ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE

PHONG BENH HON CHUA BENH

TRI THUC LA SUC MANH

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Tự đánh giá lực tu của chính mình qua từ " GHÉT"

Bạn tu rất tinh tấn, Bạn còn ghét ai không ? Hãy tự nhìn lại chính bản thân mình mà đánh giá chúng ta đã đạt được những gi khi hành trì, người đời lý luận, vọng ngôn thì nhiều nhưng chắc Phản quan tự kỷ chúng ta sẽ nhận ra chính mình. Bài viết " Nếu Tâm Còn Ghét Người Sẽ Không Vãng Sanh " cũng là một phép phản quang tự kỷ nhìn lại chính mình.

Hòa thượng Tịnh Không nói, niệm Phật mà còn ghét một người nào thì mình không được vãng sanh. Nghe lời pháp của Ngài ta phải ứng dụng liền, ta phải thực hiện ngay cái phương pháp này liền. Một tháng trước ta sơ ý chuyện này? Chấp nhận! Tại vì lúc đó ta còn mê muội. Nhưng hôm nay có người nhắc nhở, chúng ta phải giật mình tỉnh ngộ. Đây là lời nói của ngài Tịnh Không, và lời nói của ai nữa? Chư Phật đều nói như vậy. Tại vì muốn cảm ứng được với A-Di-Đà Phật, muốn hội nhập hay gọi là câu hội với chư Thượng Thiện Nhân trên cõi Tây Phương thì…

Nhất định cái tâm này phải là Tâm Thiện.

Nhất định phải là Tâm Tịnh.

Ngài Tịnh Không nói là “THUẦN THIỆN THUẦN TỊNH”. Cho nên khi nhắc lại mình mới thấy rõ rệt là mình nghe lời pháp của Ngài mà mình không thực hiện được lời pháp của Ngài.

Thuần Tịnh là sao? Là nhất định cái tâm này không có chao đảo, tâm này không có loạn động.

Thuần Thiện là sao? Nhất định một niệm ác cũng không xảy ra. Ráng cố gắng làm như vậy.

Nếu nó xảy ra thì sao? Ngay lập tức phải bỏ liền, ngay lập tức lúc đó phải sám hối liền.

Bằng cách gì? Niệm câu A-Di-Đà Phật ngay lúc đó. Nếu mà làm được như vậy thì tất cả chúng ta ở đây ai cũng có thể vãng sanh.

Nếu làm không được như vậy thì sao? Lỡ có xảy ra một chuyện gì sơ ý phải sám hối ngay lập tức. Không thể nói rằng, ta không sợ gì hết! Chắc chắn với thế giới tự do này, không ai có quyền xâm phạm tới đời riêng, đời tư của chúng ta. Nhưng mà oan gia trái chủ có quyền xâm phạm! Nghiệp chướng mình nó sẽ làm cho mình mê man bất tỉnh!

Cho nên xin chư vị đừng bao giờ sơ ý. Nhất định học cho đúng “Pháp”, hành cho đúng “Lý” thì tự nhiên mình được vãng sanh về Tây Phương cực lạc. Chứ không phải mỗi sáng, mỗi khi tu tinh tấn, cứ đọc: “Nguyện khi lâm chung con không còn chướng ngại”, là mình không còn chướng ngại! Không phải! Bảo đảm chắc chắn không phải! Tại vì sao? Tại vì mình làm không đúng pháp! Miệng mình thì nguyện nhưng mà tâm mình không nguyện! Chịu thua! Biết liền.

Xin chư vị, vì để cho vững vàng đi về Tây Phương Cực Lạc, chúng ta phải nhắc nhở lẫn nhau, nhắc cho đến khi nào mà mình ngộ ra con đường vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Tại sao ở Việt Nam người ta vãng sanh dễ dàng? Là tại vì người ta thành khẩn. Tại sao bên Đức người ta hộ niệm vãng sanh? Rõ ràng là tại vì người ta nghe từng chút từng chút, người ta thực hiện đúng như vậy. Sắp sửa đây tôi sẽ hỏi người ta đưa một cuốn sách, quý vị coi cuốn sách đó mà thấy giật mình. Tại sao người ta được vãng sanh? Cuốn sách đó là chính một cái người ở bên Đức người ta viết. Quý vị coi cuốn sách đó mới thấy ngỡ ngàng! Tại sao được như vậy? Người ta thành khẩn đến nỗi từng chút, từng chút, người ta theo dõi từng chút từng chút… Nhờ như vậy mà hộ niệm người ta được vãng sanh.

Còn ở đây thì mình quá gần ngài Tịnh Không. Mình tưởng là gần Ngài thì mình được vãng sanh chăng? Không phải đâu! Mình tưởng là đứng trong cái Niệm Phật Đường này là mình được vãng sanh à?… Không phải đâu!

Tại vì mình đã khởi ra một cái niệm cống cao ngã mạn khi tưởng là mình tu lâu hơn người ta! Cách đây hai ngày chúng ta hộ niệm cho một người. Người đó khi còn sống, một vị Sư Cô tới khuyên niệm Phật, người đó nói: “Tôi biết rồi Cô ơi! Tôi không cần nữa. Tất cả đạo lý tôi hiểu hết rồi!”… Vì quá hiểu cho nên thành ra cống cao ngã mạn! Một niệm cống cao ngã mạn xảy ra đã phá tan hết cả công đức để sau cùng bị mê man bất tỉnh, đến nỗi mình hộ niệm muốn khan cổ mà sau cùng vẫn đi con đường xấu! Như vậy không phải mình niệm Phật là được vãng Sanh. Niệm Phật phải thực hành cho đúng… Nhất định đừng để sai. Cho nên nghe pháp của Ngài phải ứng dụng liền.

Ngài nói sao?

Quý vị mà còn có cái tâm đố kỵ… Nhất định quý vị mất phần vãng sanh.

Quý vị mà còn ghét một người nào… Nhất định không được vãng sanh.

Quý vị mà còn đem cái chuyện của thiên hạ để vào trong tâm mình… Nhất định quý vị không được vãng sanh.

Có phải Ngài nói như vậy không? Ta áp dụng được không? Trên bảng này Phật nói sao?

Gìn giữ cái miệng, đừng nói lỗi người.

Nếu như người nào ưa nói lỗi người, phải giật mình ngay đi. Nếu không giật mình nhất định không được vãng sanh. Tại vì mình đã phạm phải cái lỗi này rồi “Nhược chơn tu đạo nhơn. Bất kiến thế gian quá”. Mình thấy cái lỗi người ta nhưng mình đừng nói. Đừng để trong tâm thì tự nhiên cái tâm mình thanh tịnh. Thanh tịnh trong tâm đâu có phải là mình cứ công phu này công phu nọ hay nói cho hay ho. Thực ra là:

Tập buông đi.

Tập tha thứ đi.

Tập lặng lờ đi.

Tất cả những cái ở bên ngoài chỉ là để thử thách cái tâm mình bên trong.

Cái tâm mình mà còn động, nhất định tâm mình không tịnh!

Tâm mình mà còn thấy khó chịu, nhất định cái tâm mình không tịnh!

Cái tâm mình mà muốn, gọi là, theo ngài Tịnh Không nói, muốn chi phối thiên hạ, nhất định không thể nào thanh tịnh!

Ngài đưa ra những câu khẩu hiệu: “Với sự, không được chi phối. Với người, không được chi phối”. Nếu mình được cái tâm này, thì rõ ràng cái đạo tràng này nhất định sẽ là đạo tràng thanh tịnh.

Xin thưa với chư vị, chúng ta còn mang cái thân này là còn sợ. Sợ gì? Sợ bị chướng ngại trong lúc lâm chung. Nhất định. Chướng ngại nó nằm ở đâu? Ngay trong tâm mình nó hiển hiện ra chứ không phải ở ngoài hiển hiện vô. Ví dụ như đến một cái đạo tràng, mình thấy cái đạo tràng này có những cái chuyện sai suất làm mình tự nhiên thấy khó chịu vô cùng! Nhất định cái tâm này là tâm loạn, không phải là tâm tịnh. Còn nếu thấy như vậy, nhưng… À thôi! Đây là chuyện của thế gian. Mình vô trong Niệm Phật Đường, đóng cửa lại tu hành, thì tự nhiên cái tâm mình nó tịnh lại. Đối với một câu chuyện ở xã hội, mình thấy khó chịu vô cùng. Mình khó chịu vô cùng đó chính là cái phiền não của mình nổi lên. Còn một người nào khác thấy chuyện đó nhưng không có phiền não, chính vì người ta ở trong định.

Định ở đâu? Ngay trong câu A-Di-Đà Phật, gọi là “Tâm trú niệm Phật trung. Vô phi bất vô quá” là như vậy. Nếu người nào thật sự tâm đã định trong câu A Di Đà Phật rồi, không bao giờ thấy cái gì là “Thị“, không có gì gọi là “Phi“, không cái gì là sai, không có gì là đúng nữa hết trơn. Tâm đó thực sự là tâm tịnh. Mình làm được không? Xin thưa chư vị, rất là khó! Phải tập. Tập làm sao mà khi cái tâm mình nó khởi lên thì:

Đè xuống liền lập tức.

Bỏ đi liền lập tức.

Sám hối liền lập tức.

Một câu A-Di-Đà Phật niệm liền thì tự nhiên chúng ta đi trên con đường thẳng băng về Tây Phương. Nếu mà chúng ta còn để cái tâm khó chịu cái này, khó chịu cái khác, tôi đảm bảo bây giờ quý vị niệm, theo như ngài Tịnh Không nói, một ngày niệm mười vạn tiếng cũng như không, mà còn bị cái nạn của ngài Quán Đảnh Đại Sư la rầy chúng ta nữa. Ngài nói, coi chừng niệm Phật mà không buông xả cái này sẽ bị đọa địa ngục!

Chính vì thế, khi chúng ta biết được phương pháp hộ niệm là biết cái phương pháp buông xả. Tập buông xả. Tập buông xả. Phải buông xả mới được vãng sanh. Không buông xả không thể nào mà được vãng sanh! Cố gắng lên! Một lòng: Sáng niệm Phật, trưa niệm Phật, chiều niệm Phật… thành tâm đem công đức hồi hướng cho chư vị oán thân trái chủ đi.

Xin thưa với chư vị, oán thân trái chủ của chúng ta nhiều vô cùng nhiều. Các vị đó đang chờ… Chờ cái gì? Chờ:

Cái tâm mình thực sự là có thuần thiện hay không?

Tâm mình thực sự có muốn tu hành hay không?

Tâm mình thực sự là có biết tha thứ lỗi lầm của người khác hay không?

Hễ mình tha thứ cho cái lỗi của người làm sai với mình, thì họ sẽ tha thứ cho cái lỗi mình ăn họ, mình nuốt họ, mình bắn họ, mình giết họ, mình làm những cái điều sai trái đối với họ. Tại vì nhớ là cái nợ sinh mạng không thể nào dễ dàng được! Như vậy thì sao? Ta phải biết cách gọi là giải trừ cái nghiệp cho ta. Bằng gì? Ta phóng sanh, rồi ta tha thứ. Tha thứ cho người khác tự nhiên cảm động tới chư vị oan gia trái chủ. Và ta niệm: Nam mô A-Di-Đà Phật cầu Phật cho con được hết chướng ngại, chứ thực ra, nói là A-Di-Đà Phật, chứ suy cho cùng ra, chính là cái chân tâm tự tánh của mình chứ không có gì khác. Cái chân tâm tự tánh của mình hiển lộ ra thì tự nhiên mình được giải nạn. Mà chân tâm tự tánh mình mà cứ bị đè trong những phiền não chập chùng, thì nhất định A Di Đà Phật cũng không cách nào mà chen vào cái “NHÂN QUẢ” của chính mình được.

Nguyện mong chư vị hiểu được những cái đạo lý này, giật mình tỉnh ngộ liền thì tự nhiên đường vãng sanh nằm ngay trước mắt. Còn nếu chúng ta không chịu giác ngộ chuyện này, thì ngồi trước bàn Phật niệm Phật, nhưng đường vãng sanh vẫn còn xa vời vợi!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Cây ngải tím trị vết thương cực kỳ hiệu quả
Từ kinh nghiệm chính bản thân mình cộng với hàng chục năm ứng dụng thực tế, lương y Nguyễn Văn Hướng (69 tuổi, ngụ đường Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) khẳng định cây thuốc nam ngải tím có công dụng trị thương rất hiệu nghiệm, đặc biệt là chức năng “hoá nùng sinh cơ”, tức tạo da non thay thế phần da thịt bị hoại tử.

Hàn gắn vết thương
Ngải tím còn có tên là Nga truật, theo sách y học cổ, loài cây này có tính vị cay, nóng, ấm. Về công năng, ngải tím được biết đến là vị thuốc phá huyết hành khí cực kì hiệu quả. Lương y Hướng cho biết các thầy thuốc đông y từ xưa thường dùng ngải tím để chữa trị nhiều chứng bệnh như: Khí huyết ngưng trệ; đau bụng đầy trướng; bệnh máu đông thành hòn, cục (Trong đông y gọi chung là nhóm bệnh do “trần hà tích tụ”).
Công năng “tuyệt diệu” của ngải tím còn là tác dụng trị thương, sinh da non. Cách thức áp dụng để chữa bệnh như sau: Dùng củ ngải tím còn tươi, đem mài nhỏ hoặc giã mịn rồi đắp kín vào vết thương. Thậm chí khi vết thương đã nhiễm trùng nặng vẫn có thể dùng bài thuốc này để chữa trị. “Đắp thuốc xong nhớ dùng vải thưa buộc vừa chặt, đắp thuốc từ sáng đến chiều lại thay mới. Khi đắp thuốc vào sẽ gây cảm giác đau nhức như gà mổ, khí nóng toả ra từ vết thương nhưng đó chính là dấu hiệu khả quan”, vị lương y thuộc nằm lòng cách bào chế thuốc.
Trình bày tiếp về công năng của cây, thầy thuốc Hướng cho biết những tinh chất trong củ ngải sẽ hút toàn bộ mủ, máu độc và phần thịt đã hoại tử ra khỏi cơ thể người bệnh. Đồng thời củ ngải tím có tác dụng kích thích quá trình sinh cơ tạo da non: “Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của vết thương mà quá trình đắp thuốc dài hoặc ngắn. Tuy nhiên chỉ sau vài lần đắp thuốc, bệnh nhân sẽ thấy bớt đau nhức, da không còn thâm tím và tiêu mủ rõ rệt”.
Điều cần lưu ý là củ ngải tím phải sử dụng ở dạng tươi và tuyệt đối không áp dụng trị thương cho phụ nữ mang thai bởi công năng phá huyết của cây cực mạnh. Trong quá trình dùng thuốc trị liệu, người bệnh cần kiêng tránh những thức ăn sinh mủ. Nét ưu việt nữa trong chữa bệnh của cây ngải tím như lời lương y Hướng là tuyệt đối không để lại thẹo (sẹo) sau khi vết thương lành.

Cổ nhân ngày trước vẫn ứng dụng củ ngải để chữa trị chứng cảm cúm sơ phát bằng cách ăn tươi. Ông Hương chia sẻ kinh nghiệm: “Trong thời gian lên vùng đồng bào thiểu số tìm hiểu cây thuốc, tôi biết được phụ nữ vùng cao sau khi sinh thường ăn củ ngải tím phòng bệnh. Những người lặn lội vào chốn rừng thiêng nước độc tìm trầm, đãi vàng không bao giờ quên ngậm củ ngải nhằm phòng trừ khí độc, bởi thế dân gian mới có câu “ngậm ngải tìm trầm””.
Bên cạnh cách dùng tươi, người bệnh có thể tự bào chế bài thuốc từ củ ngải tím và dấm dùng chữa trị nhóm bệnh “trần hà tích tụ” (Các bệnh máu vón thành cục, sán khí, bệnh chảy máu dạ con ở phụ nữ sau khi sinh nở - PV). Theo đó, thái mỏng củ ngải tím đem phơi hoặc sao khô, sau đó tẩm bằng dấm vừa đủ ướt: “Mỗi lần dùng 12g thuốc sắc uống, chú ý uống thuốc tốt nhất lúc lưng chừng bụng, tức là không đói cũng không no, để có hiệu quả tốt nhất”. Giải thích tại sao kết hợp vị dấm, lương y Hướng cho hay phần lớn các bệnh do “trần hà tích tụ” đều xuất phát từ gan. Mặt khác dấm có vị chua sẽ làm “nhiệm vụ” đưa thuốc vào gan, từ đó bệnh mới lành dứt điểm.
Đặc biệt đối với chứng bệnh chảy máu dạ con, ông Hướng chia sẻ có thể dùng củ ngải tím đã phơi khô đem sao chung với ruột gà chữa trị rất hiệu nghiệm. Ông hướng dẫn: “Ruột gà phải còn tươi mới, để nguyên vẹn rồi thái nhỏ cho vào chảo sao cùng củ ngải. Sao đến lúc nào ruột gà hoàn toàn khô thì bỏ đi, chỉ lấy phần củ ngải đem sắc uống, với liều lượng khoảng 15 - 20g mỗi ngày”. Riêng về bài thuốc này, ông Hướng cho hay được người xưa truyền dạy lại, bản thân mình áp dụng rất nhiều lần nhưng không thể lí giải tại sao lại kết hợp ruột gà với củ ngải tím.
Chứng minh công dụng thuốc bằng ngón tay cụt
Khi được hỏi về dẫn chứng tính hiệu nghiệm của những bài thuốc bào chế từ cây ngải tím, ông Hưởng xòe ngay bàn tay mình có một ngón cụt nửa lóng để minh chứng: “Chính nó là bằng chứng rõ ràng nhất”. Năm 1977 ông Hưởng khi đó đang sinh sống ở Quảng Ngãi, một lần đi chặt nứa thì bị cây nứa cắt vào tay. Do chủ quan nên vết thương ngày càng nặng, ngón tay bị nhiễm trùng đến mức phải tháo khớp. Thế nhưng vẫn chưa thoát nạn, lần cuối cùng chẩn trị, bác sĩ bảo phải tháo bỏ cả bàn tay mới an toàn tính mạng. Dễ hiểu cảm giác thất vọng của chàng trai trẻ lúc đó ra sao.

Ông bộc bạch bản thân mình rơi vào tâm trạng bế tắc, chán chường suốt mấy tháng liền cho đến ngày trở lại quê hương ăn giỗ ở xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). “Trong đám giỗ có ông thầy lang nổi tiếng ở quê đến dự, nhìn thấy bàn tay tôi ông ngắm nghía rồi bảo đừng buồn nữa, sáng mai sang nhà ông để ông chữa trị. Nghe vậy thôi chứ thâm tâm tôi nghĩ rằng y học hiện đại còn bó tay thì mấy ông lang vườn làm sao chữa khỏi”, ông Hướng mỉm cười nhớ lại.
Thế nhưng “có bệnh thì vái tứ phương”, dù hoài nghi nhưng ngày hôm sau chàng trai vẫn mò sang “thử nghiệm”. Qủa thực như lời cam kết, chưa đầy 3 tuần lễ đắp thuốc từ củ ngải tím, vết thương trên tay khỏi hẳn. Đó cũng là lí do khiến chàng trai trở nên đam mê, quyết định “toàn tâm toàn ý” đi theo nghề thuốc. Vốn là con nhà nòi có truyền thống nghề y, lại chịu khó học hỏi nên chẳng mấy chóc ông Hướng ra nghề và sống bằng nghề thuốc.
Vị lương y trải lòng nguyên cớ sâu xa nhất khiến ông theo nghề thuốc chính là trả ơn cho đời. Ông nói: “Nếu không nhờ ông thầy lang năm xưa, nay tôi đã trở thành người cụt què rồi. Tôi tin rằng ở hiện tại cũng vậy, ở đâu đó vẫn có những người đang bi luỵ vì bệnh tật, bởi vậy tôi muốn đem chút ít khả năng bản thân để cứu người giúp đời như một cách trả ơn”.
Loài cây dân dã, dễ tìm này nhưng lại có công hiệu cực kỳ và dễ chế biến thành bài thuốc. Thế nên mới có chuyện trong đời làm nghề Đông y của ông Hướng, có những cuộc “chữa bệnh” ngay trên đường phố. Ông Hướng có nhiều ký niệm vui, ví dụ có lúc đang đi ăn sáng thì bất ngờ nhìn thấy cảnh một ông lão làm nghề chài lưới bị dính vết thương ở chân gây sưng tấy, lê lết đi vào quán. Ông Hướng đến bắt chuyện và chỉ cho mẹo chữa trị, chưa đầy tuần lễ sau vết thương của ông lão đã hết đau đớn, rồi dần lành hẳn. Lần khác khi đi chơi, nghe tin một cụ bà bị mưng mủ ở bụng, vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng nặng nhưng cụ kiên quyết không đi viện do ngại tốn kém, ông Hướng liền ghé thăm và sử dụng “bí kíp” củ ngải tím chữa giúp. “Mọi người cứ yên tâm sử dụng cây ngải tím trị thương, ai có thắc mắc gì hãy gọi điện thoại cho tôi hướng dẫn tỉ mỉ hơn”, lương y Hướng nhiệt tình mở lời trước lúc tiễn khách.
Ngải tím, hay còn gọi Nga truật, là một loại cỏ cao chừng 1 - 1,5m, có thân rễ hình nón, có khía chạy dọc. Củ ngải toả ra theo hình chân vịt, cây mẫm và chắc. Vỏ củ ngải có màu vàng nhạt, lá dài khoảng 30 - 60cm, rộng chừng 7cm, dọc theo gân chính giữa của lá có những đốm màu đỏ. Cây ngải tím thường mọc hoang.
Tác giả bài viết: Theo Hải Lăng
Nguồn:Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Học người xưa cách đối diện với thị phi trong cuộc sống

Thật khó để tìm ra cách ứng xử khi phải đối mặt với những thị phi trong cuộc sống. Nhưng trong mọi trường hợp, im lặng luôn là giải pháp tối ưu, bởi cuộc sống còn nhiều thứ để quan tâm hơn là mang trong mình sự ấm ức và bực bội chỉ vì người khác không hiểu đúng về mình.
Dưới đây là 2 câu chuyện nói về cách mà người thời xưa đối diện với những thị phi.

Câu chuyện thứ nhất:
Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
– Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.
Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

Câu chuyện thứ hai:

Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Trong kinh Phật viết rằng, khi người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Thế nên từ nay về sau nếu có nghe thấy ai đó nói lời không tốt về mình, chớ có thọ nhận thì sẽ được an vui.

Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành nhưng vết thương gây ra bởi lời nói thì chẳng biết ngày nào mới lành lại được.
Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ bởi: “Every saint has a past, every sinner has a future”, nghĩa là “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.
Nguồn: KCYĐ

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014



Kỷ niệm Đồ Sơn, Khí Công Y Đạo Hà Nội- Hải Phòng, tháng 10 năm 2014

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014


                      Lớp Khí Công Y Đạo khóa 8 đi tham quan Phú Thọ nhân kết thúc khóa học

Tổng số lượt xem trang