong một dân số như vậy. Trong khi đó quốc
gia này đang bị rối ren với các vụ tham nhũng trong khi quân đội thì bị lúng
túng trong cuộc chiến với phiến quân Hồi giáo ở miền Bắc Nigeria.
Bác sĩ Simon
Mardel, chuyên gia quốc tế về những căn bệnh mới xuất hiện, diễn tả ảnh hưởng của
một căn bệnh như vậy như là một loạt các vòng luẩn quẩn: bệnh sẽ tấn công cá
nhân trước, rồi xã hội chung quanh cá nhân đó. Trên hai khía cạnh này Nigeria
có vẻ đều sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Tuy nhiên nhờ một nỗ lực hiếm có của chính quyền và
các tổ chức tư nhân, Nigeria đã ngăn chặn cơn dịch.
Khi bệnh nhân Ebola đầu tiên bị phát hiện, tổng thống
Nigeria đã ký một nghị định khẩn cấp cho phép các viên chức hữu trách lục soát
các cú điện thoại di động và cho họ quyền của các cơ quan an ninh truy nã những
người có nguy cơ nhiễm bệnh nếu cần thiết. Sau đó, chính quyền tiểu bang Lagos
lắp đặt một hệ thống theo dõi khắt khe tất cả những trường hợp có thể bị nhiễm
bệnh.
Bác sĩ Eilish Cleary, một chuyên gia về y tế công cộng
được WHO thuê để theo dõi những người sống sót ở Nigeria giải thích: “Họ tổ chức
rất hệ thống. Họ bỏ hết sức ra truy cho được các liên lạc. Ở Mỹ, bà vợ (của ông
Duncan) đã phải chịu đựng năm ngày trong đống đồ đạc bị nhiễm virus. Ở đây họ tẩy
trùng ngay tức khắc”.
Tổng cộng có
20 người Nigeria bị nhiễm bệnh, trong đó 8 người chết. Tuy nhiên các viên chức
chính phủ và tình nguyện viên đã truy ra hơn 800 người đã có tiếp xúc trực tiếp
hay gián tiếp với trường hợp ông Sawyer. Những người này bao gồm cả hai nhà thờ
ở thành phố Port Harcourt nơi mà ông ta thường đi lễ.
Thêm vào đó, nhiều bệnh xá tư và phòng mạch được huấn
luyện trong việc nhận diện bệnh nhân bị Ebola, và cách ly người bị nghi nhiễm bệnh
họ ra khỏi cộng đồng cho đến khi họ được đưa tới các khu cô lập. Một chiến dịch
thông tin và giải đáp được chính phủ tổ chức trên các trang mang xã hội... Qua
đó, Nigeria đã cho thấy sự quan trọng của việc thông tin công cộng với những cố
gắng y tế để giới hạn căn bệnh lây lan.
Tuy nhiên giới bình luận cho rằng Nigeria đã may mắn
là ông Sawyer đến đây qua đường hàng không, và đến ngay thủ đô thương mại của
Nigeria và bước vào một trong những phòng khám tư hàng đầu ở Lagos. Họ sẽ có
nhiều khó khăn hơn, nếu một trường hợp khác đến bằng đường bộ và rơi vào tay điều
trị ở một bệnh viện công ở một tỉnh lẻ.
Tuy nhiên giới bình luận cũng thừa nhận rằng Nigeria
đã dạy cho thế giới một bài học: muốn chống lại Ebola thì cần bình tĩnh, không
nên hốt hoảng và đổ lỗi cho nhau vì việc này sẽ chỉ làm cho tình hình thêm trầm
trọng. Bình tĩnh, phổ biến kiến thức, hợp tác với nhau để tìm cho ra và cô lập
những người có tiềm năng truyền bệnh sẽ giúp chặn đứng căn bệnh.
Liên quan đến
đại dịch Ebola, cũng từ đầu tuần này WHO cho biết virus Ebola đã biến thái
thành trên ba trăm phiên bản và những đột biến như vậy khiến cho bệnh lây lan
nhanh chóng, khó tìm thuốc chủng hơn.
Hiện nay, có
6 loại virus, mỗi loại trong số đó lại nhanh chóng phát triển thành các dạng nhỏ
khác. Tại thời điểm này có bao nhiêu dạng virus đã được hình thành, không ai
tính được chính xác. Các chuyên gia virus học cho hay ngoài loại virus đầu
tiên, được phát hiện ở Zaire (nay là Congo) vào năm 1976, hiện có các kiểu gen
khác nhau biến đổi từ nó. Đó là virus Ebola-Sudan.
Một loại khác được phát hiện ở Côte d'Ivoire. Có loại
được tìm thấy ở Uganda. Sau nữa, virus Reston được phân lập tại Mỹ và Ý từ những
con khỉ Philippines. Gần đây nhất là kiểu gen virus Ebola được phân lập từ dơi ở
Tây Ban Nha. Thành ra, một nhóm virus không đồng nhất, khác hẳn với nguyên mẫu
virus Ebola. Sự đa dạng đó cho thấy sự phát triển. Do đó, các đột biến nhất định
diễn ra.
Điều đáng lo
nhất là mỗi chủng virus lại đòi hỏi loại thuốc chủng riêng. Ví dụ, trong một thời
gian dài có loại thuốc chủng chống virus Ebola-Zaire và Ebola-Sudan. Nhưng các
thuốc chủng này chỉ thành công đối với những chủng do chúng tạo ra. Tức là thuốc
Ebola -Zaire không hiệu quả trong tất cả các trường hợp sốt Ebola khác.
Cần phải có một loại thuốc chủng tổng hợp. Giờ đây
các chuyên gia trên toàn thế giới đang làm việc để chế tạo loại thuốc chủng như
vậy. Đã có những bước tiến triển, nhưng để sử dụng rộng rãi thì phải chờ khoảng
sáu tháng hoặc một năm nữa.
Trong khi đó thì tính tới ngày 19.10.2014 thì đã có
đã có tới 4,555 người thiệt mạng trong tổng số 9,216 người nhiễm bệnh.
Hiện WHO chia 7 nước đang bị ảnh hưởng bởi virus
Ebola thành 2 nhóm:
Nhóm thứ nhất gồm có 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất
đó là Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Nhóm 2 gồm Nigeria, Senegal, Tây Ban Nha và Mỹ là những
nước có ít ca nhiễm mới nhưng khả năng cách ly cao, trong đó Nigeria đã được
xóa tên.
Vấn đề khó khăn là các triệu chứng ban đầu của bệnh
Ebola tương tự như bệnh cúm hoặc cảm lạnh – bệnh nhân cảm thấy người yếu, sốt,
đau họng. Và chỉ một vài ngày sẽ bị nôn, tiêu chảy, phát ban, chảy máu nội tạng
và bên ngoài. Khi xuất hiện những biểu hiện đó bệnh dễ dàng chẩn đoán và cách
ly bệnh nhân, nhưng thời điểm này thường bị bỏ qua.
Theo WHO, nếu thế giới không thể đối phó với dịch bệnh
Ebola thì mỗi tuần sẽ có khoảng 10,000 người bị lây nhiễm.
Nguyên Quốc (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét